Lươn hay các loại cá da trơn (cá nheo, các cạch, basa...) đều là những loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, có thể nấu thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng có một đặc điểm chung đó là bề ngoài có rất nhiều chất nhớt, càng rửa với nước càng nhớt. Chất nhớt này vốn để bảo vệ da cá tuy nhiên nó lại gây ra mùi tanh. Do đó, để xử lý phần nhớt này, chị em có thể tham khảo vài mẹo sơ chế lươn, cá da trơn dưới đây nhé.
1. Xử lý cá da trơn
Dùng muối
Muối là một trong những nguyên liệu trợ giúp bạn làm sạch nhớt ở cá da trơn. Có một số loại cá không quá nhiều nhớt như basa hay cá hú, để xử lý, hay chà muối lên xung quanh cá trong vài phút rồi rửa lại cá cho thật sạch dưới vòi nước. Sau đó, lượng nhớt ở cá đã giảm đi phần lớn, cá trở nên sạch sẽ và bạn chỉ việc mổ rồi chế biến.
Còn những loại cá da trơn có rất nhiều nhớt như chạch, cá kèo, cá trê... thì cho cá vào túi lưới, rắc muối rồi chà xát mạnh vào mặt rổ, nhớt sẽ bong ra, sau đó đem cá rửa lại với nước là được.
Dùng chanh/giấm
Chanh/dấm là gia vị dễ kiếm và thường sẵn trong nhà. Khi mổ cá da trơn, bạn hãy tận dụng chúng để làm sạch nhớt cá nhé. Cách làm rất đơn giản, cho cá ra rổ, thêm ít nước cốt chanh/dấm cùng một ít muối, sau đó đem trộn đều lên. Cuối cùng dùng nước ấm rửa lại cá trong vài phút. Phần nhớt đã bị đông lại, bạn chỉ việc rửa sạch với nước là xong.
Dùng bột mì
Bột mì không chỉ làm bánh mà nó còn là nguyên liệu làm sạch nhiều thực phẩm khi nấu ăn vô cùng hiệu quả. Bạn cũng có thể dùng bột bắp, bột năng để làm sạch nhớt cá.
Cách làm đơn giản như sau: Đầu tiên, rửa cá bằng muối và dấm trước sau đó rửa lại cá với nước sạch. Tiếp theo, cho cá vào chậu, thêm bột mì vừa đủ vào, xoa khắp thân cá để bột hút hết nhớt dính trên cá. Cuối cùng dùng tay vuốt sạch lớp bột ra khỏi cá rồi rửa lại với nước lần nữa cho sạch hoàn toàn.
Ngoài những cách này, nhiều người còn sử dụng tro bếp, lá chuối để vuốt bỏ nhớt cá. Tuy nhiên, ở thành phố khó kiếm tro bếp với lá chuối, vì thế ở đâu tiện kiếm được 2 nguyên liệu này bạn có thể thử nhé.
2. Xử lý nhớt của lươn
Dùng muối
Cũng tương tự như cách xử lý cá da trơn, cho lươn vào một túi nilon hơi dày 1 chút, sau đó bỏ một nắm muối vào. Muối vốn mặn nên khi thả muối vào lươn sẽ quẫy liên tục, làm muối ma xát mạnh vào bề ngoài của lươn. Tiếp theo, lắc mạnh túi, nếu cần thiết cũng có thể dùng tay bóp và chà để muối xát lên thân lươn. Làm như vậy trong 2 phút là lươn ra hết nhớt và giảm được mùi tanh. Cuối cùng, đem lươn rửa lại với nước ấm và dùng khăn giấy thấm khô là lươn sạch. Giờ đem mổ lươn là xong.
Dùng nước cốt chanh hoặc nước vo gạo
Ngoài muối, bạn có thể dùng nước cốt chanh hoặc nước vo gạo để xử lý lươn. Kẹp chặt phần đầu cổ lươn vào hai ngón tay sau đó thoa nước cốt chanh lên và tuốt cho bao giờ hết nhớt thì thôi. Tương tự như thế bạn có thể để kẹp con lươn rồi để trong chậu nước vo gạo và tuốt cho đến khi hết hơn.
Dùng nước nóng
Cách này cũng rất hữu hiệu và bạn cũng không cần chuẩn bị thêm nguyên liệu gì ngoài nước nóng già. Cách làm đơn giản như sau, để lươn vào trong 1 cái nồi to hoặc 1 cái xô có nắp. Tốt nhất là xô sâu lòng. Hé nắp vung hoặc nắp xô, dội nước nóng khoảng 70 – 80% (không phải nước sôi) vào, đậy nắp lại tránh bắn nước nóng làm bỏng tay. Khi gặp nước nóng lươn sẽ quẫy đạp, nhờ thế nhớt cũng được nhả ra. Lưu ý, lươn rất khỏe vì thế cần phải giữ thật chặt nắp. Đó là cũng là lý do bạn nên sử dụng loại xô hoặc nồi cao và sâu, tránh lượn đẩy được nắp và lao ra ngoài, bạn cũng dễ bị bỏng.
Sau khi hết nhớt, đem mổ lươn rồi rửa lại với nước muối, cắt khúc hoặc xử lý theo mục đích nấu ăn.
Cho lươn vào ngăn đá
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ với cách này nhưng nó cũng rất hiệu nghiệm. Khi mua lươn về, cho lươn vào trong túi nilon buộc kín rồi cho vào ngăn đá trong 2 giờ. Sau thời gian này, đem lươn ra nhúng vào nước, dùng rẻ rửa bát vuốt nhẹ làm nhớt bong ra dễ dàng.