Là nhân viên văn phòng, bận bịu với công việc lại sống độc thân nhưng chị Trúc Ly (31 tuổi, TP HCM) vẫn rất chăm chỉ vào bếp nấu ăn mỗi ngày. Chị tâm sự, bản thân mình tự nấu ăn với nhiều lý do.
"Thứ nhất là mình có thể tự kiểm soát gia vị và thành phần các món ăn cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì nhiều người. Thứ hai là vì nếu tự mình nấu theo đúng ý mình sẽ thích hơn, mình thèm gì mình nấu nấy. Thứ 3 là mình cảm thấy vui. Nhiều người hay bảo rằng độc thân buồn chết, nhưng với mình thì vào bếp cũng là một cách khiến mình bận rộn hơn, đỡ cảm thấy buồn khi sống độc thân. Và cuối cùng là thật ra vào bếp cũng là một cách để xả stress, để đỡ buồn hoặc ít ra là đỡ nhớ nhà", 8X nói.
Chị chia sẻ, những ngày còn học cấp ba, sống cùng gia đình ở Daklak, chị không phải nấu ăn vì có bà có mẹ. Nhưng khi lên đại học, cô gái nhỏ ngày ấy đã phải tự lập, tự làm tất cả. Khi ấy, bà và mẹ còn thương con, xót cháu không có thời gian nấu còn thường xuyên gửi đồ ăn xuống cho hàng tháng. Rồi sau khi ra trường, có nhiều gian hơn, chị mới chính thức dành nhiều tâm huyết cho việc nấu nướng.
"Bà ngoại là nguồn cảm hứng để mình nấu ăn. Hồi trước khi còn ở nhà không phải nấu cơm, vì dành thời gian cho việc học, bà hay đùa rằng phụ nữ không biết nấu nướng nhà chồng coi thường. Mình cũng chỉ tủm tỉm cười và dòm cách bà nấu. Sau này ở Sài Gòn, mỗi lần thèm ăn món gì của bà, mình hay gọi về để hỏi cách làm. Hoặc tra trên mạng rồi thử và hỏi ngoại xem đúng không. Hiện tại, bà đã già rồi và không còn có thể đứng bếp được nữa, mỗi lần về thăm nhà, chị lại hay nấu những món khi xưa được bà nấu, 1 phần để cho bà thử và chỉ dạy thêm, 1 phần để nhớ rằng, nhờ những lời “mắng yêu” và dạy bảo của bà năm xưa mà mình có thêm động lực vào bếp".
Vì độc thân nên đa số chị Trúc Ly nấu ăn một mình. Thỉnh thoảng có 2-3 người bạn thân hoặc anh chị em họ nhắn “thèm ăn cơm nhà” hay “nay nấu gì?” thì chị đều rủ qua ăn cho đỡ buồn. Khi đó khẩu phần ăn sẽ tăng lên một chút, nhưng vẫn đảm bảo đủ 3 món: canh, mặn, xào để tránh bị ngán. Vì đã sắp xếp cho mình nguyên tắc khi đi chợ, siêu thị “mua đúng, mua đủ” và khi nấu “nấu nhanh, dọn sạch”, nên chị không mất quá nhiều thời gian cho việc nấu 1 bữa ăn.
Nếu đã sơ chế sẵn đồ ăn trước đó thì mỗi bữa, chị chỉ mất khoảng 20-30 phút là xong. 8X cũng ít khi lên chi phí vì bản thân sống theo phương châm “thích gì nấu nấy" hay “có gì nấu nấy”. "Tự nấu ăn trước tiên mình phải có cảm giác ngon miệng đã, không quá eo hẹp tuy nhiên cũng phải cân đối để tránh lãng phí. Ví dụ như bữa này tiêu hơi nhiều thì bữa sau mình điều chỉnh lại và khi đi chợ, siêu thị chỉ mua đủ, mua đúng món cần mua, tránh để dư thừa thức ăn", chị nói.
