Sau cuộc tình không trọn vẹn, hai người chia tay và trở thành "người cũ" của nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng để "người cũ" thành "người xa lạ". Có một số người bị ám ảnh bởi tình cũ đến mức không thể nào dễ dàng buông tay và bước tiếp. Tại sao lại như vậy?
Theo phân tích tâm lý học, "không quên được người yêu cũ" là cảm giác được gây ra bởi một số yếu tố. Một số người sợ cảm giác một mình, luôn khao khát sự đồng hành nói chung, họ không thích đơn độc sau quãng thời gian từng có một người nào đó ở bên chia sẻ cuộc sống. Họ muốn lấp đầy khoảng trống.
Bên cạnh đó, sau khi chia tay, không ít người rơi vào tâm lý: "Có lẽ mình đã sai lầm, sẽ tốt hơn nếu có thể cho hai phía một cơ hội lần thứ hai". Một khả năng nữa có thể xảy ra, đó là sau khi chia tay, bạn chưa tìm được "mối" thích hợp - người mà bạn thực sự hứng thú. Khi đó, người yêu cũ vẫn là một lựa chọn không tồi.
Sara Tang, một nhà báo, một chuyên gia tình dục học, đồng thời là người sáng lập ra Sarasense, một trung tâm trực tuyến giúp cải thiện kỹ năng phòng the của Singapore nhận định: "Có không ít lý do, yếu tố thực tế hoặc cảm xúc khiến cho nhiều người vẫn giữ liên lạc với người yêu cũ. Có người coi người cũ là bạn bè, trong khi một số coi người cũ như "chiếc nạng cảm xúc", hay là một lựa chọn dự phòng".
Ảnh minh hoạ: shutterstock
Tuy nhiên, Tang nhận định, giữ quan hệ với người yêu cũ là một con dao hai lưỡi: "Việc tìm lại với cảm giác an toàn quen thuộc đôi khi là thứ gì đó thật hấp dẫn, nhất là với người hiểu rõ về cơ thể bạn, nhất là thời điểm bạn không có đối tác mới". Thậm chí, đây là lý do nhiều người dù có đối tác mới nhưng vẫn có quan hệ tình dục với người cũ, Tang nhận định. "Đây là một điều cực kỳ phổ biển: người ta cảm thấy thoải mái và quen thuộc.
Nhiều người thậm chí cho rằng họ có thể sex với người cũ nhưng vẫn giữ được ranh giới cảm xúc tách biệt. Tuy nhiên, thực tế thường phức tạp hơn rất nhiều. Quan hệ tình dục có một sức mạnh vô cùng lớn, vì nó khiến cho não bộ giải phóng hoóc môn và các chất hóa học, giúp liên kết chúng ta với người khác. Nó có thể khiến những cảm xúc của bạn về ai đó hồi sinh, tạo ra những tín hiệu lẫn lộn, gây ra nhầm lẫn".
Tang cho rằng, nên hết sức thận trọng khi quan hệ tình dục với người yêu cũ: "Chớ nên vội gán bất cứ ý nghĩa cảm xúc nào cho câu chuyện sex thăng hoa. Thật dễ dàng để lý tưởng hóa và lãng mạn hóa người yêu cũ sau một đêm ái ân, nhưng hãy nhớ rằng lý do khiến hai người chia tay nhau vẫn còn tồn tại".
Trong trường hợp bạn muốn tái xây dựng lại mối quan hệ sau lần chung chăn gối ấy, hãy đảm bảo rằng cả hai đều mong muốn điều đó và nghiêm túc với quyết định ấy.
Một nghiên cứu khác về việc duy trì mối quan hệ với người yêu cũ sẽ khiến nhiều người sửng sốt và cân nhắc lại việc có nên tiếp tục hay không.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences cho hay, việc duy trì mối quan hệ với người yêu cũ có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Lisa Welling và Justin Mogilsk, hai nhà tâm lý học hàng đầu tại Đại học Oakland ở Michigan, tác giả của nghiên cứu này tin rằng, một số cặp đôi vẫn có thể duy trì tình bạn sau khi chia tay để cân bằng một số khía cạnh mà họ mong muốn như: Tiền bạc, quan hệ tình dục, trao đổi thông tin.
Để tiến hành nghiên cứu, Lisa Welling và Justin Mogilsk đã thăm dò ý kiến của 860 người về lý do họ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với người yêu cũ. Đồng thời, những người tham gia trả lời này cũng được yêu cầu điền vào những bảng câu hỏi trắc nghiệm được thiết kế để nghiên cứu và xác định đặc điểm tính cách cá nhân của họ.
Bảng câu hỏi trắc nghiệm này có thể phát hiện ra người tham gia nghiên cứu có khuynh hướng ái ngã (Narcissism - tự yêu bản thân mù quáng); gian dối (Machiavellianism); tâm thần (Psychopathy) hay không. Những người có một trong ba (hoặc cả ba, gọi chung là Dark Triad - Bộ ba Đen tối) hội chứng tâm lý vừa nêu thì thường chọn bạn bè vì lý do thực dụng và chỉ thích các mối quan hệ ngắn hạn.
Một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, những người có đặc điểm như vậy thường tiếp tục mối quan hệ bạn bè sau chia tay hoàn toàn vì lý do "chiến lược" và thực tế như tình dục.
Ảnh minh hoạ: shutterstock
Cụ thể, những người có khuynh hướng ái ngã, tự cao tự đại, yêu bản thân nhiều hơn bất kỳ ai khác thì sẽ có nhiều khả năng lựa chọn lý do để kéo dài một mối quan hệ với người yêu cũ của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Đây không phải là một kết quả đáng ngạc nhiên bởi theo các nghiên cứu, những người có quan hệ tình cảm có xu hướng khỏe mạnh về cả tâm lý và thể chất hơn những người độc thân. Hơn nữa, một mối quan hệ tình cảm thân mật cũng có thể giúp con người tăng tuổi thọ, giảm xác suất tử vong.
Với một danh sách các lợi ích khoa học đã được chứng minh, không ngạc nhiên khi một số người vẫn muốn duy trì một mối quan hệ "trên bạn bè, dưới tình yêu" với người yêu cũ để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống và tâm hồn họ.
Vì vậy, nếu một người có thói quen giữ quan hệ bạn bè với nhiều người yêu cũ khác trong khi vẫn giữ liên lạc với bạn, thì bạn nên kiểm tra lại động cơ của họ và giữ khoảng cách nếu có bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy không thoải mái trong mối quan hệ này.