Tôi mồ côi từ nhỏ, nhưng được cái có ý chí phấn đấu nên năm 32 tuổi tôi đã có sự nghiệp vững chắc khi thành lập một công ty nho nhỏ. Lúc này tôi mới tính đến chuyện lập gia đình. Vợ tôi không quá xinh đẹp nhưng chân thành, dịu dàng và là một người con có hiếu, biết quan tâm chăm sóc cho gia đình và tôi đánh giá cao điều đó. Tôi tin rằng kết hôn với một cô gái như vậy thì chúng tôi sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
Vì mất bố mẹ từ nhỏ nên tôi coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ đẻ mà đối đãi, không tiếc nhà vợ thứ gì, nhờ làm gì cũng giúp. Nhưng, chính sự nhiệt tình đó đã vô tình “giết chết” cuộc hôn nhân 10 năm của tôi. Để rồi giờ đây khi bình tâm ngồi lại, tôi đau đớn đúc rút ra bài học rằng muốn hôn nhân hạnh phúc, con rể đôi khi phải học cách từ chối trước những yêu cầu của nhà vợ, nhất là trong 2 khía cạnh này.
(Ảnh minh họa)
1. Không tùy ý can thiệp vào mâu thuẫn ở nhà vợ
Bất cứ gia đình nào cũng có những lúc cơm không lành canh chẳng ngọt, gia đình tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì coi mình là người một nhà nên trong các vấn đề của nhà vợ, tôi đều nhiệt tình tham gia và đưa ra ý kiến đóng góp. Ngay cả khi bố mẹ vợ cãi nhau hay anh em họ hàng nhà vợ mâu thuẫn, tôi cũng bớt chút thời gian để đứng ra giảng hòa.
Lần một, lần hai bố mẹ vợ còn nghe theo lời tôi, nhưng những lần sau đó họ khó chịu ra mặt. Có một lần bố mẹ vợ tôi cãi nhau, mẹ vợ trách bố đi uống rượu với bạn bè không biết đường về, ông thì trách ngược bà không quan tâm, cơm nước đúng giờ, ông chán nên mới vậy.
Chuyện cũng chẳng có gì to tát lắm, tôi đứng ra khuyên can nhưng không ai chịu nhường ai. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, bố chồng trút mọi tức giận lên đầu tôi: “Anh biết cái gì mà nói, chuyện nhà tôi người ngoài như anh đừng có xen vào. Đàn ông gì mà lắm chuyện thế, chuyện gì cũng chõ mồm vào”.
Tôi bị đứng hình trước lời nói đó. Tôi coi bố mẹ vợ như bố mẹ ruột nên mới góp ý, nào mà ngờ lại bị coi là “người ngoại đạo”. Sau lần đó, tôi chợt nhận ra không nên tùy ý tham gia vào các cuộc xung đột của nhà vợ.
Chuyện gì quá nghiêm trọng hoặc muốn góp ý gì, tôi chỉ nói qua vợ để cô ấy lên tiếng. Hoặc trừ khi có người hỏi ý kiến tôi, tôi mới nói. Tuy cách hành xử này có phần khách sáo nhưng được cái sau đó tôi “nhàn thân” hơn, ít khi xảy ra xung đột với nhà vợ nữa.
(Ảnh minh họa)
2. Không đáp ứng mọi đòi hỏi từ nhà vợ, nhất là chuyện tiền nong
Tuy là con rể nhưng tôi không nề hà bất cứ việc gì, ai nhờ gì cũng giúp. Chẳng hạn như em vợ kiếm việc làm, tôi giúp. Cậu của vợ nhờ đi mua thuốc hộ, tôi cũng giúp. Chú của vợ ra thành phố chơi, nhờ tôi lái ô tô đi đón, tôi cũng giúp,… Nói chung, bất cứ ai ở nhà vợ nhờ cậy tôi đều nhiệt tình giúp đỡ.
Nói thật tôi hơi khó chịu khi liên tục bị nhờ như thế, tôi có trăm công nghìn việc phải làm chứ đâu rảnh rỗi. Nhưng vì nể vợ nên tôi vẫn giúp, không biết 2 chữ từ chối viết thế nào.
Cho đến một ngày tôi phát hiện ra vợ lén trả giúp em trai 2 tỷ vì nợ cờ bạc. Bị tôi phát hiện, nhà vợ không những không thấy hổ thẹn mà còn lên giọng trách móc. Họ bảo tôi toan tính, tiếc tiền với nhà vợ, lấy vợ giúp cả nhà vợ là điều đương nhiên hay làm anh làm chị thì việc trả nợ cho em trai là trách nhiệm, việc nên làm,… Đáng buồn thay, vợ cũng trách móc tôi và chính vì chuyện này chúng tôi đã ly hôn.
Tôi thật sự “cạn lời” trước những lý lẽ vô lý của nhà vợ. Nhưng suy cho cùng, có lẽ cũng là do tôi đã sai ngay từ ban đầu. Nếu tôi không đáp ứng mọi đòi hỏi, nhận giúp đỡ mọi việc từ nhà vợ thì có lẽ họ đã không ỷ lại, coi việc giúp đỡ là trách nhiệm tôi cần làm. Vậy đấy, tôi tốn công, tốn sức, tốn thời gian nhưng người ta đâu có biết ơn.
Cho nên các chàng rể à, không phải lúc nào nhiệt tình quá cũng là tốt, đôi lúc cần phải học cách từ chối. Nếu không sự nhiệt tình đó sẽ dần dần tạo thói quen xấu cho người khác khiến bạn gặp rắc rối, thậm chí là đổ vỡ hạnh phúc gia đình.