Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa

Với những mâm cỗ mặn cúng giao thừa sẽ giống các mâm cỗ Tết thông thường. Đó có thể là các món ăn truyền thống, pha hiện đại. Nói chung cũng tùy cả vào khẩu vị của các gia đình.

Lễ cúng đêm Giao thừa hay còn được biết đến là “lễ trừ tịch”. Theo quan niệm dân gian, lễ cúng giao thừa mang ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ này được thực hiện vào đêm 30 Tết (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý (23h-1h), mở đầu ngày mùng 1 Tết.

Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng mỗi năm có một vị quan Hành khiển cai trị hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị quan Hành khiển đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.

Trong lễ cúng giao thừa, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà thực hiện. Có gia đình chỉ cần cúng một đĩa xôi cùng con gà trống, có nhà sẽ thực hiện một mâm cỗ trong nhà, một mâm ngoài trời. Cũng có gia đình chỉ thực hiện mâm cỗ đơn giản trong nhà để thể hiện tấm lòng thành kính.

Dưới đây là gợi ý cách làm một số món trong mâm cỗ cúng giao thừa, chị em có thể tham khảo:

XÔI ĐẬU XANH

Gạo nếp đãi sạch đem ngâm với nước ấm trong khoảng 6 tiếng. Đậu xanh ngâm hơi mềm rồi rửa sạch, trộn vào với gạo nếp cùng xíu muối. Cho gạo nếp đậu xanh vào trõ hấp trong khoảng 30-40 phút hoặc thấy hạt xôi, trong, dẻo ăn chín mềm là được. Tắt bếp. Để khoảng 1 tiếng rồi đồ xôi lại khoảng 15 phút nữa cho xôi được dẻo lâu.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 1

NEM RÁN

Nguyên liệu:

- Thịt xay: 300g

- Miến rong: 30g

- Mộc nhĩ: 2 tai

- Trứng vịt: 2 quả

- Giá đỗ: 80g

- Su hào: 1 củ

- Cà rốt: 2 củ nhỏ

- Hành tây: 1 củ nhỏ

- Vỏ bánh đa nem: 2 thếp

- Hành lá, chanh, ớt, tỏi, rau xà lách, rau thơm các loại

- Muối, tiêu, bột nêm, đường, giấm, nước mắm, dầu ăn. 

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

- Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, thái sợi sau đó cắt nhỏ.

- Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra cho ráo nước rồi dùng kéo cắt khúc. Chú ý miến chỉ ngâm khoảng 2-3 phút cho sợi mềm, dễ cắt là được, không ngâm lâu quá miến bị nhũn, nem không ngon.

- Hành tây, bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó cắt nhỏ.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, lấy 1 củ thái lát mỏng sau đó thái sợi.

- Giá đỗ rửa sạch, vớt ra để ráo, dùng tay bóp nát cho bớt nước để nhân nem không bị ra nước khi gói. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ.

Chú ý: để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không xắt nhỏ quá và độ dài của các loại nguyên liệu nên dài ngắn khác nhau.

Bước 2: Trộn nhân

Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với 1/2 thìa bột nêm, xíu tiêu để khoảng 10 phút cho nhân ngấm gia vị.

Bước 3: Chuẩn bị rau sống, dưa góp

- Trong lúc chờ nhân nem ngấm gia vị, chuẩn bị rau sống và su hào chua ngọt để ăn cùng. Rau xà lách, rau thơm nhặt bỏ gốc, lá già, giập úa. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng 30 phút rồi vớt ra rổ, vẩy sạch nước. 

- Su hào, gọt vỏ, thái khúc, sau đó thái miếng vuông nhỏ, có thể tỉa răng cưa cho đẹp. 1 củ cà rốt còn lại ở trên, gọt vỏ, thái lát mỏng. Bóp sơ cà rốt, su hào với chút muối, rửa lại cho sạch, để ráo nước rồi ngâm chua ngọt với xíu muối, đường, chanh, tỏi, ớt. 

Bước 4: Thêm trứng vào nem

Cho trứng vào tô chứa nhân nem ở trên trộn đều. Mục đích của việc cho trứng muộn để nhân nem không bị chảy nước.

Bước 5: Gói nem

- Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa giấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán.

- Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước giấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn rán nem dễ bị bục. 

- Thực hiện lần lượt cho đến khi hết nhân. 

Bước 6: Rán nem

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt.

Nem chín, vớt ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu.

