Về ăn Tết quê chồng thực sự là một nỗi hãi hùng và quá sức chịu đựng của nhiều chị em (Ảnh minh hoạ)
Nỗi sợ mang tên "Ăn tết quê chồng"
"Hai Tết rồi, ngày nào cũng điệp khúc nấu - ăn - dọn, mình sợ tới nỗi sáng sớm là thấy chóng mặt, đau đầu. Không những thế ngày nào cũng tiếp bao nhiêu khách - những người mình chẳng quen biết gì - và phải cười thật tươi, đon đả chào hỏi, nếu không sẽ bị nói là khinh khỉnh, vô lễ...", chị Như (Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Chưa kể, trong những ngày về quê, chồng chị như quên mất vợ con, suốt ngày bù khú nhậu nhẹt hay nằm xem hài, đánh bài với bạn...
Cũng như mọi năm, từ đầu tháng Chạp, bố mẹ chồng đã gọi điện hỏi ngày nào cho con về. Chồng chị rất hào hứng nói sẽ cho con về ngay hôm hai vợ chồng nghỉ làm, trong khi vợ rầu rĩ nghĩ cách làm sao để ở lại.
"Chồng tôi phản đối ra mặt việc không về quê vì lý do con đau ốm. Anh ấy bảo chỉ cần cho con lên xe, vèo cái đến nơi, rồi ở đây khác gì ở quê, chỉ cần mang thuốc về là được, khiến tôi thêm điên. Rõ ràng anh ta chẳng nghĩ chút nào cho vợ con. Đã vậy, tôi càng không về", chị Như búc xúc kể.
Cùng tâm trạng, chị Nga (Cầu Giấy, HN) cho biết về ăn Tết quê chồng thực sự là một nỗi hãi hùng và quá sức chịu đựng. "Mình rất sợ Tết quê chồng theo đúng nghĩa đen luôn. Mặc dù cả nửa tháng trước Tết, chiều nào đi làm về mình cũng tranh thủ đi mua đủ các loại măng, miến, mộc nhĩ đến rượu, bia, bánh kẹo, ô mai, giấy ăn… Mệt mỏi là thế nhưng vẫn chưa hãi bằng khi nghỉ Tết và về ăn Tết nhà chồng".
Theo như Nga kể: "Nhà chồng mình toàn bàn ghế, tủ kiểu trạm trổ uốn lượn. Năm nào mình cũng phải mất 2 ngày lau chùi mới tinh tươm. Từ ngày 30 đến hết mùng 3 Tết thì than ôi mình chỉ có đi từ bếp đến chậu rửa bát. Thời gian còn lại phải phục vụ con trai hơn 1 tuổi. Nói chung nản lắm, về quê ăn Tết mà chỉ biết đến cái xó bếp, đầu tóc bù rù như ô sin. Mang 2 bộ váy mới về mà mình còn chả có cơ hội để diện Tết".
Chị Thu Nguyên (Hà Giang) thì lại có một nỗi sợ khác. Ấy là nỗi sợ... tiêu tiền. Hai anh chị đều quê xa về thủ đô lập nghiệp. Phải tích góp mãi mới mua được căn chung cư trong thành phố. Cả hai đều là công chức nhà nước, lại nuôi hai con ăn học nên cuộc sống tạm đủ chứ không quá dư giả như nhiều người. "Thế nhưng làm lụng cả năm mà mỗi dịp Tết về là tiêu vèo phát hết", chị than vãn.
"Quê vợ chồng mình thì xa, mỗi lần về tốn rất nhiều tiền tàu xe đi lại. Rồi mỗi dịp về lại quà cáp các kiểu, mừng tuổi gia đình họ hàng. Người nhà quê thấy người thành phố về thì cứ ngỡ là xông xênh lắm nhưng nào biết được vợ chồng mình chắt bót từng chút một. Chồng mình lại là con trưởng, mỗi dịp Tết là dịp phải sắm Tết cho ông bà không những có cái Tết đầy đủ mà còn phải đẹp mặt họ hàng anh em nhìn vào. Mình đến mệt. Cùng cảnh xa quê như nhau, nhưng Tết về quê ngoại đơn giản bao nhiêu thì về quê chồng phức tạp bấy nhiêu. Đã thành lệ bao năm rồi, không dễ gì thay đổi. Thế nên mình rất sợ Tết quê chồng" - chị chia sẻ.
Đừng để ăn Tết quê chồng thành nỗi sợ
Thực tế, ở thời đại tưởng như "bình quyền" ngày nay, những cảnh như chuyện nhà chị Như, chị Nga vẫn diễn ra không ít. Vẫn có những người phụ nữ "sợ" phải về nhà chồng ăn Tết vì đó không phải là những ngày thư giãn nghỉ ngơi sau cả năm trời vất vả, mà lại là thời gian "hành xác" với đủ thứ việc nhà cửa, việc lễ, Tết phải chu toàn.
Bên cạnh đó, không ít mẹ chồng nặng tư tưởng cũ hay đòi hỏi nàng dâu phải "trực chiến" 100% tại nhà chồng, đã gây áp lực lớn cho nàng dâu. Thậm chí nhiều nàng dâu có dâu còn chịu áp lực bị chỉ trích vì không được lòng mẹ chồng, người nhà chồng. Bố mẹ vợ thì ý thức con gái là con người ta… đã vô tình làm "lệch cán cân" sum vầy, hiếu đạo khi Tết đến, xuân về, khiến nhiều nàng dâu "sợ" Tết quê chồng.
Không chỉ thế, cảnh ăn Tết của nhiều gia đình nhỏ cũng đầy áp lực với người vợ khi phải lo toan đủ đường, còn chồng thì "vô tư" tận hưởng không khí tiệc tùng ngày xuân.
Nơi nào có sự yêu thương và chia sẻ, nơi đó mới thật sự là có Tết. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đôi khi, sự vô tâm của các đức ông chồng cũng có phần đến từ sự chấp nhận, cam chịu của những người vợ. Để có được sự chung tay, sẻ chia, đôi lúc người vợ cũng phải biết mở lời, biết xoay chuyển chồng mình.
Thực sự, một cái Tết sẽ trở nên bớt vất vả và vui biết bao nhiêu nếu như vợ chồng, con cái cùng xắn tay vào đón Tết. Có thể cùng chở nhau đi mua sắm Tết, cả nhà cùng trang trí nhà cửa, nấu những món ăn ngon cho Tết, cùng chuẩn bị những món quà cho nội ngoại đôi bên. Một khi đã cùng nhau, thì việc sửa soạn đón xuân, dẫu cho có mất nhiều thời gian, có tất bật thì vẫn mang đầy ắp niềm vui. Nơi nào có sự yêu thương và chia sẻ, nơi đó mới thật sự là có Tết.