Tờ Daily Star đưa tin, tài khoản TikTok Mayangkumay đã chia sẻ video vụ việc tại đám cưới của mình ở Malaysia.
Trong video, một người đàn ông đeo túi quai chéo đang tiến về phía cô dâu chú rể để chúc mừng sau tiệc chiêu đãi. Người này chính là bạn trai cũ của cô dâu, theo chia sẻ của tài khoản Mayangkumay .
Cô dâu đã chào bạn trai cũ trước khi quay về phía chú rể và hỏi: "Em có thể ôm anh ấy lần cuối được không?". Chú rể có đôi chút bất ngờ nhưng vẫn chiều ý vợ mới cưới. Cô dâu vui vẻ cười lớn, dang rộng tay rồi ôm bạn trai cũ trước mặt chồng mới cưới. Cô thậm chí còn liên tục xoa tay vào lưng tình cũ.
Cô dâu ôm bạn trai cũ trước mặt chú rể
Cả hai nói vài lời rồi bạn trai cũ của cô dâu chào tạm biệt và quay sang bắt tay chú rể. Anh cũng nhận được cái ôm thân thiện từ chồng của người yêu cũ.
Video đã thu hút 2,5 triệu lượt xem. Nhiều người xem có phản ứng với hành động của cô dâu với bạn trai cũ và cho rằng cả hai vẫn còn tình cảm.
- "Mời người yêu cũ tới dự đám cưới ư? Tôi sẽ không làm điều đó",
- "Bạn có thấy chú rể lập tức nhìn xuống khi thấy vợ mới cưới ôm người yêu cũ không. Gia đình chú rể lúc đó sẽ nghĩ gì nhỉ?".
- "Nụ cười trên gương mặt chú rể chỉ là che đi tổn thương bên trong mà thôi",
- "Chồng của bạn cần nhận được sự tôn trọng nhất định"...
Không liên lạc với người yêu cũ - quy tắc quan trọng sau chia tay
Thật khó không liên lạc với người bạn dành nhiều thời gian ở bên, nhưng các chuyên gia về mối quan hệ tin đây là một trong những cách tốt nhất bạn nên làm để chữa lành, giúp mọi thứ không phức tạp và thôi thúc bạn tiến về phía trước.
Không liên lạc nghĩa là bạn phải cắt đứt mọi kết nối với người yêu cũ sau chia tay, cụ thể là không nhắn tin, gọi điện, "like" trên mạng xã hội và đương nhiên không gặp trực tiếp. Chuyên gia tâm lý còn cho rằng âm thầm xem các bài đăng trên mạng xã hội của người kia cũng là việc không nên.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình người Mỹ Leanna Stockard, cho biết ngoài việc không liên hệ trực tiếp với người yêu cũ, bạn cũng không nên theo dõi bạn bè chung của hai người để thu thập bất kỳ dạng thông tin nào về cuộc sống của anh (cô) ấy.
Không liên lạc với người yêu cũ là một trong những cách tốt nhất bạn nên làm để chữa lành, giúp mọi thứ không phức tạp và thôi thúc bạn tiến về phía trước. Ảnh minh họa
Khi không liên lạc với người cũ, bạn cho phép mình có thêm thời gian xử lý một cách lành mạnh sự mất mát và đau buồn trong mối quan hệ. Cuối cùng, nó có thể giúp bạn hàn gắn trái tim, chấp nhận mối quan hệ đã kết thúc và hẹn hò lại khi sẵn sàng.
Các chuyên gia đưa ra một số gợi ý giúp bạn chống lại sự thôi thúc liên hệ với người yêu cũ:
Viết nhật ký: Khi muốn liên lạc lại với người yêu cũ, hãy viết ra những gì bạn đang nghĩ hoặc cảm nhận để xử lý cảm xúc tốt hơn.
Dành thời gian cho bạn bè: Hãy nói chuyện với bạn thân và người thân yêu để xem họ có thể dành không gian cho bạn không. Theo hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), kết nối xã hội là một cách quan trọng quản lý căng thẳng và tìm thấy niềm vui, đặc biệt là khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Tập trung vào sở thích: Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để tái đầu tư vào bản thân, tìm ra những gì bạn yêu thích, tìm đam mê mới và tập trung vào những thói quen lành mạnh giúp xây dựng sự tự tin và niềm vui.
Để điện thoại xa tầm với: Chúng ta hay lướt điện thoại một cách vô thức khi buồn chán. Đây là cách dễ khiến bạn liên lạc lại với người yêu cũ hoặc truy cập vào tài khoản mạng xã hội của họ. Khi có thể, hãy để điện thoại xa tầm với trong những lúc buồn chán như vậy.
Tìm nguồn gốc của sự cám dỗ: "Hãy tự hỏi bản thân xem thôi thúc này đến từ đâu và bạn hy vọng đạt được gì khi thiết lập lại mối quan hệ đó", Stockard nói. Bạn sẽ thấy không có lý do chính đáng nào. Còn nếu câu trả lời cho những câu hỏi đó vẫn thôi thúc bạn hướng tới mong muốn khôi phục liên lạc, thì một số cách khác để chống lại là dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
Nếu bạn rơi vào cám dỗ và liên lạc với người yêu cũ, hãy biết rằng đó không phải là ngày tận thế. Quay trở lại "không liên lạc" một lần nữa và tiếp tục tiến về phía trước.