Trong 12 mùa yêu thương, tháng 7 với ngày lễ Vu Lan báo hiếu là một dịp rất quan trọng để con cái bày tỏ sự biết ơn, đền đáp công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành. Đó có thể là những món quà vừa có giá trị thiết thực vừa có ý nghĩa tinh thần, đó có thể là tiền để bố mẹ chi tiêu, mua sắm hay đơn giản chỉ là một ngày nghỉ để được ở bên, chăm sóc bố mẹ.
Phụ nữ xưa và nay, mỗi thế hệ một suy nghĩ trong cách báo hiếu bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ khác nhau. Tuy nhiên tựu cho cùng, ai cũng luôn trân trọng từng phút giây và quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn những khi có thể bởi “Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha”.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Vu Lan nghệ sĩ hài Trà My lại bận rộn với các chương trình biểu diễn tại các Chùa. Nhưng hễ cứ có thời gian dù chỉ 3-4 tiếng hay một ngày rảnh rỗi, chị lại lái xe từ Hà Nội chạy về Thái Bình thăm mẹ của mình. Chị trân trọng từng giây phút bên mẹ và luôn cố gắng để những năm mẹ còn sống phải là những năm đầy ý nghĩa hạnh phúc bên con cháu.
Chị Trà My tâm sự, bố mẹ chồng và bố đẻ của chị đã mất từ lâu, hiện nay chị chỉ còn mẹ đẻ để chăm sóc, báo hiếu phụng dưỡng. Đối với chị, con cái báo hiếu bố mẹ quanh năm suốt tháng, không riêng gì mùa Vu Lan hay ngày Rằm Tháng Bảy bởi công cha nghĩa mẹ vô cùng lớn lao và sâu nặng. Tuy nhiên mỗi người có cách báo hiếu khác nhau tùy thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận và cách đối xử với cha mẹ.
Nghệ sĩ hài Trà My bên mẹ.
Là thế hệ 6X, quan điểm của chị về cách báo hiếu bố mẹ đẻ với bố mẹ chồng là giống nhau, kể cả khi bố mẹ còn sống đến bây giờ, chị không hề phân biệt mà luôn nghĩ bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ vì nhờ có bố mẹ chồng mà mới có chồng của mình. Trước đây, khi bố mẹ chồng còn sống, ông bà lên chơi, chị vẫn tắm gội, chăm sóc ông bà như mẹ đẻ của mình, đối xử và chăm sóc ông bà bằng cái tâm, sống đúng mực.
“Ngày xưa mẹ chồng còn sống lên nhà mình ở một thời gian, mình thường tắm, gội đầu cho bà. Người già tâm lý thích nhẹ nhàng tình cảm, tâm sự chia sẻ, mình vừa tắm gội vừa nói chuyện với mẹ, mẹ thích lắm. Mẹ chồng mình hiền lành, coi con dâu như con đẻ không bao giờ phân biệt nên mình rất kính trọng bố mẹ.
Giờ mình chỉ còn mỗi mẹ đẻ, lần nào mẹ lên Hà Nội chơi, mình cũng chăm sóc, tắm gội, cắt móng chân cho mẹ. Hay ở Hà Nội nấu một món ăn ngon mình cũng nhớ tới mẹ rồi hôm về lại nấu bồi bổ cho mẹ. Thực ra, người già sống cũng không được bao nhiêu năm nữa nên khi còn sống mình luôn cố gắng để những năm tháng đó phải đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên con cháu”, chị Trà My chia sẻ.
Theo chị Trà My, việc con cái báo hiếu bố mẹ không chỉ là để đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành mà còn để làm gương cho con cháu và mọi người trong gia đình sau này đối với mẹ cha như thế. Thế nên mới có câu nói “Nếu mình có hiếu mẹ cha. Thì con cũng hiếu với ta khác gì. Nếu mình ăn ở vô nghì. Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”.
