1. Không rửa tay trước khi nấu ăn
Vi khuẩn có thể sống trên tất cả các bề mặt bao gồm cả tay của chúng ta. Hãy tưởng tượng bạn chạm tay vao bao nhiêu thứ hằng ngày và khi bạn bắt đầu nấu ăn mà không rửa tay, bạn có thể lây nhiễm vi khuẩn sang thực phẩm.
2. Mua gà bị tiêm nước
Nhiều nhà máy chế biến gia cầm đã tiêm thêm nước vào thịt gà để tăng trọng lượng của sản phẩm. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới vị của thịt gà mà còn làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
3. Dùng chung nồi/chảo nấu 2 món mà không rửa
Nhiều người có thói quen vừa nấu món ăn này xong sẽ dùng chính nồi hoặc chảo đó nấu món khác. Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu chảo đó được rửa trước khi nấu món thứ 2 nhưng vì tranh thủ thời gian hoặc vì lười mà khi nấu xong một món, nhiều người đã không rửa xoong/chảo mà lại nấu luôn món sau.
Nhưng trên thực tế, sau khi nấu xong 1 món ăn, mặt trên của nồi đã bám đầy cặn dầu mỡ, nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ mà nấu trực tiếp món ăn tiếp theo thì những chất này rất dễ hình thành chất độc hại, sẽ gây hại rất lớn cho cơ thể của chúng ta sau khi ăn.
4. Để dầu bốc khói mới cho thức ăn vào
Chúng ta thường làm nấu dầu ăn rồi mới cho thực phẩm hoặc rau cỏ vào để chiên, nấu nướng. Tuy nhiên, một số người lại để dầu nóng đến mức bốc khói thì hoàn toàn không nên vì dầu đã ở giai đoạn vượt quá nhiệt độ cho phép, sẽ dẫn đến biến chất, gây hại cho sức khỏe.
5. Sử dụng lại dầu ăn cũ
Vì tiết kiệm nhiều người sử dụng lại dầu ăn đã chiên của món cũ để nấu cho những lần sau, tuy nhiên cách này là hoàn toàn sai lầm. Khi dầu cứ được đun đi đun lại nhiều lần ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra nhiều chất gây hại sức khỏe, dùng lâu dài sẽ gây nhiều bệnh tật.
6. Thử thực phẩm để xem có bị hỏng hay không
Bạn không thể phát hiện vi khuẩn nguy hiểm thông qua quan sát hay nếm thực phẩm. Mặc dù vậy, ngay một lượng nhỏ vi khuẩn cũng có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Để tránh điều này, hãy vứt bỏ những sản phẩm mà bạn nghi ngờ chúng bị hỏng.
7. Dùng chung thớt để thái thịt sống và thịt chín
Đây là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải trong quá trình chế biến thức ăn. Bạn cần biết rằng, việc sử dụng chung dao, thớt để thái thịt sống và thịt chín có thể dẫn đến việc gây ô nhiễm chéo. Mầm bệnh hay các vi khuẩn từ thịt sống có thể dễ dàng lây lan sang thức phẩm đã được nấu chín và gây ngộ độc thực phẩm.
Vì thế, trong trường hợp này, bạn nên mua riêng dụng cụ dao, thớt để sử dụng với mục đích khác nhau. Nếu gia đình bạn chỉ có duy nhất một chiếc thớt, hãy đảm bảo vệ sinh sạch sẽ sau khi thái thịt, gia cầm, hải sản sống rồi mới được sử dụng cho đồ chín.
8. Đồ ăn lấy từ trong tủ lạnh ra lại để ở nhiệt độ phòng quá lâu
Đây cũng được xem là một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì các bạn không nên để thực phẩm đã được bảo quản trong tủ lạnh ra ngoài nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ và không quá 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài khoảng 32 độ C. Bởi vì vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ từ 4 độ C đến 60 độ C.
Vì vậy, sau khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh, các bạn không nên để chúng quá lâu ngoài nhiệt độ phòng. Nếu bạn phải chuẩn bị đồ ăn mang đi dã ngoại, du lịch đường dài thì bạn hãy chắc chắn đóng gói các loại thực phẩm dễ hỏng trong dụng cụ cách nhiệt tốt.
9. Không chú ý đến nhiệt độ khi chế biến thịt, hải sản, trứng
Thực phẩm đã được nấu chín là khi nó được đun nóng ở nhiệt độ đủ cao để có thể tiêu diệt được hết các vi khuẩn có hại. Vì thế, thay vì đoán thực phẩm đã đủ chín hay chưa thông qua thị giác, vị giác, thính giác thì các bạn hãy sử dụng một chiếc nhiệt kế thực phẩm, đảm bảo với thiết bị này, bạn sẽ không bao giờ ăn phải thực phẩm chưa chế biến kỹ.