Mới đây, bài chia sẻ của một bà nội trợ trên hội nhóm về chủ đề bếp núc nhận được nhiều sự hưởng ứng của mọi người. Bằng kinh nghiệm tích lũy được của mình, chị Hằng (Hà Nội) đã liệt kê chi tiết các yếu tố quan trọng giúp cho việc đi chợ, sơ chế thực phẩm, lên thực đơn và chế biến sao cho tươi ngon và tiết kiệm nhất. Bài viết của chị Hằng vô cùng phù hợp với những ai đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh hiện nay, các bạn hãy cùng tham khảo nhé.
Đi chợ
Thường chị Hằng sẽ đến siêu thị để mua hầu hết thực phẩm từ thịt lợn, thịt bò, trứng, rau củ quả… Trước khi đi, cần phải kiểm tra tủ lạnh 1 lần để xem đang còn loại nguyên liệu nào để ưu tiên mua trước những món dễ lên thực đơn với đồ còn dư. Sau đó, ghi danh sách những thực phẩm cần mua thêm sao cho đa dạng nhất các món đạm, vitamin, chất xơ…
Ví dụ nếu nhà còn thịt đỏ (lợn, bò) đủ 2 - 4 bữa thì sẽ mua thêm thịt trắng (gà, vịt), hải sản (tôm, cá). Với chất đạm thì sẽ đi chợ 1 tuần 1 lần, sau đó dựa trên các thực phẩm đó để mua rau củ quả nếu muốn chế biến cùng. Với rau thì sẽ cần mua 2 - 3 loại rau lá, 1 - 2 loại quả, 1 - 2 loại củ. Khi sử dụng sẽ ăn rau lá trước, quả sau, củ cuối cùng, hoặc phối hợp rau lá với củ, quả. Còn đồ tráng miệng thì ưu tiên mùa nào thức đó, số lượng tùy sức ăn của các thành viên trong gia đình.
Sơ chế
Với rau, vì chỉ ăn trong 2 - 3 hôm với rau lá, nên tất cả rau mua về bạn cần sơ chế, rửa sạch, quay ráo và chia bữa ra các hộp. Ăn bữa nào chỉ việc lấy và chế biến luôn, giảm thời gian sơ chế mỗi bữa ăn rất nhiều.
Với các loại quả, cần rửa sạch, trữ riêng vào hộp có nút thông hơi và cho vào tủ lạnh. Với các loại củ, quả có thể trữ bên ngoài như khoai mơ, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, bí đỏ, bí đao... thì chỉ cần để dưới gầm tủ gần cửa thông gió, lót bìa giấy phía dưới, có thể trữ được lâu và giữ nguyên chất lượng. Trường hợp cắt ra rồi mà ăn không hết thì cũng chia vào hộp để nấu dần trong 2 – 3 ngày.
Lên thực đơn và chế biến trước
Với các món nước, đối với xương có thể ninh trước lượng lớn, chia vào các hộp 1 lít để trữ đông dùng dần, hoặc ninh từ tối hôm trước và chia hộp theo bữa để nấu cho 2 - 3 ngày (nấu mì, miến, cháo... ăn sáng; nấu canh cho các bữa chính...). Lên thực đơn luân phiên và đa dạng với các thực phẩm đã có nhằm tận dụng tối đa thực phẩm, tránh việc ăn lặp đi lặp lại mỗi một món.
Nấu ăn
Chị Hằng chia sẻ rằng suốt 2 năm nay bữa ăn của gia đình chị thiên về các món hấp, chiên xào đơn giản, giúp đảm bảo nguyên tắc “cầu vồng” trong dinh dưỡng trong việc kích thích vị giác mà vẫn cung cấp đủ các nhóm vitamin cần thiết.
Với các loại gia vị phối hợp cùng canh hoặc nấu nướng chị sẽ sử dụng các hộp nhỏ xíu để đựng. Ví dụ rau xào tỏi thì ở hộp rau sẽ có 1 hộp tỏi bóc sẵn, rau nấu canh với tôm khô sẽ bỏ cùng 1 hộp tôm khô, thịt gà rang gừng thì sẽ để cùng 1 hộp nhỏ hành khô, gừng băm nhỏ.
Với cách làm theo gợi ý của chị Hằng thì bạn chỉ cần đi chợ 1 lần/tuần và đầu tư thêm thời gian cho khâu sơ chế thực phẩm, còn khi chế biến hoặc nấu ăn thì sẽ rất nhanh chóng, trung bình chỉ mất khoảng 20 – 40 phút cho một bữa ăn tươm tất thôi. Ngoài ra, nếu bạn biết phương án đi chợ và nấu ăn hay ho nào khác thì bạn hãy chia sẻ vào mục bình luận bên dưới nhé.
100K ĐI CHỢ LÀM ĐƯỢC LUÔN 4 MÓN, VỪA THƠM NGON BỔ DƯỠNG LẠI "ĐƯA CƠM"
Trong trường hợp bạn muốn có thêm nhiều lựa chọn cho các bữa ăn gọn nhẹ và tiết kiệm nhất thì bàn ăn 4 món với đầy đủ canh, mặn, xào sau đây sẽ cực kỳ thích hợp.
Thịt vịt luộc: 70.000 đồng
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1/2 con vịt, muối, tiêu, gừng đập dập, sả và rượu trắng.
Cách thực hiện: Thịt vịt mua về bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập và rượu trắng trong vòng 30 phút để khử mùi. Đem rửa sạch vịt, chờ ráo nước rồi cho vào nồi luộc. Đun lửa vừa tới lúc chín thì vớt ra. Để nguội, chặt miếng vừa ăn.
Xem thông tin chi tiết