Chia sẻ về việc báo hiếu cha mẹ bằng tiền, nghệ sĩ Trà My cho hay, mỗi người có một cách báo hiếu cha mẹ, có người có thể biếu 5 triệu, 10 triệu/lần, có người biếu 100-200 nghìn và có người không có tiền nhưng tình cảm vẫn vô bờ bến. Thế nhưng không phải con cái cứ biếu tiền rồi đi biền biệt quanh năm suốt tháng.
Ngoài biếu tiền bố mẹ hàng tháng phụng dưỡng để duy trì cuộc sống khi tuổi già không có lương thì tình cảm cũng vô cùng quan trọng. Đôi khi bố mẹ muốn con về chỉ đơn giản là ngồi ăn bữa cơm rau, cả nhà quây quần, nô đùa trong bữa cơm hoặc con ngủ một tối ở nhà với bố mẹ. Đó là cả một sự hạnh phúc, mãn nguyện của bố mẹ.
“Tuổi già đâu cần tiền, người ta chỉ cần tình cảm, cần hạnh phúc, nụ cười, cần sự sum vầy của con cái. Tâm lý của người già mong mỏi con cái về, không phải mong về cho tiền mà nhìn thấy con, ăn bát cơm rau cùng, tâm sự nói chuyện với con. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản đó thôi nhưng ở người già là một sự lớn lao.
Những người già hay buồn, hay cô đơn. Nếu như con cái xa lánh, mải đi làm không nghĩ gì đến cha mẹ, họ tủi thân vô cùng. Vậy nên cha mẹ còn sống càng gần gũi bao nhiêu thì tình cảm, lửa ấm càng hạnh phúc bấy nhiêu”, chị Trà My thổ lộ.
Chị luôn cố gắng dành thời gian bên mẹ nhiều nhất.
Nhớ lại ngày xưa, chị cũng hối tiếc vì không có nhiều thời gian dành cho bố mẹ như bây giờ nên khi mẹ còn sống, rảnh lúc nào chị lại về chăm sóc mẹ lúc đó. Dù thời gian ngắn hay dài, chỉ cần chạy về ôm mẹ, ngồi bên cạnh nói chuyện với mẹ, nấu một món ăn ngon cho mẹ rồi nhìn mẹ cười thật tươi, khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời là chị cũng đã thấy vui, hạnh phúc.
Lê Thị Thương (29 tuổi, Hải Dương) từng khiến mọi người ngưỡng mộ với câu chuyện tình yêu ngôn tình với thầy giáo Trung Quốc Hạ Dĩ Dương hiện đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc ở Thượng Hải, Trung Quốc với con gái gần 1 tuổi.
Những ngày này, giống như ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng rộn ràng không khí của ngày Lễ Vu Lan báo hiếu - một trong những ngày lễ lớn trong năm. Chia sẻ về phong tục ngày lễ này ở Trung Quốc, Thương cho biết, vào ngày này theo như truyền thống thì người dân Trung Quốc sẽ làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng tổ tiên. Cũng có nhiều người lựa chọn việc đi tới các chùa lớn để phát gạo và đồ ăn cho người nghèo. Ở nhiều nơi họ sẽ ra phần mộ của người đã khuất để quét dọn và cúng thực phẩm đồ ăn cũng như đốt giấy tiền vàng mã để người thân đã khuất ở thế giới bên kia được đầy đủ sung túc và vui vẻ hơn.
Tổ ấm nhỏ hiện tại của Thương bên ông xã Trung Quốc.
Chia sẻ về quan điểm con cái báo hiếu bố mẹ, Thương thẳng thắn bày tỏ, đối với cô, việc con cái thành kính, báo hiếu ông bà cha mẹ là điều đương nhiên và cần thiết vì cuộc sống này là do ba mẹ ban cho, vì thế cô luôn biết ơn vì điều đó. Vợ chồng cô cũng khá bình đẳng giữa 2 bên gia đình nội ngoại nên vấn đề bố mẹ 2 bên như nhau mà không hề có sự phân biệt nào.
