Nhiều lúc nghe đồng nghiệp khoe mẹ chồng tâm lý, thương con dâu như con gái, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Còn tôi, 5 năm lấy chồng, cuộc sống làm dâu lúc nào cũng căng thẳng, áp lực bởi mẹ chồng lúc luôn coi mình như người dưng.
Trước khi kết hôn, tôi đã xác định sau cưới vợ chồng phải tự lực cánh sinh. Nghĩ vậy nên từ khi về làm dâu, lúc nào tôi cũng tự nhủ phải thật cố gắng lo cuộc sống của mình, đỡ phiền hà bên nhà nội.
Vậy nhưng bố mẹ anh thì ngược lại. Bố chồng tôi trước là công nhân xí nghiệp xây dựng, sau giải thể về hưu, lương tháng được tầm gần 3 triệu. Mẹ chồng bán hàng xén ngoài chợ gần nhà. Bà chịu khó nhặt nhạnh nên cũng đủ tiền chi tiêu trong ngày.
Nói chung với mức sống ở quê thì thu nhập tháng của ông bà như thế cũng tạm ổn chứ không đến nỗi. Vậy mà mẹ chồng tôi cứ suốt ngày gọi điện lên than nghèo kể khổ với con dâu. Mùa hè kêu nóng để con trai con dâu mua điều hòa, quạt điện. Mùa đông kêu lạnh để chúng tôi mua thêm chăn đệm. Nói chung nghe ông kể túng thiếu, tôi đương nhiên sẵn sàng mua sắm, trang bị và biếu tiền hàng tháng để họ có cuộc sống đủ đầy, tiện nghi hơn chứ không tiếc hay tính toán gì.
Từ khi về làm dâu, lúc nào tôi cũng tự nhủ phải thật cố gắng lo cuộc sống của mình, đỡ phiền hà bên nhà nội. (Ảnh minh họa)
Cách đây hơn tháng nhà có giỗ, vợ chồng tôi đưa nhau về. Xuống xe, tôi vội vàng xắn tay vào nấu cỗ nhưng vừa động tới bếp đã thấy hết sạch ga từ bao giờ.
Mẹ chồng tôi đi từ sân vào như thể đợi sẵn con dâu kiểm tra bình ga, lấy lý do lên tiếng:
“Ga hết mấy hôm rồi nhưng nhà hết tiền. Bố mẹ không có tiền gọi”.
Bà vừa nói vừa thở dài quay đi, thế là chồng tôi lại tức tốc đi gọi ga. Trong khi tôi nhớ đinh ninh cách đấy hai tháng, tôi về bà cũng kêu hết ga. Chính tôi cũng phải móc ví gọi ga cho bà.
Buồn nhất là tuần trước, bà gọi lên bảo vợ chồng tôi đưa con về chơi cho ông bà đỡ nhớ. Dù bận việc nhưng tôi vẫn chiều theo ý bà. Về tới nhà là quá 1h chiều, tưởng ông bà sẽ nấu cơm canh đợi sẵn. Ai ngờ về tới nơi, bà cắm mỗi nồi cơm để đó. Chồng tôi thấy lạ hỏi, bà nhăn mặt bảo:
“Tháng này có mấy đám cưới hỏi rồi giỗ lễ, lương bố con dùng để bỏ phong bì hết. Tiền chạy chợ của mẹ không đủ chi tiêu nên hết tiền, không còn đồng nào mua thức ăn”.
Chồng tôi không nói, lẳng lặng lấy xe máy vòng xuống chợ huyện mua con gà về nấu bữa. Tối anh đưa vợ 5 triệu bảo mang ra biếu bà. Tôi tuyệt nhiên không ý kiến, vui vẻ cầm sang phòng ông bà. Ngờ đâu vừa tới cửa đã thấy tiếng mẹ chồng:
"Vàng thì phải mua trước Tết hẳn đi, để mấy nữa cận Tết lên giá lắm. Tiền lương của ông với tiền chạy chợ để dành của tôi cũng được hơn trăm triệu rồi. Mai tôi với ông ra phố mua vàng về cất chứ để tiền gửi ngân hàng, lãi không đáng là bao. Còn tiền tiêu hàng tháng thì cứ bắt con dâu nó đưa cho. Tiền nó chính là tiền con trai mình vất vả kiếm. Mình là bố mẹ phải có quyền đòi hỏi, chẳng tội gì để người ngoài tiêu”.
Những lời nói của mẹ chồng khiến tôi chết lặng tại chỗ. (Ảnh minh họa)
Tôi ngớ người đứng chết chân tại chỗ, còn chưa kịp định thần lại xem nên vào hay nên ra thì mẹ chồng ập tới. Thấy tôi, mặt bà đỏ bừng, nhanh chóng đánh lảng sang chuyện khác.
Tôi vẫn vui vẻ đưa tiền cho bà xem như chưa nghe thấy chuyện gì. Có điều cả đoạn đường trở lại thành phố, đầu óc tôi cứ nghĩ mãi những lời mẹ chồng khi đó mà buồn lòng quá. Tiền bạc quan trọng thật nhưng có tới mức bà phải giả nghèo giả khổ lừa cả con cái mình như thế? Đã vậy trong lòng bà lại chỉ coi tôi là người dưng, không chút tôn trọng, yêu thương. Càng nghĩ càng thấy chán, tôi cứ băn khoăn nghĩ, liệu có nên thẳng thắn nói chuyện với mẹ chồng một lần để bà thay đổi?