Cùng với tim thì cật lợn cũng là bộ phận có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong cật rất giàu chất đạm, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B cùng nhiều dưỡng chất khác. Khi vào cơ thể, các chất này sẽ giúp bổ thận, ngừa lão hóa và giúp tăng cường sức đề kháng.
Trong y học cổ truyền có ghi, cật lợn giúp bổ thận, ích tinh, đặc biệt tốt với nam giới mắc chứng thận hư.
Có rất nhiều món ăn ngon làm từ cật lợn, tuy nhiên nếu làm không khéo rất dễ để lại mùi tanh và độc tố. Theo các đầu bếp lâu năm, bí kíp để làm nên món cật lợn xào ngon là kiểm soát nhiệt độ và sơ chế để khử mùi của nguyên liệu.
Thường cật lợn bị tanh, hôi là do bạn chưa làm sạch một cách chính xác và sử dụng gia vị không đúng nên không át được mùi này. Ngoài gừng thì ớt ngâm cũng là một lựa chọn không tồi để món cật xào trở nên hấp dẫn hơn.
Nguyên liệu làm cật xào
- Cật lợn: 2 quả
- Ớt ngâm: 1 bát nhỏ
- Gừng: 1 củ
- Xì dầu
- Bột ngô
- Hành
- Tỏi
- Hạt tiêu
- Rượu nấu ăn
- Muối
* Mẹo hay chọn cật lợn
- Màu sắc: Quan sát bề mặt cật lợn, nếu thấy trên bề mặt xuất hiện các đốm nhỏ khác với đốm huyết thì đó là cật đã được để quá lâu, không tươi. Nên chọn những quả có màu sắc tươi sáng, không xỉn màu và mùi hôi khó chịu.
- Độ đàn hồi: Dùng ngón tay ấn nhẹ lên bề mặt cật heo, nếu không có nước chảy ra, bề mặt ẩm, săn chắc, bóng loáng là cật tươi.
- Kích thước: Hãy kiểm tra xem cật lợn bạn mua có dày và to hơn quả cật bình thường không. Trường hợp thấy cật sưng đỏ thì không nên mua vì đây là cật của con lợn bị bệnh.
Ngoài ra, nên đi chợ càng sớm càng tốt vì thường cật lợn tươi ngon nhất là khi bán vào buổi sáng. Nếu để quá lâu sẽ sản sinh ra mùi lạ.
Cách làm cật xào hành
Bước 1: Sơ chế cật
- Cật lợn sau khi mua về bạn đem rửa dưới vòi nước sạch rồi dùng khăn giấy thấm khô toàn bộ nước trên bề mặt.
- Đặt quả cật lên thớt rồi dùng dao chia quả cật làm đôi.
- Lúc này, bạn sẽ thấy bên trong quả cật sẽ có một số màng trắng và tím. Hãy loại bỏ phần này đi vì chúng là “thủ phạm” khiến món ăn bị tanh nồng và không có giá trị dinh dưỡng.
* Mẹo hay khử mùi hôi tanh của cật lợn
- Lột bỏ lớp màng bên ngoài của cật cùng tuyến hôi màu trắng bên trong cật heo. Tiếp đến, bạn cho giấm ăn vào rồi bóp cật thật sạch và rửa với nước.
- Bạn cũng có thể dùng muối ăn để thay thế. Tuy nhiên, với loại gia vị này, bạn chỉ cần rắc vài hạt muối vào rồi để từ 2 - 3 phút sau đó rửa lại cùng nước sạch là được.
- Đem cật heo rửa cùng với rượu trắng sau đó cho vào nồi nước, nêm thêm vài hạt muối rồi chần sơ. Khi vớt ra, nhớ ngâm trong nước nguội để cật giòn hơn nhé.
- Đặt cật lợn trên mặt phẳng thớt rồi dùng dao khía các đường dọc, đường ngang rồi mới thái miếng.
- Ớt ngâm thái thành miếng vừa ăn.
- Hành cắt khúc. Tỏi, gừng băm nhỏ.
Bước 2: Ướp cật lợn
- Cho cật lợn ra bát rồi thêm vào đây 2 thìa bột ngô, 1 chút muối, rượu nấu ăn sau đó đảo đều lên. Ướp khoảng 5 phút.
Bước 3: Xào cật heo
- Bắc chảo lên bếp, thêm dầu vào đun nóng.
- Dầu nóng bạn cho hạt tiêu, tỏi và gừng băm nhỏ vào phi thơm.
- Trút phần cật heo đã sơ chế vào đảo đều tay.
- Chú ý, cật rất mềm và nhanh chín vì thế không nên để quả lâu.
- Thêm ớt ngâm vào đảo chung. Vị ớt cay cay sẽ giúp nâng tầm hương vị cho món ăn và khử mùi tanh của cật heo.
- Khi cật heo gần chín, bạn cho hành thái khúc vào đảo đều và nêm thêm 1 chút xì dầu cho vừa ăn.
Bước 4: Hoàn thành
- Múc cật lợn xào ra đĩa rồi thưởng thức.
Phần cật chín tới mềm thơm, vị cay cay đậm đà của các loại gia vị khiến món ăn này trở nên hấp dẫn hơn gấp bội. Món này ăn với cơm hoặc dùng làm món nhậu đều rất ngon.
Một số lưu ý khi ăn cật lợn
- Cật lợn tuy giàu dinh dưỡng nhưng không thích hợp với những ai bị huyết áp cao, lipid và cholesterol cao.
- Cật lợn giàu protein, chất béo, carbohydrate, canxi, phốt pho, sắt và vitamin nên rất tốt cho thận, cường eo, điều khí, người bị tiểu đêm, đau lưng, thận hư, đổ mồ hôi trộm…
- Không ăn cật lợn với đậu tương vì đây là thực phẩm giàu đạm, cơ thể con người nạp quá nhiều đạm sẽ ảnh hưởng tới tiêu hóa và khả năng hấp thu.
- Tránh ăn chung cật lợn với cải bẹ vì dễ bị táo bón.
- Không nấu chung cật lợn với phổi lợn. Bởi cật lợn vị ngọt tính ôn, còn phổi lợn vị ngọt tính lạnh, nếu ăn chung dễ bị tổn thương tỳ vị.