Tuy nhiên cuộc sống lo toan cơm áo gạo tiền, chăm sóc con nhỏ, cộng với việc lấy chồng xa khiến Thương ít có thời gian về thăm ba mẹ. Đặc biệt mỗi khi ba mẹ ốm đau cô không thể về ngay, chăm sóc được. Đó là điều khiến cô cảm thấy tiếc nuối và chưa làm tròn trách nhiệm của người làm con nhất.
Thương thổ lộ, trước đây cô luôn cố gắng sắp xếp thời gian về thăm gia đình nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cũng giống như bao bạn trẻ xa quê khác, rất lâu rồi cô không được về quê. Thế nhưng, Thương may mắn vì có ba mẹ luôn thấu hiểu và thông cảm cho điều đó, chưa bao giờ trách cứ gì cả.
“Hiện nay nhiều người trong giới trẻ quan niệm báo hiếu bằng việc biếu ba mẹ rất nhiều tiền là hoàn thành trách nhiệm của người làm con thì theo quan điểm của mình lại khác bởi điều quan trọng cha mẹ cần hơn cả đó là sự quan tâm chia sẻ và kề bên. Có lẽ vì nhịp sống hiện đại quá nhanh và cạnh tranh về mọi mặt nên đã cuốn giới trẻ vào nhịp sống bận rộn với những mối quan hệ từ đối tác tới bạn bè mà quên mất đi thời gian dành cho cha mẹ”, Thương bày tỏ.
Hiện tại, Thượng Hải – nơi Thương sống đang bị bùng dịch, việc đi lại hạn chế, gặp nhiều khó khăn nên Thương phải tạm hoãn dự định tháng 7 đưa chồng con về Việt Nam thăm gia đình, bố mẹ đẻ. Mùa Vu Lan năm nay lại là một năm cô lỡ hẹn về nhà. Tuy nhiên Thương sẽ tự tay chọn những món quà để gửi về cho bố mẹ và gọi điện hỏi thăm bố mẹ thật nhiều để bù đắp.
Còn với bố mẹ chồng ở Trung Quốc, cô sẽ đưa bé Chiên về chơi để cả nhà được quây quần bên nhau. Cô nghĩ đó cũng là điều mà ba mẹ chồng mong muốn nhất mùa Vu Lan này.
Mặc dù thuộc thế hệ trẻ, gen Z nhưng cũng giống như nghệ sĩ Trà My và Lê Thị Thương, Nguyễn Minh Phương – là một vũ công kiêm giáo viên dạy nhảy ở Hà Nội quan niệm, con cái được sinh ra là nhờ nhân duyên từ kiếp trước với bố mẹ, kiếp này được sinh ra để trả ơn và báo hiếu. Chính vì vậy dù là Gen Z hay gen X, Y thì cũng phải luôn hiếu thảo với cha mẹ. Bất kể kể dân tộc, vùng miền, màu da nào, ai cũng đều phải hiếu thảo và sống đúng với đạo làm con.
Từ ngày kết hôn, vợ chồng Phương cũng luôn đề cao việc "đối nội đối ngoại". Chồng cô biết đối nhân xử thế và kính trọng gia đình vợ. Còn cô từ ngày về làm dâu cũng chưa bao giờ khiến ai phật lòng.
Minh Phương và bố mẹ 2 bên trong ngày cưới.
Cũng chia sẻ về quan điểm của mình về việc báo hiếu bố mẹ bằng tiền, Phương thổ lộ, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhiều người muốn mang tiền biếu bố mẹ mà không có. Còn với nhiều người, thời gian quý giá hơn đồng tiền.
Bản thân Phương, từ khi có con mới dành thời gian ở nhà với gia đình. Ngày trước công việc của cô rất bận rộn, nhất là khi lấy chồng càng không gặp bố mẹ đẻ được thường xuyên. Thỉnh thoảng tiện đường đi làm cô vẫn ghé thăm gia đình, mua hoa quả bánh trái hoặc biếu ít tiền cho bố mẹ đi chợ. Cô thấy mỗi lần như vậy ông bà bố mẹ rất vui.
