Là người phụ nữ của gia đình nên chị Xuân Liên (29 tuổi, Đồng Nai) ngày nào cũng vào bếp nấu ăn đủ 3 bữa cho chồng con. Chị tâm sự, "Vốn dĩ trước kia mình không mặn mà với công việc bếp núc cho lắm nhưng từ khi có 2 em bé, có 1 gia đình riêng, có những bữa cơm tuy đơn sơ mà đủ đầy mọi thành viên, có người chồng/người cha trân trọng những món ăn mình nấu... vậy là mình dành nhiều tâm huyết hơn để chăm chút những bữa cơm gia đình. Rồi từ đó yêu bếp, thích nấu nướng, ham tìm hiểu về ẩm thực và ý thức rất rõ về vai trò giữ lửa của mình trong gia đình".
Mới đây, chồng chị có khách tới chơi, anh đã "đặt" vợ làm 2 mâm cỗ với điều kiện phải xong trước 5 giờ chiều. Tưởng khó nhưng cuối cùng chị cũng phải khiến chồng bất ngờ khi hoàn thành 2 mâm tươm tất từ rất sớm, lại còn có thời gian để dọn dẹp nhà cửa sẵn sàng đón khách.
"Mình nấu 2 mâm cỗ này trong tầm 4 tiếng, tính cả đi chợ và sơ chế thức ăn. Chỉ cần có danh sách các món cần mua sắm, và lên kế hoạch rõ ràng về những việc cần làm trước làm sau thì mọi việc đều có thể sắp xếp nhanh chóng và gọn gàng", chị nói.
Mỗi mâm cỗ nhà chị có 4 món và 1 nổi lẩu, gồm:
- Tôm lăn bột chiên giòn, đậu hũ chiên chấm thương ớt.
- Gà chiên nồi không dầu chấm muối ớt xanh
- Gỏi bò hành tây, trộn nước mắm dầu giấm.
- Lòng mề gà chưng ớt xiêm xanh.
- Lẩu cá thác lác chua cay ăn kèm bún, chấm mắm nhĩ và nhúng rau mua nước nổi. Những món này chị đều từng làm thử trước đó trong các bữa cơm gia đình.
Để làm được những món ăn vừa cầu kỳ và mất thời gian, đặc biệt là lẩu, chị Xuân Liên phải sắp xếp công việc theo thứ tự và rất khoa học. Chị lên kế hoạch cho những việc cần làm trước, làm sau và làm cùng nhau. Việc làm trước như nấu nước mắm, rang đậu phộng, phi hành, chuẩn bị các loại sốt chấm... Còn việc làm sau cùng sẽ là bày ra đĩa, trang trí, bổ sung nước chấm, các món chiên thì gần ăn sẽ chiên lại lửa 2 cho giòn và nóng. Việc có thể làm cùng nhau như rửa rau và nấu nước lẩu, chưng lòng gà; chiên tôm và xếp đồ ăn ra đĩa...
"Mình bắt đầu đi chợ lúc 6h30 sáng, nấu tới 4 giờ chiều là lên mâm tươm tất hết. Trong ngày vẫn lo bữa sáng, bữa trưa cho gia đình như thường ngày, và chăm thêm em bé nhỏ gần 2 tuổi ăn, ngủ, chơi nữa... Mình thấy hài lòng vì đã tươm tất được mọi việc, vẫn có thời gian nghỉ trưa và vẫn dư chút thời gian buổi chiều để dọn nhà, tiếp khách", chị Liên vui vẻ nói.
Các mâm cỗ chị nấu vừa ngon lại được trang trí chỉn chu, thể hiện lòng hiếu khách nên chồng chị vô cùng tự hào, vui vẻ vì có vợ đảm đang như thế.
Dưới đây là cách làm Lẩu cá thác lác chua cay của chị Xuân Liên, các bạn có thể tham khảo:
Nguyên liệu:
(2 lít nước lẩu tương đương 4 người ăn)
- 2kg chả cá thác lác
- Rau nhúng lẩu: rau muống, rau cần, kèo nèo, bông súng, bông điên điển... (tùy thích).
- Gia vị kèm theo: nước mắm, sa tế, ớt, cà chua (3 quả), dứa (1 trái), sả.
- Ăn kèm bún tươi.
Cách làm
Bước 1. Sơ chế
- Chả cá thác lác trộn với muối, hành tím, tiêu hạt và nhồi thật nhiều để chả dai và mịn.
- Rửa sạch, để ráo các loại rau nhúng lẩu.
- Phi thơm hỗn hợp hành tím, sả và tỏi, rồi vớt ra để riêng.
Bước 2. Nấu nước lẩu
- Xào cà chua và thơm, nêm chút nước mắm sau đó thêm nước (có thể là nước hầm xương/thịt hoặc nước lọc), đun sôi lăn tăn khoảng 30 phút để cà chua và dứa (quả thơm) tiết vị chua.
- Lọc bỏ xác cà chua và thơm, chỉ lấy phần nước lẩu vị chua.
- Nêm lại nước lẩu với sa tế và nước mắm, chút đường phèn đến khi thấy vị chua, cay, mằn mặn hài hòa.
Bày ra nồi lẩu và thêm các loại topping đã chuẩn bị như: sả đập dập, hỗn hợp sả + tỏi + hành tím phi thơm, thêm vài khoanh thơm và cà chua bổ múi cau.
Bước 3. Dọn bàn ăn:
- Bày rau nhúng lẩu, cá và bún ra đĩa.
- Ăn kèm bún tươi và chấm nước mắm nhĩ có dầm ớt.