Tôi lấy vợ cùng quê. Hai vợ chồng chung sống đến nay cũng gần 11 năm, có hai cậu con trai. Hồi mới cưới, chúng tôi cũng khó khăn, chật vật cảnh đi thuê nhà ở Hà Nội. Mãi đến khi vợ tôi sinh bé thứ 2, tôi mạnh dạn vay mượn, đầu tư bất động sản, may mắn gặp thời nên cũng phất lên một chút.
Chúng tôi mua được nhà, tậu được xe, cuộc sống cũng thoải mái hơn. Dù là vậy, hai năm trở lại đây, trải qua khủng hoảng kinh tế, mọi thứ đều trở nên khó khăn. Công việc của tôi cũng không còn được như trước, vẫn bấp bênh trong việc kiếm tiền lo cho gia đình.
Vợ tôi là người biết lo toan cho gia đình nhưng cô ấy có nhược điểm là quá ôm đồm việc của nhà ngoại. Nói thế không có nghĩa là tôi cấm cản gì vợ lo cho bố mẹ nhưng với những việc vợ đang làm, tôi cảm tưởng, chúng tôi có nghĩa vụ "gánh" luôn cả gia đình nhà vợ ở quê.
Ảnh minh họa
Bố mẹ vợ tôi sống cùng con trai cả, tức anh vợ tôi. Gia đình không hề khó khăn, thậm chí cuộc sống ở quê còn dư dả hơn rất nhiều so với chúng tôi trên thành phố. Dù tôi đã nhắc vợ rất nhiều lần, ông bà đang ở với anh chị thì để anh chị lo. Mình chỉ là phụ phần nào nhưng vợ tôi cứ vơ vào. Lần nào về quê, vợ tôi cũng biếu bố mẹ vài ba triệu kèm theo mua rất nhiều đồ bổ đắt tiền.
Không những thế, không biết bao nhiêu lần, tôi thấy mẹ vợ kêu nghèo kể khổ với con gái. Tính vợ tôi lại hay mủi lòng, cứ có tiền trong tay, cô ấy sẽ không tiếc cái gì, ngay cả việc đó không phải là nghĩa vụ của mình.
Lần anh chị vợ sửa nhà, ngoài 50 triệu tiền mặt tuyên bố "thêm thắt" cho anh chị, vợ tôi còn vung tay đi mua hẳn cái tủ lạnh với máy giặt mới trị giá gần 30 triệu đồng làm quà tặng. Tổng cộng cũng ngót nghét 80 triệu đồng trong khi chính nhà tôi còn đang phải sửa chiếc máy giặt cũ mua từ hồi mới cưới.
Thấy nhà tôi phóng khoáng, dần dần, mẹ vợ cũng không ngại ngùng trong vấn đề tiền bạc. Bà còn thẳng thừng nói vợ chồng tôi mỗi tháng chu cấp cho ông bà 5 triệu để chi tiêu. Dĩ nhiên, tôi cũng không hề thoải mái về điều đó.
Vợ chồng tôi cũng nai lưng đi làm, ki cóp để tiết kiệm lo cho hai con sau này và bao nhiêu khoản phải lo khác. Vậy mà mẹ vợ không những không thương còn ra sức "bòn rút" tiền của chúng tôi như thế.
Mới đây nhất, tôi đã sốc khi vừa ra Tết, mẹ vợ đã gọi thẳng cho tôi đề cập đến chuyện tiền nong. Theo lời mẹ vợ, anh vợ tôi thua cờ bạc trong Tết nên vay lãi người ta. Giờ họ đến đòi, con số lên đến vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bức xúc không phải là số tiền nhiều hay ít mà là thái độ của mẹ vợ nói với tôi không khác gì đó là việc mà tôi phải làm.
"Giờ tình hình anh con thế, không trả nợ là họ đến siết nhà. Con xem thu xếp mang tiền về giúp gia đình mình nhé".
Anh vợ chơi bời mất tiền sao mẹ vợ lại đổ trách nhiệm trả nợ lên đầu tôi. Tôi đâu có nghĩa vụ phải làm những việc đó. Chưa kể, từ ngày về làm con rể ông bà, tôi cũng rất tử tế, để vợ giúp đỡ gia đình nhà ngoại rất nhiều. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Tôi đâu phải cái mỏ vàng mà mẹ vợ cứ đào mãi như thế.
Tôi nói với bà vợ chồng tôi cũng đang khó khăn, con cái học hành lại mới vừa chi một khoản lớn cho Tết nên không có dư. Nào ngờ, mẹ vợ quay ngoắt thái độ nói tôi ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, thấy nhà ngoại gặp hoạn nạn mà không giúp. Nói xong, bà tắt phụt điện thoại trong sự tức giận.
Bản thân tôi cũng không hề dễ chịu trước thái độ đó của mẹ vợ nhưng tôi vẫn cố nhịn. Tôi gọi cho vợ nhưng lại bực hơn khi cô ấy nói tôi nên rút khoản đang đầu tư về để lo việc cho anh vợ. Tôi không hiểu vợ nghĩ gì mà lại đưa ra lời đề nghị oái oăm như thế.
Kinh tế trong gia đình tôi, ngoài khoản lương hai vợ chồng được hơn 20 triệu thì đó là nguồn thu không nhỏ lo cho các con học hành và dành tiết kiệm. Vậy mà, chỉ vì muốn giúp anh trai nợ nần cờ bạc, cô ấy lại muốn tự đạp đổ chén cơm của nhà mình? Tôi quá thất vọng về điều đó.
Giờ tôi cũng đang đau đầu suy nghĩ. Nếu không cho anh vợ vay tiền, chắc sắp tới, tôi sống không yên với gia đình nhà vợ. Nhưng buộc phải rút tiền đang đầu tư về để lo chuyện vô bổ này, tôi thấy quá bất bình. Tôi nên làm thế nào để hài hòa mọi việc đây. Xin hãy cho tôi lời khuyên!