Phòng tránh sinh con ngoài ý muốn không phải là điều quá khó khăn (Ảnh minh họa)
Thực tế, chuyện sử dụng các biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh sinh con ngoài ý muốn không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn không thực sự hiểu về các biện pháp ngừa thai hoặc thực hiện sai dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Dưới đây là một vài ví dụ.
Gần xong mới sử dụng "áo mưa"
Rơi vào tình trạng "bác sĩ bảo cưới", Mến - cô sinh viên năm cuối một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội ngại ngùng mỗi khi nhắc đến sự cố với chiếc bao cao su. Chẳng là, Mến xác định sau khi ra trường, đi làm một vài năm mới tiến tới hôn nhân nên trong lúc gần gũi, Mến luôn nhắc bạn trai "thủ sẵn" bao cao su để phòng hộ.
Nên sử dụng bao cao su ngay từ khi bắt đầu quan hệ tình dục để đạt hiệu quả cao nhất. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, người yêu của Mến lại không thích sử dụng bao cao su ngay vì sợ làm giảm hưng phấn. Cứ khi nào gần lên đỉnh, cậu mới lục đục lấy bao để đeo vào và trấn an người yêu rằng, trước đó, không xuất tinh nên không thể khiến bạn gái có con.
Nhiều lần thấy mọi việc "trót lọt" không có vấn đề gì, thành ra, Mến cũng quen với cách hành sự của người yêu. Nhưng rồi, "người tính không bằng trời tính", ngày que thử hiện lên hai vạch rõ ràng báo có thai, Mến như không tin vào mắt mình. Đến khi kết quả siêu âm của bác sĩ cũng khẳng định cô đang mang thai, khi ấy Mến mới dám tin đó là sự thật.
Theo bác sĩ chuyên khoa, kể cả nam giới chưa xuất tinh nhưng trong lúc giao hợp hưng phấn, trong dịch tiết ra có thể đã chứa tinh trùng và điều đó hoàn toàn có thể dẫn đến việc làm nữ giới có thai, như trường hợp của Mến. Và một đám cưới "chạy bầu" đã được tổ chức sau đó không lâu, khi cô chưa kịp ra trường.
"Hôm nay là ngày an toàn"
Đây là câu nói mà Nam, chồng Thi nhớ mãi suốt 4 năm qua. Cuối năm 2016, đôi bạn trẻ kết hôn. Thời điểm ấy, Thi đang học dở cao học nên bàn với chồng giữ kế hoạch, đợi 1-2 năm sau mới có con.
Sau khi tìm hiểu các biện pháp tránh thai, cặp đôi lựa chọn dùng bao cao su. Khoảng 4-5 tháng đầu, mọi việc diễn ra trơn tru. Tuy nhiên, vào một đêm hôm nọ, khi hai vợ chồng chuẩn bị "nhập cuộc", Thi thỏ thẻ vào tai chồng: "Hôm nay là ngày an toàn, không phải đeo bao nữa, đảm bảo không dính bầu được đâu".
Nam dù chưa hiểu ngày an toàn là gì nhưng nghe vợ nói không phải dùng bao, anh khoái lắm. Thế là đêm đó, hai vợ chồng mặc sức ân ái mà không cần "áo mưa" bảo hộ.
Thế nhưng, cái "đảm bảo không dính bầu được đâu" của Thi giờ lại là một cô công chúa gần 3 tuổi. Ngày biết tin có bầu, Thi đứng hình vì cô sẽ phải vác bụng bầu đi học.
Có con, Nam vui nhưng vẫn cố trêu vợ: "Đấy là em nói an toàn, không phải lỗi của anh đâu nhé". Cũng từ sự cố ấy, Thi cạch luôn, không bao giờ dám tính toán gì nữa vì cô nhận ra, mọi phép tính đều có… sai số.
Theo các bác sĩ, hiện nhiều cặp đôi vẫn tránh thai bằng cách tính ngày theo chu kỳ rụng trứng để "né" ngày "nguy hiểm". Tuy nhiên, đây là phương pháp tránh thai truyền thống và chỉ mang tính tương đối.
Đặc biệt, với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, lên xuống thất thường, việc tính ngày rất khó chính xác và nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao.
Việc tính ngày rụng trứng để tránh thai chỉ mang tính tương đối, nhất là đối với những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều. (Ảnh minh họa)
Chưa có kinh nguyệt trở lại, làm sao có bầu được (?!)
Cũng đang trong tình trạng khóc dở, mếu dở vì bị vỡ kế hoạch là trường hợp vợ chồng chị Thắm, anh Trung. Nhìn đứa con đầu chưa đầy 8 tháng đã chuẩn bị phải cai sữa mẹ mà chị Thắm xót xa. Nhưng bỏ đứa thứ hai trong bụng thì chị không đành, thai cũng được gần 3 tháng rồi.
Chị nghĩ đi nghĩ lại mà vẫn chưa tin mình mang bầu. Vài tháng trước đó, chị với chồng ít sinh hoạt vì con hay quấy, thời gian chăm con cũng khiến chị khá mệt. Chỉ thỉnh thoảng chồng đòi quá, chị mới chiều lòng và không dùng biện pháp tránh thai vì đinh ninh rằng, mình đang cho con bú, chưa có kinh trở lại nên không thể có bầu được.
Mãi đến lúc phát hiện có bé thứ hai, chị mới được bác sĩ giải thích rằng, tránh thai bằng phương pháp cho bú vô kinh (là một biện pháp tránh thai tạm thời dựa vào việc cho bú mẹ hoàn toàn sau sinh khi chưa có kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi) mang lại hiệu quả không cao. Bà mẹ đang cho con bú, trứng vẫn có thể rụng kể cả chưa có kinh nguyệt trở lại.
Tuy nhiên, vì chưa có kinh nguyệt nên chị em rất khó có thể xác định được đâu là ngày rụng trứng (thường là ngày thứ 14-15 trong chu kỳ kinh nguyệt 28-30 ngày). Vì vậy, nếu lỡ quan hệ vào ngày rụng trứng hoặc xung quanh khoảng thời điểm này, khả năng thụ thai hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ những trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu chưa có ý định sinh con và muốn kế hoạch hóa gia đình, các cặp đôi nên tìm hiểu và tham khảo sự tư vấn của những người có chuyên môn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe và nhu cầu tránh thai tạm thời hay lâu dài.
Không nên lạm dụng các biện pháp tránh thai truyền thống vì tiềm ẩn nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: Bao cao su, đặt dụng cụ tử cung, viên uống tránh thai, que cấy, thuốc tiêm tránh thai... nếu chưa thực sự muốn sinh con.