- Mẹ ơi, mẹ có bao nhiêu tiền tiết kiệm vậy?
Tuấn, con rể tôi vừa đặt tách trà xuống vừa hỏi. Câu hỏi nghe có vẻ vô tình, nhưng tôi nhận ra sự lưỡng lự trong ánh mắt và giọng nói của nó.
Tôi nhìn con rể với ánh mắt dò xét. Đây là lần đầu tiên nó chủ động nhắc đến chuyện tiền nong với tôi. Trong mắt tôi, Tuấn là đứa trầm tính, cư xử đúng mực, lấy con gái tôi cũng đã 3 năm. Cuộc sống hai vợ chồng chúng nó cũng gọi là yên ổn.
Nhưng hôm nay tự nhiên hỏi đến tiền tiết kiệm của tôi, trong lòng tôi bất giác có chút cảnh giác.
- Ờ, cũng không nhiều đâu, chắc khoảng 200 triệu.
Tôi đáp qua loa, mắt nhìn ra cửa sổ, giả vờ như chẳng để tâm.
Thật ra, tôi nói dối. Làm giáo viên về hưu, sống tiết kiệm bao năm, tôi có hơn 1 tỷ gửi trong ngân hàng. Nhưng chưa bao giờ tôi nói ra, kể cả với con gái.
Tuấn không nói gì thêm, chỉ cúi đầu xuống nghịch điện thoại, nét mặt trầm ngâm. Tôi cũng không hỏi thêm, đứng dậy vào bếp nấu cơm.
Hôm đó con rể đã hỏi tôi có bao nhiêu tiền tiết kiệm. (Ảnh minh họa)
Chiều hôm đó, lúc đang lau nhà gần ban công, tôi vô tình nghe tiếng Tuấn gọi điện thoại:
- Mẹ vợ con chỉ có 200 triệu, chắc không đủ để lo tiền mua nhà cho thằng út rồi…
Tôi đứng sững lại. Câu nói ấy như một gáo nước lạnh dội thẳng vào lòng ngực. Hóa ra, nó hỏi tiền tôi là để lo cho... em trai nó mua nhà?
Tôi bắt đầu xâu chuỗi lại mọi chuyện. Tuấn sinh ra ở vùng quê nghèo, bố mẹ làm ruộng, em trai mới ra trường vài năm, giờ đang chuẩn bị cưới vợ. Nghe đâu bên nhà gái muốn có nhà riêng mới chịu cưới. Lần trước, tôi còn từng vô tư buông câu “con cái có tổ ấm thì mới yên tâm làm ăn”, không ngờ lại thành cái cớ để Tuấn nhắm tới tôi.
Một tối khác khi vợ chồng con gái về ăn cơm, tôi gợi chuyện nhẹ nhàng:
- Em trai con sao rồi? Nghe nói sắp cưới hả?
Con gái tôi vừa gắp đồ ăn vừa đáp:
- Dạ, đám cưới cũng lo gần xong rồi ạ. Mà nhà gái yêu cầu có nhà, trong khi em chồng con không có nhiều tiền, bố mẹ anh thì cũng không giúp được gì.
Tuấn lập tức chen vào:
- Mẹ ơi, nếu mẹ có điều kiện thì giúp tụi con một chút được không?
Câu đó vừa dứt, con gái tôi liền trừng mắt với chồng nó:
- Anh nói gì vậy? Sao lại kêu mẹ giúp chuyện nhà mình?
Tuấn ấp úng:
- Anh chỉ nghĩ là mẹ cũng đâu có khó khăn gì... Mình vay tiền mẹ lo cho chú trước, rồi sau mình trả lại chứ đâu có quỵt.
Tôi im lặng, không phản ứng gì, nhưng trong lòng đã quyết.
Ăn cơm xong, con mang bát đi rửa. Nhìn con gái cặm cụi bên bồn rửa một mình, còn con rể vẫn ngồi bấm điện thoại mà lòng tôi đầy xót xa.
Con gái tôi là đứa con ngoan, từ nhỏ đến lớn chưa từng khiến tôi lo lắng. Vậy mà giờ đây, vì gia đình bên chồng, nó có nguy cơ bị kéo vào những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Tối hôm đó, vợ chồng con gái về ăn cơm. (Ảnh minh họa)
Sáng hôm sau, nhân lúc con gái đi chợ, tôi đã nói chuyện riêng với Tuấn:
- Con định lấy tiền của mẹ để lo mua nhà cho em con, đúng không?
Tuấn sững lại, rồi ấp úng:
- Con cũng không muốn làm phiền đến mẹ, nhưng nhà con không còn cách nào…
Tôi nhìn thẳng vào nó nói:
- Mẹ hiểu hoàn cảnh gia đình con, cũng hiểu tình anh em. Nhưng mẹ là mẹ vợ con, không phải mẹ ruột. Số tiền mẹ dành dụm là để lo tuổi già, và nếu có dư, cũng là để lại cho con cháu ruột sau này. Không ai có quyền quyết định thay mẹ cả.
Tuấn cúi đầu, giọng nhỏ hẳn:
- Con xin lỗi. Con sai rồi. Con sẽ không để chuyện này xảy ra nữa.
Tôi dịu giọng:
- Mẹ không trách con thương em, nhưng mọi chuyện trong nhà nên bàn với vợ con trước. Vợ chồng là phải cùng nhau gánh vác. Mẹ chỉ mong tụi con sống với nhau tử tế, đừng để vật chất làm xấu đi tình cảm. Còn chuyện của em trai con, mẹ nghĩ các con nên nói thẳng, đừng ôm đồm như thế rồi ảnh hưởng tình cảm vợ chồng.
Từ sau hôm đó, tôi không nghe Tuấn nhắc đến chuyện tiền nong nữa. Cậu ấy chăm lo cho con gái tôi hơn hẳn, phụ rửa bát, quét nhà, thậm chí xoa bóp cho vợ mỗi tối.
Con gái cười tủm tỉm kể:
- Mẹ ơi, hôm nay anh đòi nấu ăn cho con luôn đó! Cưới mấy năm lần đầu con thấy anh như vậy.
Tôi chỉ cười nhẹ. Có lẽ cú “nhắc nhở” vừa đủ của tôi đã khiến Tuấn hiểu ra điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân không phải tiền bạc, mà là sự tôn trọng và đồng hành.
Còn tôi, tôi sẽ vẫn giữ vững ranh giới của mình. Nhưng nếu một ngày nào đó, con gái tôi thật sự cần, tôi sẽ không tiếc. Vì tiền, có thể kiếm lại. Nhưng gia đình phải biết gìn giữ từng chút một.