“Siêu mẫu đầu bếp” là cụm từ người ta thường hay nhắc đến mỗi khi nhớ tới Đỗ Nguyễn Hoàng Long (32 tuổi, Sài Gòn). Anh chàng Sài Gòn này là siêu mẫu đầu tiên quyết định từ bỏ sàn catwalk để đến với nghề bếp. Đối với nhiều người, đó là một quyết định mạo hiểm nhưng đối với Đỗ Nguyễn Hoàng Long, tất cả chỉ chung quy với một chữ “duyên”.
Đỗ Nguyễn Hoàng Long.
Hành trình trở thành siêu mẫu đầu bếp đầu tiên Việt Nam
Đỗ Nguyễn Hoàng Long đến với nghề người mẫu và bước trên sàn catwalk từ khá sớm. Anh được biết đến là Quán quân Siêu mẫu Việt Nam vào năm 2009. Những tưởng giải thưởng này sẽ là bệ phóng cho anh trong nghề người mẫu nhưng không, anh lại rẽ hướng sang một con đường mới mà chẳng hề liên quan, đó là bếp.
“Nghề mẫu của Việt Nam vẫn chưa được coi là một nghề có thể ổn định cuộc sống. Mẫu nam lại càng bấp bênh. Như Long may mắn hơn nhiều bạn khi sở hữu cho mình danh hiệu Siêu mẫu. Danh hiệu này giúp Long có nhiều show diễn, cát xê cũng cao hơn nhưng bạn mẫu nam khác nhưng cũng chưa có thể gọi là ổn định. Chính bởi vậy, Long vẫn có thêm nghề tay phải khác”, Hoàng Long mỉm cười.
Anh được biết đến là siêu mẫu Việt Nam.
Hoàng Long tâm sự, đam mê nấu ăn đã nhen nhóm trong anh từ rất lâu. Mẹ anh là một đầu bếp nên ngay từ nhỏ đã truyền lửa đam mê nấu ăn cho anh.
Tuy nhiên, đam mê ấy chỉ thật sự bùng nổ sau thành công của cuộc thi Vua đầu bếp dành cho người nổi tiếng năm 2017.
Phải nói, cuộc thi này thật sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của anh, góp phần định hình đam mê một cách cụ thể. Đặc biệt, nhờ sự yêu quý của mọi người đã tạo động lực cho anh phát triển không ngừng trên con đường riêng của mình.
Từ một siêu mẫu đam mê rồi trở thành đầu bếp chuyên nghiệp có lẽ Hoàng Long là trường hợp đầu tiên hiện nay ở Việt Nam. Chính bởi vậy không ít người hoài nghi về khả năng, kỹ năng và kiến thức của anh khi đến với nghề bếp núc. Thế nhưng, đáp lại những hoài nghi đó, anh chỉ lắng nghe, không giải thích và làm những điều cần làm.
Để có được thành công ngày hôm nay, anh phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Mỗi buổi sáng anh đều thức dậy suy nghĩ để làm mọi thứ tốt hơn và để thích nghi với chuỗi sự vật sự việc xảy ra trong cuộc sống.
“Mọi người vẫn hay gọi Long là Siêu mẫu đầu bếp chắc tại nó ngắn gọn và bao gồm những vai trò tồn tại trong con người mình. Tên gọi này hơi phô trương chứ bản thân Long vẫn thích gọi là Đỗ Nguyễn Hoàng Long cái tên bố mẹ đặt và nó là duy nhất”, Hoàng Long mỉm cười.
Sau cuộc thi Vua đầu bếp, anh đã bén duyên với nghề bếp núc này.
Năm nào cũng về miền quê để cảm nhận hương vị Tết quê
Hoàng Long bộc bạch, ngày xưa anh làm người mẫu chỉ sắm quần áo, giày dép còn giờ khi làm đầu bếp, anh chỉ sắm nổi, chảo dao thớt mà thôi. Và nhiều người cũng bất ngờ về sự thay đổi này của anh.
