Trung Quốc vốn là đất nước có lịch sử vua chúa hùng mạnh, bên cạnh cuộc đời những vị quân vương đó thì dàn hậu cung với những gương mặt xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhận được sự chú ý lớn không kém. Đặc biệt là người ta không khỏi trầm trồ và tò mò về phương thức làm đẹp của các mỹ nhân ở cái thời đồ đá thô sơ. Câu hỏi lớn được nhiều người đặt ra không kém đó là chuyện sinh hoạt đời thường như tắm gội khi chưa có xà bông đã diễn ra như thế nào?
Dàn hậu cung với 7749 lớp xiêm y lồng lộn tắm táp như nào?
Một sự thật bất ngờ rằng, họ, những mỹ nhân với vẻ đẹp được ví như tiên giáng trần lại rất lười tắm gội.
Vào đầu thời Tần, những người phụ nữ Trung Hoa thực hiện "ba ngày một lần gội, năm ngày một lần tắm". Cho đến thời Hán thì họ được "đặc cách" riêng một ngày để tắm, được gọi là "hưu mộc", 5 ngày một lần. Vào ngày này, giống hệt như một ngày nghỉ trong tuần, họ sẽ gác lại hết công việc mà dành phần lớn thời gian cho tắm rửa. Đến thời Đường thì thời gian được kéo dài ra thành 10 ngày.
Thời đó làm gì có nước máy hay nước giếng như ngày nay mà tắm, hầu hết phụ nữ Trung Hoa cổ đại phải dùng nước ở các sông hồ, chọn chỗ nước trong mà lấy nước tắm gội. Chưa kể, cũng từ việc tắm rửa ở ao hồ như vậy, nên vô tình họ đã phát hiện ra loại "xà phòng" vô cùng tốt cho da đó chính là đất sét. Họ thường dùng đất sét, chà xát lên da sau đó rửa sạch bằng nước.
Ao hồ chính là nơi cung tần mỹ nữ thời xưa tập kết tắm rửa.
Những phân cảnh tắm tiên triệu người đứng ngồi không yên trong các bộ phim cổ trang có được đều dựa vào lịch sử mà ra.
Để tránh sự chú ý dòm ngó, cung tần mỹ nữ thời xưa thường gạt bèo vây xung quanh để che chắn.
Nhưng đất sét chỉ có thể làm sạch những vùng da "già" như tay chân, vì thế da mặt họ không thể dùng đất sét để rửa. Thay vào đó, họ sử dụng bùn trong các ao hồ, ủ qua đêm để loại bỏ các chất gây hại xong sử dụng để rửa mặt. Thậm chí họ còn dùng loại bùn ủ giàu chất "kiềm" này để giặt đồ và… gội đầu.
Tắm bùn vẫn được một số khu nghỉ dưỡng ngày nay lưu giữ như một biện pháp thanh lọc làn da từ tự nhiên. Đồng thời, trong bùn có nhiều khoáng còn có khả năng giảm ngừa bệnh thấp khớp.
Đến thời nhà Đường, thời đại sản sinh ra nữ hoàng duy nhất của Trung Hoa là Võ Tắc Thiên, người ta đã sáng chế ra một cách khác để làm sạch thân thể khi tắm rửa gội đầu đó là dùng tro của bồ kết. Họ sớm phát hiện ra rằng, bồ kết có tác dụng rất tốt cho mái tóc, lại sản sinh ra nhiều bọt khi sử dụng vì vậy vào tháng 10 hàng năm họ hay đi thu hoạch trái bồ kết khô về nghiền nát, sau đó đun chín rồi trộn với bột mì và hương liệu, vo thành từng viên rồi mang phơi khô một lần nữa, xong cứ mỗi khi tắm hay gội đầu thì mang ra sử dụng.
Có thể nói tìm ra công dụng quả bồ kết quả là một phát minh vĩ đại của phụ nữ xưa, bởi lẽ cho đến tận ngày nay, quả bồ kết vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều phụ nữ yêu mái tóc đen mượt truyền thống.
Về sau, họ còn cải tiến tro của bồ kết để có thể dùng luôn vào việc đánh răng.
Tới thời nhà Tống thì phụ nữ sử dụng sáp ong nấu chảy, xong dùng hương liệu từ tinh dầu của các loại hoa trộn vào, đổ hỗn hợp trên vào khuôn đợi chúng đông đặc lại rồi sau đó cứ thể mà sử dụng như xà phòng ngày nay.
Xà phòng handmade ngày nay có cách sản xuất được truyền đời công thức từ thời nhà Tống.
Thậm chí, về sau, người Trung Hoa cổ đại còn phát minh ra loại "xà phòng" khác có tên là "tảo đậu", bằng cách lợi dụng các enzym tiêu hóa trong tuyến tụy của loài lợn để gây nên hiệu ứng bọt. Cụ thể là họ tách mỡ hết bao tụy tạng heo, rửa sạch máu bầm, rồi nghiền nát như cháo, sau đó trộn với bột đậu cùng hương liệu, vo viên nhỏ và phơi khô. Rồi nếu muốn tắm hoặc giặt giũ họ chỉ cần dùng một viên chà xát lên da hoặc ngâm trong nước rồi sử dụng như "xà phòng" ngày nay.
Loại tảo đậu này có công dụng rất tốt cho da, kháng khuẩn, làm sạch quần áo thậm chí là có mùi hương tự nhiên rất dễ chịu dù cho được lấy từ nội tạng lợn. Nhưng vì làm ra không dễ nên ngày đó, giá thành của loại "xà phòng cổ đại" này hơi cao.
Dù có được sống lại cũng không ai ngờ công thức làm xà phòng "tẩy trần" làn da kết hợp từ bao tụy tạng heo và mầm đậu cả!