Mẹ chồng nàng dâu sống chung dưới một mái nhà khó tránh khỏi những lúc cảm thấy bất tiện, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn. Cho nên, đa số các nàng dâu đều muốn ra ở riêng cho thoải mái, nhưng vẫn có những trường hợp hy hữu, mẹ chồng đuổi thế nào cũng không chịu đi.
Chẳng hạn như đôi vợ chồng người Trung Quốc này, họ đến với nhau sau khi cả hai đều lỡ dở một lần đò, người vợ năm nay đã ngoài 40 tuổi. Sau khi kết hôn, họ sinh được một cặp con trai sinh đôi. Vì kinh tế không mấy khấm khá nên họ đã ở với bố mẹ chồng, nhưng bầu không khí trong nhà rất ngột ngạt, trên mặt mọi người đều không có nụ cười.
Mẹ chồng muốn con cái ra ở riêng và hứa chu cấp cho con mỗi tháng 7 triệu.
Con dâu trách bố mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của vợ chồng cô, bố mẹ chồng lại tố con dâu đêm khuya mới mò về nhà, đã vậy còn say khướt, không làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ.
Nói chung, ai cũng cảm thấy rất mệt mỏi khi phải sống chung cùng nhau. Mâu thuẫn không thể giải quyết, gia đình này đành nhờ tới sự giúp đỡ của hòa giải viên.
Chia sẻ với hòa giải viên, mẹ chồng nói: “Chồng tôi vẫn đi ra ngoài kiếm tiền vào ban đêm. Lương hưu của vợ chồng tôi gộp lại là 7.000 tệ/tháng (gần 24 triệu đồng) hoàn toàn đủ cho chúng tôi chi tiêu. Nhưng chúng tôi vẫn phải đi làm, chúng tôi làm việc chăm chỉ như vậy là vì ai chứ? Chẳng phải là vì muốn tích cóp cho các con một chút sao”.
Nói đoạn, mẹ chồng chỉ vào bát tôm trong bếp: “Con dâu muốn ăn tôm, tôi đi mua về làm cho nó ăn. Tôi ăn toàn đồ thừa chúng nó bỏ lại. Con dâu không uống nước đun sôi, tôi đi mua cho nó nước đóng chai”.
Suốt thời gian qua ông bà phải nuôi con trai và con dâu, còn chăm sóc cháu nội, nhưng các con lại vô ơn khiến đôi vợ chồng già rất uất ức.
Con trai của người phụ nữ lớn tuổi.
Thấy hai người già mệt mỏi vì con cái, người hòa giải khuyên họ nên học cách buông bỏ, chịu đựng nỗi đau chia xa để con trai trưởng thành và biết quý trọng bố mẹ. “Hai bác nên để bọn họ dọn ra ở riêng, để bọn họ tự lập. Dù thương con cháu đến mấy, sợ con chịu khổ thì cũng nên làm như vậy”, người hòa giải viên nói.
Nghe theo lời khuyên, mẹ chồng liền đề nghị các con chuyển ra ngoài sống riêng, hứa mỗi tháng sẽ chu cấp cho các con 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng). Nào mà ngờ, khi nghe chuyện này, con trai ông bà liền vặn hỏi: “Chúng con chuyển ra sống riêng rồi, thế ai nghỉ việc để chăm con?”. “Anh xin nghỉ đi”, nàng dâu nhanh nhảu đáp lời.
Câu trả lời khiến nhiều người bàng hoàng. Hòa giải viên khuyên rằng người vợ nên ở nhà chăm sóc con một thời gian vì đàn ông chung quy không được tỉ mỉ như phụ nữ, người chồng khó lòng một mình chăm sóc hai đứa trẻ sinh đôi được. Khi con cứng cáp hơn một chút, cô hẵng gửi con đi nhà trẻ để đi làm.
Nàng dâu không hề muốn ra riêng.
“Công việc của chồng tôi rất bấp bênh, anh ấy làm được mấy bữa đã kêu mệt rồi xin nghỉ việc. Anh ấy còn ăn trộm thẻ lương của tôi. Nếu tôi xin nghỉ việc, anh ấy không đưa tiền về cho tôi thì sao?”, nàng dâu phản pháo.
Hai vợ chồng vì chuyện này mà cãi nhau dữ dội, thậm chí đòi ly hôn. Hiện vẫn chưa rõ mâu thuẫn của gia đình này được giải quyết thế nào.
Trong một gia đình, cho dù người mẹ quá khoan dung hay người con quá ỷ lại, đó đều không phải là chuyện tốt. Một khi con cái đã lập gia đình thì nên sắp xếp lại tổ ấm của mình, cần trưởng thành hơn và có trách nhiệm với gia đình, không thể cứ mãi ỷ lại vào bố mẹ được.
Một mối quan hệ gia đình tốt nên là bố mẹ có gia đình riêng, con cái có gia đình riêng, bố mẹ và con cái yêu thương, tôn trọng lẫn nhau nhưng phải có ranh giới nhất định. Ranh giới ở đây là gì? Cho nhau không gian riêng để độc lập, trưởng thành nhưng vẫn thường xuyên về thăm nom, đến những lúc bố mẹ/con cái cần giúp đỡ.