Để chuẩn bị cho một bữa ăn khoa học và hợp lý, chị Trúc Ly sẽ xác định mình chỉ "mua đúng - mua đủ" để tránh lãng phí. Chị còn dán lên tủ lạnh những gì đang có trong tủ lạnh, để biết nên nấu món gì hoặc biết còn thiếu gì mà đi mua thêm, tránh mua lãng phí. Nhờ vậy chị bỏ được thói quen gì cũng nhét vào tủ lạnh và hay mua dư đồ dù đã có sẵn món đó trong tủ lạnh.
Ngoài ra, chị thực hiện phương pháp nấu nhanh - dọn sạch. Theo chị, nấu nhanh không phải là rút ngắn thời gian cần nấu cho 1 món ăn, mà là việc sắp xếp khi nấu nhiều món. Khi bắt đầu nấu phải lưu ý nấu món nào lâu trước. Ví dụ trong khi ngâm rau để rửa nước muối thì vo gạo, bật nút. Sau đó là bắt đầu nấu món kho/ hầm. Chị còn thường sử dụng song song 2 bếp để tiết kiệm thời gian nấu. Khi đun bếp liu riu để cho món hầm/kho đó thì chuyển qua bắt nước sôi nấu canh tại bếp còn lại. Sau khi nấu món canh xong thì làm món xào. Lúc làm xào xong thi món hầm/kho cũng vừa đủ mềm để dùng, và khi đó canh cũng bớt nóng để có thể bưng ra bàn cho 1 mâm cơm đầy đủ. Lúc này thì cơm cũng đã vừa kịp chín. Chỉ khoảng 20-30 phút là xong một bữa ăn đơn giản như vậy.
Còn "dọn sạch” chính là nấu đến đâu, dọn đến đó. Nhìn bếp gọn gàng, không gian bếp sạch sẽ khiến bản chị hứng thú nấu, chăm chút cho từng món ăn hơn.
Vì sống độc thân nên chị thường thích gì nấu đó. Chẳng hạn một miếng thịt to chị đem chia ra, rồi chế biến thành nhiều món cho nhiều bữa khác nhau. Các thực khác cũng tương tự như vậy... Nhờ đó mà các món ăn sẽ không bị trùng và không nhàm chán.
"Bản thân mình khá thích việc biến đổi các món ăn, do đó hay làm những món để thay đổi khi ngán cơm, thường là những món đặc trưng đi nhiều vùng chị ăn thấy hợp vị và làm theo. Ví dụ như bún cá ngừ, bánh canh cua, bún riêu Ban Mê quê mình, xôi gà, bánh mì xíu mại....Thỉnh thoảng cũng có những món Âu, nhờ đi ăn nhà hàng mình hay quan sát và để ý thành phần trong món ăn, khi về nhà có thể bắt chước và biến tấu thêm, ví dụ như món mì Ý cua...", chị Trúc Ly cho biết.
Tự nhận là mình chỉ "nấu đại" nhưng bữa cơm nào chị Trúc Ly nấu cũng đề huề, đủ món. Nhất là khi bạn bè, anh em tới chơi rồi cùng thưởng thức thì cơm chị nấu luôn ngon và ấm cúng như cơm nhà. Câu nói đặc biệt nhất mà mọi người thường nói với chị là “thèm cơm Ly nấu”, “thèm cơm nhà Ly, “Em qua ăn nha”. Tức là họ thích những món ăn, cách sắp xếp món ăn của chị. Với chị, không có gì vui hơn các món ăn của mình được mọi người đón nhận như vậy.
Khi chia sẻ những bữa ăn của mình lên mạng xã hội, bài đăng chị Trúc Ly nhanh chóng nhận được nhiều lượt like và lời khen ngợi của nhiều người. Đặc biệt là các ông chồng còn nhắn nhủ vợ, hi vọng sẽ cùng được cùng nhau nấu cơm nhà thay vì đi ăn ngoài nhiều hơn. Đây có lẽ chính là một trong những độc lực để chị Trúc Ly nấu ăn ngon và chăm chỉ hơn nữa mỗi ngày.