Bước 7: Làm nước chấm

Trong lúc rán nem trang thủ chuẩn bị nước chấm nem.

- Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch và cũng băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt.

- Bạn pha nước chấm nem theo tỷ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 nước cốt chanh và 4-5 nước tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm bạn dùng.

- Hòa tan hoàn toàn hỗn hợp trên, sau đó cho tỏi, ớt đã bằm nhỏ vào trộn đều. Để có một bát nước chấm ngon, tỏi ớt nổi đẹp mắt thì tỏi chỉ bằm nhỏ, không được đập giập, chanh trước khi vắt nên gọt vỏ.

Những chiếc nem rán giòn, vàng đều, thơm phức chấm cùng bát nước mắm chua ngọt, ăn cùng chút rau xà lách, rau thơm và su hào, cà rốt chua ngọt thực sự ngon tuyệt và cũng là món ăn chống ngán cho những dịp Lễ Tết. 

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 3

CANH BÓNG THẢ

Nguyên liệu:

- 600g bóng bì

- 100g thịt lợn nạc

- 300g xương lợn

- 50g tôm nõn khô

- 100g giò sống

- 200g súp lơ xanh

- 100g su hào

- 50g quả đậu Hà Lan

- 50g cà rốt

- Vài cái nấm hương

- 1 quả trứng vịt

- Gừng, rau mùi, 1 củ hành tây, hành lá

- Mì chính, nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm, rượu trắng

Cách nấu:

- Bóng bì lợn mua về ngâm nước cho nở mềm. Sau đó giã dập gừng, thêm rượu trắng vào bóp rửa bóng để khử sạch mùi hôi. Sau đó rửa thêm nhiều lần với nước sạch.

- Bóng bì lợn rửa sạch xong dùng giấy nấu ăn thấm cho khô sạch nước.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ.

- Súp lơ ngâm nước muối loãng rồi chẻ thành miếng nhỏ dọc theo thân. Rửa sạch để ráo nước.

- Đậu Hà Lan nhặt bỏ xơ, rửa sạch.

- Nấm ngâm nở rồi cắt bỏ chân, rửa sạch.

- Xương heo rửa với nước muối loãng, chặt thành miếng to.

- Tôm khô rửa sạch, cho vào nồi luộc chín rồi vớt ra để ráo nước.

- Thịt lợn nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái miếng mỏng.

- Cho xương heo đã rửa sạch vào nồi, đun sôi rồi đổ ra, rửa sạch lại. Sau đó cho lại vào nồi, thêm vào 1 củ hành tây rồi ninh cho ra nước ngọt. Thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong. (Thời gian ninh nước dùng từ 1 - 2 tiếng).

- Cho giò sống ra bát, thêm vào 1 xíu hạt nêm, xíu tiêu và bột ngọt, trộn đều, ướp 30 phút cho ngấm gia vị.

- Trứng đập ra bát đánh bông rồi tráng mỏng.

- Trải bóng bì ra 1 mặt phẳng, lấy giò sống trải 1 lớp mỏng, tiếp đó là 1 lớp trứng tráng, sau đó cuộn tròn lại, dùng cọng hành lá đã chần mềm buộc lại. (Phần giò sống để lại một ít để làm mọc).

- Cho bóng lên nồi hấp cách thủy 10 phút cho chín. Sau đó vớt ra chờ nguội bớt rồi cắt thành từng miếng mỏng.

- Nước dùng xương heo đã hầm xong, viên phần giò sống còn lại thành viên nhỏ, cho vào nồi nước dùng nấu cho đến khi giò sống nổi lên, chín thành mọc.

- Tiếp đến, cho cà rốt, súp lơ, su hào, đậu hà lan, nấm hương vào nấu cho chín tới. Nêm vào xíu hạt nêm, muối, nước mắm cho vừa ăn.

- Lấy 1 bát tô to, lấy rau củ xếp xuống dưới, xếp những miếng bóng lên trên, xếp tiếp tôm và thịt heo, vài miếng mọc sau đó múc nước dùng đổ lên trên. Dàn vài quả đậu, vài cánh nấm lên cho đẹp mắt. Thêm vài cọng rau mùi lên trên mặt bát canh cho đẹp mắt.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 4

MIẾN XÀO LÒNG GÀ

Nguyên liệu:

- Miến dong: 200g

- Lòng gà: 2-3 bộ

- Cà rốt: 1 củ

- Nấm hương: 6-8 cái

- Mộc nhĩ: 100g

- Hành lá, ngò rí: vài cây vừa đủ dùng

- Các gia vị: Muối, tiêu, hạt nêm, mì chính,... 

