Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, tôi tiếp tục đi làm và bà ngoại lên phố trông nom cháu. Khi con tôi được 1 tuổi bà bảo giúp đỡ vợ chồng tôi như thế là đủ rồi và bà khuyên tôi nên nhờ nhà nội. Bà ngoại phải về quê tiếp tục làm việc kiếm tiền phòng thân khi về già, không thể phụ thuộc vào con cái được.
Bà ngoại rất thương các cháu, phải đưa ra quyết định này quả là rất khó khăn, vì thế chúng tôi không thể níu kéo bà ở lại nữa. Không có người chăm sóc con nên vợ chồng tôi đưa bé đi gửi trẻ. Con đi học rất ngoan nhưng lại ốm thường xuyên, tuần nào cũng phải dùng đến kháng sinh.
Xót con nên tôi bàn với chồng gọi bà nội ra trông nom cháu. Bà bảo còn bận phục vụ ông và gợi ý chúng tôi đưa con về quê nội. Nhưng tôi không muốn xa con và cuối cùng chồng khuyên tôi nên nghỉ việc ở nhà nội trợ, rồi sinh đứa thứ 2 chăm sóc luôn 1 thể. Khi nào con lớn rồi kiếm việc khác mà làm, hiện tại 1 mình anh ấy đi làm là đủ.
Suốt 6 năm ở nhà nuôi con, tháng nào chồng cũng chuyển khoản cho vợ gần như hết tiền kiếm được, còn anh chỉ giữ chút ít chi tiêu. Tôi biết anh phải đi làm vất vả lắm mới kiếm được tiền, thế nên mỗi khi tiêu tiền vào việc gì tôi luôn cân nhắc đắn đo cẩn thận.
Chồng khuyên tôi nên nghỉ việc ở nhà nội trợ, rồi sinh đứa thứ 2 chăm sóc luôn 1 thể. (Ảnh minh họa)
Nhờ chồng giỏi kiếm tiền và tài chi tiêu tiết kiệm của vợ mà hiện tại chúng tôi đã mua được nhà riêng. Chồng còn dự định sang năm mua xe hơi nhưng tôi không đồng ý vì nhu cầu sử dụng ít.
Những năm trước, cứ mỗi dịp Tết đến là tôi chuẩn bị mua đồ trước cả nửa tháng cho rẻ và đỡ cập rập. Năm nào chúng tôi cũng biếu bố mẹ nội ngoại 5 triệu, ngoài ra còn mua nhiều món quà giá trị biếu nữa. Anh em nội ngoại biếu mỗi người 1 hộp bánh nhỏ nhưng giá trị 1 chút là được.
Tôi cũng rất chú trọng đến việc lì xì các cháu. Cả năm chi tiêu tiết kiệm nhưng việc lì xì bọn trẻ không thể chi li được. Bởi dù sao trong các anh em nội ngoại, chồng tôi là người kiếm nhiều tiền nhất, ở quê mọi người mừng tuổi con tôi 100 nghìn thì tôi phải đáp lại 200 nghìn để mát mặt 1 chút.
Tối qua, lúc ăn cơm, tôi bàn với chồng dự định chi cho Tết này 40 triệu như mọi năm. Anh bất ngờ báo tin:
“Năm nay công ty làm ăn khó khăn nên không có thưởng Tết. Anh chỉ còn làm đến Tết nữa thôi, sang năm mới phải đi tìm công việc mới. Vì thế năm nay em phải chi tiêu tiết kiệm hết sức có thể, không được hào phóng như mọi năm nữa”.
Năm nào chúng tôi cũng biếu bố mẹ nội ngoại 5 triệu. (Ảnh minh họa)
Tôi bảo:
“Người ta bỏ ra cả 100 triệu chi tiêu cho Tết, vợ chồng mình chi có 40 triệu đáng là gì. Bây giờ mà bảo em tiết kiệm nữa thì chỉ có ngồi ở nhà không đi đâu hết thì mới bớt chi tiêu được”.
Chồng nói năm nay biếu bố mẹ nội ngoại mỗi bên 1 triệu và mua vài hộp bánh bỏ lên bàn thờ. Các cháu gần thì lì xì 50 nghìn, họ hàng xa thì 20 nghìn.
Tôi bảo mọi năm thế nào thì năm nay cũng như thế, đột ngột giảm tiền biếu và tiền mừng thì anh em sẽ đoán là gia đình khó khăn rồi họ khinh cho. Cứ nghĩ vợ nói thế chồng sẽ hiểu, nào ngờ anh nói:
“Có mỗi 1 tuần Tết mà tiêu tốn cả tháng lương của anh, tốt nhất là ở lại thành phố nghỉ ngơi cho khỏe. Em gọi điện báo với nội ngoại là Tết này gia đình đi du lịch không về quê được”.
Nghe lời chồng nói mà tôi buồn nẫu cả ruột, mọi năm anh chi tiêu rất hào phóng, vậy mà bây giờ sắp mất việc anh lại trở thành người hà tiện đến vậy. Tôi không biết phải nói sao để chồng vẫn duy trì kế hoạch chi tiêu Tết như mọi năm nữa?