Tôi thấy buồn, thất vọng với suy nghĩ của vợ. (Ảnh minh họa)
Tôi năm nay 42 tuổi, tôi và vợ đã kết hôn được tròn 15 năm. Tôi hạnh phúc với những gì đang có, một gia đình hạnh phúc, hai đứa con ngoan ngoãn, chịu khó học tập. Đời sống gia đình ổn định, không phải lo nghĩ gì về việc chi tiêu trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá như hiện nay.
Vợ tôi kém tôi 2 tuổi, suốt những năm qua, cô ấy là người chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con và luôn làm tròn bổn phận với nhà chồng. Tôi có được một gia đình như hiện nay là nhờ rất nhiều vào sự nỗ lực của vợ. Trước đây, vợ tôi rất chắt chiu, tiết kiệm để thực hiện mục tiêu đổi nhà, mua xe ô tô…
Còn bây giờ, khi đã đạt được những mục tiêu đề ra, tôi lại cảm thấy bất ngờ khi vợ tôi thay đổi một cách chóng mặt trong suy nghĩ, cách chi tiêu. Vợ tôi ra nhập đội bạn "sành điệu", hay tụ tập, mua sắm, đi chơi và "sống ảo".
Tôi không tiếc gì chuyện tiền bạc bởi vợ tôi bao năm nay vất vả vì chồng, con nên có ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi đây đó cũng là điều bình thường. Nhưng tôi nhận ra, cuộc sống gia đình không còn đầm ấm như trước. Vợ tôi thường xuyên vắng nhà để đi tập gym, lúc đi spa, khi thì đi ăn ở nhà hàng với hội bạn… phó mặc chuyện cơm nước cho các con, đặt đồ ăn người ta mang đến.
Vợ tôi còn liên tục khuân vác về nhà rất nhiều quần áo, váy, giầy dép, mỹ phẩm… chật kín hết các tủ, nhưng vãn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vợ tôi thích gì là đặt mua ngay, tôi đi làm mà liên tục có người mang đồ mà vợ tôi đặt mua trên mạng đến, toàn những loại hàng hiệu, đắt tiền.
Tôi có góp ý là đi làm công ty, rất bận không tiện cho việc nhận đồ. Vợ tôi giận dỗi bóng gió nói tôi "Lấy đồ hộ vợ mà anh ngại à? hay là có bé nào ở công ty rồi nên sợ bị ghen?". Thôi thì đành nhịn cho yên cửa yên nhà. Chưa hết, mỗi lần ngồi với nhau là vợ tôi dán mặt vào điện thoại xem các món đồ, địa điểm ăn chơi rồi nũng nịu đòi tôi phải mua cho. Không được vợ chuyện trò, âu yếm như xưa, tôi thấy hụt hẫng lắm.
Có lần tôi góp ý với vợ: "Anh thấy em chi tiêu nhiều khoản không cần thiết. Anh không tiếc gì, nhưng mua bán nên có giới hạn. Nếu em bị nghiện mua sắm, lúc đó vừa tốn tiền lại có suy nghĩ thiếu tích cực nếu như không mua được các món đồ mà mình thích. Với lại, các con cũng lớn rồi, tiết kiệm để lo cho tương lai chúng nó học hành ở những nơi có chất lượng, cơ sở vật chất tốt".
Vợ tôi tỏ thái độ không hài lòng, nói thẳng lý do của mình: "Khổ bao nhiêu năm, bây giờ chi tiêu chút mà anh đã soi mói, dạy đời em thế. Em suy nghĩ rất nhiều và thấy chẳng việc gì phải sống tiết kiệm, sống khổ cực làm gì. Tiền làm ra được thì mình tiêu, làm đẹp cho mình, cho gia đình, tận hưởng cuộc sống. Ôm khư khư một đống tiền, chết có mang được đi đâu. Chả dại dì mà làm nhiều mà chắt bóp, chẳng may chết rồi, anh rước đứa khác về nó hưởng hết".
Tôi thấy buồn, thất vọng với suy nghĩ của vợ. Vợ tôi đang có tư tưởng hưởng thụ một cách thái quá. Tôi không thể kiềm chế được cảm xúc, suy nghĩ của vợ vì tôi biết bạn của vợ toàn những cô bạn sành điệu, lại đang làm mẹ đơn thân. Nếu như tôi phản ứng mạnh, cấm đoán vợ thì cô ấy dễ bị bạn bè kích động dẫn đến gia đình tan nát.
Tôi rất yêu và thương vợ, cố gắng chiều chuộng để mong cô ấy có được cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Nhưng tôi thấy buồn vì gia đình không còn được đầm ấm như trước, nhiều lúc hét giờ làm mà tôi không muốn về nhà, bực tức và chỉ ghĩ đến ly hôn. Tôi phải làm gì để khuyên vợ tôi quan tâm nhiều hơn đến gia đình, tiết chế cảm xúc và bỏ những suy nghĩ lệch lạc đó đi?
(Tuanduynguyen@...)