Với vị trí và công việc của mình, anh thường xuyên chia sẻ thông qua các chương trình ẩm thực trải nghiệm do mình tham gia dàn dựng, cố vấn để tất cả mọi người có cái nhìn rộng mở hơn cho ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, anh cũng dành sự quan tâm đến văn hóa ẩm thực các nước, học các tiêu chuẩn, phương pháp chế biến cũng như cách sử dụng gia vị. Từ đó lại phối hợp cùng các sản vật thuần Việt để tạo ra các món ăn mang đậm dấu ấn Việt nhưng tiêu chuẩn quốc tế.
Anh thường đi chia sẻ ẩm thực cho mọi người.
Nếu theo dõi Hoàng Long mọi người sẽ thấy phong cách nấu nướng của anh mang đậm chất trải nghiệm về “Những ngày thơ”. Đó là một chủ đề anh vô cùng yêu thích bởi mọi người sẽ nhớ mãi về tuổi thơ đã từng ăn những món ăn ấn tượng nào của mình.
Không chỉ vậy, phong cách nấu nướng của anh còn là trải nghiệm văn hóa, con người, sản vật ở khắp đất nước để tìm những nguyên liệu hình thành lên món ăn, mang lại nét riêng cho mình.
Để lưu giữ ẩm thực Tết xưa ở khắp mọi nơi, năm nào mỗi dịp cận Tết đến, anh cũng có thói quen chọn cho mình một hành trình về những vùng quê để có thể cảm nhận hương vị và sự nô nức của Tết quê - cái mà một người con thành phố như anh còn thiếu thốn.
“Trong ký ức Long ngày còn bé trước năm 1995 bắt đầu lệnh cấm sản xuất, mua bán, đốt pháo, mỗi gia đình đều treo những khoanh pháo đỏ đốt vang trong dịp năm mới để cầu chúc một năm mới đầy may mắn.
Năm Long 6 tuổi khi lon ton theo những người anh em trong xóm “nghịch pháo” đã bị những tia pháo làm bỏng tay, lửa cháy cả quần áo nữa. Mình quơ tay dập lửa cũng bị bỏng. Lúc đó bà ngoại đã dùng con giấm cái quấn chặt cánh tay mình. Đó là con giấm chua ngày xưa mỗi nhà đều tự ngâm dùng cho việc nấu nướng không công nghiệp như bậy giờ. Vậy mà sáng hôm sau vết đau rát đã không còn, cảm giác như chưa từng bị bỏng nên mình tâm đắc cách chữa dân gian của bà vô cùng. Từ đó, phần nào hình ảnh này ảnh hướng đến đam mê khám phá ẩm thực dân gian của mình bây giờ”, Hoàng Long thổ lộ.
Tết năm nào anh cũng về miền quê trải nghiệm.
Đối với Hoàng Long, trong ẩm thực ngày Tết, mâm cơm Tết không chỉ in sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt mà con là mâm cơm vô cùng đặc biệt tạo nên sự phong phú trong các món ăn và tạo nên bản sắc vùng miền Bắc Trung Nam rõ rệt. Chính vì vậy, anh luôn nghiên cứu và giới thiệu ẩm thực Việt ra thế giới thông qua dịp Tết cổ truyền này. Trong đó món ăn ngày Tết thịt kho tàu luôn được anh dành nhiều tâm sức nhất.
“Ở miền Nam ngày mồng 4 là hết Tết hầu như nhà nào cũng có cho mình một nồi thịt kho trứng mà dân gian vẫn quen gọi là thịt kho tàu. Đây là một món ăn yêu thích của Long và cũng là món mình dành nhiều tâm sức cho món ăn này mỗi dịp Tết về.
Thịt kho trứng ngon phải chọn phần ba rọi rút xương có nhiều mỡ trong thịt có lẫn gân sụn cắt tảng to kho nước dừa tươi sao cho có màu cánh gián, mỡ trong không rã, trứng kho thấm vị, càng hâm càng ngon. Khi ăn dùng kèm dưa giá (cà rốt, giá đỗ, rau hẹ muối sổi ăn ngay) là đúng gu nhất”, Hoàng Long chia sẻ.
Một số món ăn anh làm.
Là một đầu bếp, mỗi dịp Tết đến là một dịp bận rộn. Thế nhưng dù bận rộn đến mấy anh cũng dành trọn thời gian cho gia đình nhỏ của mình để cái Tết đúng nghĩa là Tết sum vầy.