Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi, nhưng ông vẫn quyết tâm đến trường và dùng chân để viết. Hình ảnh cậu bé yếu ớt, bị liệt hai tay nhưng vẫn cố gắng hí hoáy tập viết bằng ngón chân, lại còn viết rất đẹp đã quá đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam.
Song, sự nghiệp của người thầy dùng chân viết nên kỳ tích, truyền cảm hứng cho bao thế hệ thì ai cũng nghe đến, nhưng hôn nhân đặc biệt với 2 đời vợ, thậm chí vợ sau lại chính là em ruột của vợ đầu thì không phải ai cũng biết. Đáng nói, hành trình biến mối quan hệ từ anh rể - em vợ thành chồng – vợ lại được se duyên nhờ lời trăn trối từ người vợ đầu của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Chuyện tình với người vợ đầu: Tình yêu sét đánh
Lúc sinh thời, thầy Nguyễn Ngọc Ký gói gọn trong 4 chữ “tình yêu sét đánh” khi nói về tình cảm với người vợ đầu Bùi Thị Nhiễu. Ngày đó, cô Nhiễu là một giáo viên có nhan sắc nức tiếng ở thành phố Nam Định, còn thanh niên Nguyễn Ngọc Ký mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Cả hai đem lòng cảm mến nhau ngay từ lần đầu tiên chạm mặt. Tuy nhiên vì khiếm khuyết của mình nên thầy Ký cũng có những băn khoăn, trăn trở trong lòng khi nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, bởi thầy không muốn người con gái đến với mình phải khổ. Thế nhưng, chính cô Nhiễu đã cho thầy sự dũng cảm để tiến về phía trước.
15 ngày sau lần gặp gỡ đầu tiên, thầy Ký gặp lại cô Nhiễu. Lúc đó chàng thanh niên không khỏi bất ngờ khi thấy cô gái trẻ đẹp một mình đạp xe vượt 30km để xuống thăm mình. Hình ảnh này in sâu vào trong tâm trí thầy Ký, từng được thầy hài hước ví von: "Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, còn bà ấy xăm xăm băng lối đường xa ba mươi cây số để đến với mình".
Đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt nhưng đôi uyên ương lại vấp phải sự phản đối từ gia đình cô Nhiễu. Nhưng rồi nhờ sự thuyết phục của nhà thờ Đoàn Văn Cừ, cuối cùng thầy Ký cũng nhận được cái gật đầu của bố vợ.
Tình yêu đẹp của thầy Ký và cô Nhiễu đơm hoa kết trái được 3 người con. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi bệnh tật, sinh tử chia lìa đôi lứa. Cụ thể năm 1994, cô Nhiễu bị tai biến và sau 7 năm chữa trị, cô bỏ thầy mà đi.
Nối duyên với em gái của vợ: Bà như “cánh én mùa xuân”
Khi còn nằm trên giường bệnh, cô Nhiễu từng nhắn nhủ em gái: “Nếu chị có ra đi thì em thay chị chăm sóc anh Ký”. Ngày đó khi nghe chị gái nói những lời này, cô Đậu lập tức phản ứng: “Điên. Chồng tôi mất thì tôi lấy người khác. Ai lại đi lấy anh rể”.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và bà Bùi Thị Đậu.
7 năm sau ngày hôm đó, cô Nhiễu ra đi. Tuy nhiên trước khi nhắm mắt xua tay, cô cũng phó thác cuộc đời của em gái mình cho ông xã. Bên giường bệnh cô cầm tay chồng trăn trối: “Nếu như em có mệnh hệ nào thì anh cũng cố gắng yêu thương em Đậu vì chồng nó mất sớm, giúp nó dạy dỗ các con”.
Sau khi chịu tang vợ, tang chị xong xuôi, cả thầy Ký và cô Đậu mới nhớ đến lời phó thác của người đã khuất. Cô Đậu lặng lẽ tìm vào TP. HCM, thay chị gái chăm sóc anh rể những khi trái gió trở trời.
Thế nhưng ngoài nỗi ái ngại ban đầu, cặp đôi còn gặp phải sự phản đối kịch liệt của các con. Điển hình là trong bức thư gửi mẹ, con cô Đậu viết: “Bác Nhiễu đã vất vả rồi, bây giờ mẹ còn phải khổ nữa. Thà ở vậy cho thoải mái sung sướng”. Phải mất một thời gian dài đấu tranh và giải thích “chính vì các con nên bố với dì mới đến với nhau, con chăm cha sao bằng bà chăm ông” thì con cái hai bên mới dần chấp thuận.
Chia sẻ về người vợ thứ 2, thầy Ký từng thừa nhận ban đầu cả hai đến với nhau chỉ vì cái nghĩa nhưng sau 19 năm chung sống dưới một mái nhà, cái tình đã bén từ lúc nào không hay. Cặp đôi không có con chung, 3 con thầy – 2 cô con cứ thế hợp lại thành một gia đình hòa thuận.
Với thầy Ký, cả hai người vợ đều là những người phụ nữ tuyệt vời, là những cánh tay ấm áp dẫn dắt thầy tiếp bước trước mỗi ngã rẽ của cuộc đời. Nếu như thầy Ký nhận định người vợ đầu là “tình yêu sét đánh” thì với người vợ thứ 2, thầy lại ví von bà như “cánh én báo hiệu mùa xuân mới” vì bà đã kéo thầy ra khỏi sự mất mát, khổ đau.