Từ ngày lấy chồng có con, cô lại càng hiểu tấm lòng cha mẹ nhiều hơn và muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Phương tâm sự, ngày mới lấy chồng bước sang cuộc sống mới, môi trường mới, cô buồn và tủi thân rất nhiều. Mỗi lần đó cô lại thấy có lỗi vì trước đây không dành thời gian cho gia đình dù biết rằng bố mẹ không bao giờ trách móc hay giận dỗi về điều đó. “Mình hay tâm sự thủ thỉ với con rằng "sau này khi có cuộc sống riêng, có thể đôi khi con sẽ quên mẹ, nhưng mẹ luôn ở đây mỗi khi con cần", Phương cho hay.
Mùa Vu Lan năm nay, bé Lisa vẫn còn nhỏ, cô sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Ra Tết cô cũng lên kế hoạch ra Tết tổ chức cho 2 bên gia đình đi du lịch lần đầu tiên sau 2 năm xuất giá về nhà chồng. Đó là món quà cô dành tặng cho bố mẹ 2 bên để cả nhà cùng quay quần gắn kết bên nhau.
Không chỉ 3 nhân vật ở trên, có lẽ với rất nhiều người dù ở thời xưa hay thời nay cũng đều đồng quan điểm rằng “chúng ta không nên đợi đến ngày Vu Lan rồi mới thể hiện tình yêu thương đối với cha mẹ mà hãy quan tâm cha mẹ mỗi ngày”. Ngày Vu Lan chỉ là dịp đặc biệt để phận làm con càng thể hiện sự biết ơn cha mẹ bằng những món quà, hành động ý nghĩa. Từng món quà nhân dịp này dù lớn dù nhỏ đều thể hiện những ước mong: Cha mẹ luôn khỏe mạnh, vui vẻ quây quần bên con cháu.
Tuy nhiên hẳn ai cũng đồng ý rằng quà tặng ý nghĩa nhất chính là những món quà vừa có giá trị thiết thực vừa có ý nghĩa tinh thần. Càng lớn tuổi cha mẹ thường hay nhớ về kỷ niệm một thời đã qua. Những hương thơm xưa cũ thời ông bà xa xưa như một chậu nước gội đầu thơm mùi bồ kết, cũng đủ để làm xao xuyến lòng người và làm nên một mùa Vu Lan trọn vẹn mà không cần món quà cao sang, đắt tiền nào cả.
Dầu gội dược liệu Nguyên Xuân mang hương thơm của ngày xưa cũ sẽ chăm sóc mái tóc cha mẹ một cách toàn diện nhưng cũng vô cùng dịu nhẹ theo cách chỉ riêng mình có, nhờ thành phần 13 dược liệu quý cổ truyền phương Đông (Hà thủ ô, Bạch quả, Bồ kết, Hương nhu…), kết hợp công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn CGMP giúp đảm bảo hiệu quả dưỡng và giảm rụng tóc từ gốc mà vẫn an toàn cho người dùng, giảm mức tổn hại cho tóc, dịu nhẹ chăm sóc toàn diện mái tóc của cha mẹ.
Lễ Vu Lan 2022 - Bông hồng cài áo là chuyên đề đặc biệt nằm trong sự kiện Ngày lễ Vu Lan 2022 do Eva.vn thực hiện, với sự tài trợ của Nhãn hàng Nguyên Xuân, dầu gội dược liệu được yêu thích nhất và được 89% người trải nghiệm đề cử sau khi sử dụng theo kết quả của Cộng đồng đánh giá lớn nhất Châu Á - Try and Review. Sự kiện diễn ra từ ngày 01/08 - 14/08/2022 Quý độc giả hãy cùng đón đọc những bài viết, nội dung mới trong chủ đề Lễ Vu Lan 2022 và follow các hashtag dưới đây trên Facebook & TikTok của Eva nhé. #Eva #DauGoiDuocLieuNguyenXuan #LeVuLan2022 #BongHongCaiAo #ChomotmuaHieuNghiavaYeuThuong |