Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi còn cho phép những mỹ nhân từ các vùng phụ cận tham dự. Cuối cùng, vượt qua gần 100 cô gái, vương miện Hoa hậu thuộc về cô Ba Thiệu, còn được biết với tên "cô Ba xà bông", con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh.
Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý.
Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển cho rằng trong giới huê khôi mà ông được kể lại vào thời Pháp mới đến thì cô Ba Thiệu đẹp không ai bì. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện", học giả viết.
Là hoa hậu nhưng cô Ba sống bình dị, chân chất của một gái quê. Sau khi đoạt vương miện, cô bỏ lại ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai. Một thời gian sau, Ba Thiệu lấy chồng.
Sau Ba Thiệu, Sài Gòn cũng nổi lên nhiều mỹ nhân tiếng tăm như Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương… làm si mê bao công tử, đại gia không chỉ Sài Gòn mà cả Nam Bộ xưa. Các cô này được cho là ăn chơi phóng khoáng, cặp kè hết người này đến người khác. Họ ăn mặc sang trọng, ngày rong chơi, đêm đi nhảy đầm, đánh bạc bằng tiền những người tình đại gia cung phụng. Nhiều người tán gia bạn sản vì theo các cô, trong đó nổi tiếng nhất là Hắc, Bạch công tử của miền Tây. Với Ba Thiệu, nếp sống này không phù hợp. Do xuất thân từ một gia đình gia giáo nên cô được dạy dỗ từ tấm bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hóa bản địa.
Vào thời xưa, phong cách làm đẹp của thiếu nữ và người đẹp Sài Gòn khá giản dị.
Hầu hết phụ nữ được đánh giá cao bởi vẻ đẹp tự nhiên, khuôn trăng đầy đặn và đặc biệt là mái tóc. Ông bà ta xưa kia vẫn có câu: "Cái răng cái tóc là góc con người". Phụ nữ Việt xưa kia thường nuôi tóc rất dài và để đen bóng tự nhiên. Đa số đều kết thân với món gội đầu truyền thống là bồ kết và các loại thảo dược cây nhà lá vườn. Nhiều tiểu thư gia tộc giàu có được tiếp xúc với nền văn hoá Pháp từ sớm nên đã có gout làm đẹp tân tiến như uốn tóc phi dê hay tạo bồng tóc với búi tóc giả độn bên dưới.
Mái tóc uốn là mốt đặc trưng của giới giàu có, chỉ có tiểu thư "cành vàng lá ngọc" mới có khả năng làm tóc này vì tính đắt đỏ.
Mái tóc uốn cầu kì, sát chân tóc có vẻ già dặn nhưng lại là mốt lúc bấy giờ. Kết hợp với kiểu trang điểm "mắt xanh mỏ đỏ" lại cực kì nổi bật.
Ngoài ra, chị em phụ nữ còn làm đẹp với kiểu tóc bới cao nhưng độn tóc giả bên dưới. Phụ kiện tóc giả này được làm từ những phần tóc rụng thật hoặc làm từ xơ mướp.