Sản phụ Lê Thị Kim Trinh (27 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) có dấu hiệu chuyển dạ sáng 26/3 và được người em trai chở bằng xe ô tô 7 chỗ từ Đồng Nai đến bệnh viện. Tuy nhiên, do đoạn đường đông đúc nên khi đến hầm Thủ Thiêm (TP.HCM), sản phụ vỡ ối đã sinh con ngay trên xe.
May mắn là sau khi biết sự tình, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu và Đỗ Huỳnh Trung Quân thuộc đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận 5, TP.HCM, dùng môtô đặc chủng mở đường đưa đến bệnh viện kịp thời.
TTXVN thông tin, sản phụ Lê Thị Kim Trinh nhập bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng "sinh rớt" trên xe ô tô. Thời điểm tiếp nhận, sản phụ đã sinh con được 10 phút, em bé còn nằm trên bụng mẹ, dây rốn còn nguyên.
Ngay lập tức, đội ngũ y, bác sĩ đã đưa mẹ và bé vào phòng sinh. Em bé nhanh chóng cắt dây rốn, sổ nhau. Bác sĩ may phục hồi tầng sinh môn cho sản phụ. Nhờ được can thiệp nhanh chóng, cả sản phụ và em bé đều an toàn.
Em bé được gia đình đặt tên khai sinh là Vy. Vy là bé thứ 2 của gia đình sản phụ Lê Thị Kim Trinh.
Sản phụ sinh con trên xe ô tô đã "mẹ tròn con vuông". (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Trao đổi với Tuổi trẻ, anh Lê Duy (28 tuổi, ngụ Đồng Nai), chồng chị Lê Thị Kim Trinh chia lại khoảnh khắc khó quên: "Vợ tôi chỉ mới đau bụng nhẹ ở nhà, tính lên bệnh viện Đại học Y dược đẻ nên nhờ người em lấy xe chở đi, không ngờ đẻ luôn trên xe. Lúc đó tôi rất hốt hoảng, phần lo cho vợ phần lo cho con".
Cầu nguyện cho điều may mắn đến với vợ con mình, anh Duy cho biết thoáng chốc anh đã "nghĩ đến điều xấu nhất". Song, hai CSGT mở đường như thiên sứ xuất hiện kịp lúc "đẩy" chiếc xe đến bệnh viện kịp thời.
Vợ chồng anh Duy bày tỏ lòng biết ơn đối với tập thể y bác sĩ đã hỗ trợ chị vượt qua cảnh nguy cấp. Đặc biệt, vô cùng biết ơn hai cảnh sát đã giúp gia đình đến bệnh viện kịp thời.
Xử trí khi đẻ "rớt" trên xe
ThS.BS Phạm Thị Loan, khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết trên Tuổi trẻ, nếu gia đình lỡ gặp trường hợp đẻ trên xe ô tô thì nên bình tĩnh, xử lý đúng theo hướng dẫn sau sẽ giúp bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Trước hết, nên đón bé ra nhẹ nhàng, đỡ bé để bé không bị tổn thương, sau đó lau khô, ủ ấm cho bé bằng khăn hay vải có ngay tại thời điểm đó.
Tiếp theo dùng một sợi dây nhỏ, mềm để buộc vào giữa dây rốn nhằm ngăn truyền máu từ nhau thai, tuyệt đối không được phép cắt dây rốn vì không có dụng vệ sinh phù hợp.
Đặt bé lên bụng mẹ để mẹ ôm bé giữ ấm, cố gắng không để bé bị nhiễm lạnh và nhanh chóng chuyển mẹ và bé đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử lý.