Các bước làm miến xào lòng gà

- Miến đem ngâm trong nước trong khoảng 15 phút để mềm ra, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cắt thành khúc vừa ăn. Lòng gà rửa sạch, xát muối và rượu trắng để khử tanh và vi khuẩn, sau đó rửa lại với nước một lần nữa. Cắt thành các miếng nhỏ rồi ướp với 1 thìa tiêu, 1 thìa nước mắm, 1 thìa gia vị trong 15 phút. 

Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước nóng để cho nở, sau đó làm sạch rồi thái sợi nhỏ. Sơ chế các nguyên liệu cần thiết. Cho chảo lên bếp rồi tiến hành phi thơm hành tím băm, sau đó bạn cho lòng gà đã sơ chế vào để xào. Xào chín tới rồi cho tiếp các loại rau củ, mộc nhĩ, nấm hương vào xào cùng.

 Xào hỗn hợp trên khoảng 2 phút thì bạn mới cho miến vào để xào cuối. Nêm thêm gia vị cho phù hợp rồi đảo thêm một chút, sau đó tắt bếp khi miến đã chín hoàn toàn.

Cho miến và các thức ăn ra đĩa để thưởng thức, thêm chút tiêu, hành lá và nước mắm là bạn đã hoàn thành món miến xào lòng gà rồi. Món miến xào lòng gà sau khi hoàn thành.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 5

GÀ LUỘC

Gà luộc trong mâm cỗ cúng giao thừa thường là gà trống tơ và để nguyên con. Để gà đẹp nên mổ moi, cánh bẻ như cánh tiên xòe sang hai bên mới đẹp mắt.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 6

NỘM TAI XOÀI XANH

Nguyên liệu:

- 250g tai heo thái mỏng

- 250g xoài nạo sợi

- 2/3 củ hành tây cỡ vừa, thái mỏng

- 1.5 muỗng cà phê bột canh; 4 muỗng cà phê đường; 1 quả chanh cỡ nhỏ; 2-3 quả ớt đỏ, thái nhỏ; 6-7 tép tỏi, băm nhỏ

- Lạc rang giã rối; rau húng chó, mùi tàu thái nhỏ

Cách làm:

- Trộn tai, xoài, hành tây trong một bát.

- Thêm bột canh, đường vào trộn đều. Cho nước cốt chanh, trộn tiếp.

- Sau đó cho tỏi, ớt, lạc rang giã rối vào, trộn đều.

- Cuối cùng cho rau thơm thái nhỏ vào, trộn thêm một lượt là xong. Cho nộm xoài xanh tai heo ra đĩa rồi thưởng thức!

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 7

BÁNH CHƯNG

Bánh chưng đã luộc, bóc vỏ, dùng lạt cắt thành các miếng vừa ăn, bày lên đĩa.

TÔM HẤP NƯỚC DỪA

Nguyên liệu:

- Tôm 500g (mua loại 100g được 4-5 con)

- 1 trái dừa xiêm nhỏ

- Xà lách, dưa leo, cà chua, hành lá để trang trí

Cách làm:

Tôm cắt bớt râu, rửa sạch, để ráo. Đầu tiên các bạn gọt vỏ dừa, tỉa khoanh tròn, chắt lấy nước. Nhớ là gọt sao cho đẹp để còn xếp tôm cho bắt mắt nhé các bạn.

Tiếp theo đổ nước dừa cho vào chảo sâu lòng. Đập dập củ hành tím, bằm nhỏ, nấu nước dừa cho sôi rồi nêm muối bột nêm cho nước vừa ăn, cho tôm sú đã rửa sạch vào, đảo đều. Sau khi thấy vỏ tôm đỏ ta tắt bếp rồi vớt.

Xếp tôm quanh miệng quả dừa. Đun lại nước dừa đã lấy nước khi này đổ vào trái dừa đã xếp tôm là xong nhé.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 8

GIÒ LỤA

Giò lụa cắt khoanh rồi chia thành 6 miếng như dẻ quạt, bày lên đĩa.

Gợi ý các món ăn ngon cho mâm cỗ cúng giao thừa thêm ý nghĩa - 9

Mâm cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời gồm những gì?
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)