Thời ông bà ta thì nào có biết đến những quán cà phê máy lạnh hay xếp hàng để mua những bộ sưu tập ly theo mùa. Để tiếp nối câu chuyện dở dang, ông bà, bố mẹ mình hẹn nhau ra đầu ngõ gọi một cốc nhân trần hoặc nước sấu. Chừng ấy hương vị cùng một ít cốm gói trong lá sen, thế là mùa thu cùng những xuyến xao lại về.
Thật ra mùa sấu bắt đầu từ đầu hè, tầm trung tuần tháng 6. Khi ấy sấu không quá chua, nhỏ hạt, nhỏ mình, lại non tươi đến là thèm thuồng chép miệng. Ngoài làm sấu dầm canh, sấu bao tử thì các bà, các mẹ đã nhanh tay làm ngay một mẻ nước sấu ngâm chua ngọt để giải nhiệt. Từ hè đến thu, vị chua nhẹ thanh ngọt của nước sấu đã làm dịu mát bao tâm hồn và như một nốt nhạc lặng lẽ chờ ngóng mùa về.
Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, một cậu bạn biết tôi nhớ mùa thu Hà Nội nên đã kỳ công làm một hộp nước sấu rồi gửi tặng theo xe Bắc - Nam. Mãi sau này, tôi mới biết cách làm nước sấu cũng kỳ công không kém một loại thức uống hiện đại nào.
Sấu để ngâm nước tốt nhất là loại sấu bánh tẻ, đang từ non chuyển sang chín tới, vỏ hơi sần nhưng cuống còn tươi. Tuy vẫn là sấu non, nhưng cũng không được non quá kẻo lại “sượng" rất ngang và mất đi sự hài hoà của hương vị. Sau khi đảo đều sấu bánh tẻ với nước trong lửa nhỏ, canh lúc mẻ sấu xanh trở vàng thì phải vớt ra ngay.
Phần nước cũng không được qua loa, để liu riu vớt bọt rồi cho thêm ít gừng thái sợi. Gừng vừa giúp cân bằng vị, vừa giúp cho sấu ngâm không bị nổi váng. Đợi qua dăm ngày, khi nước sấu đã “chín" thì vớt ra dùng. Một mẻ nước sấu ngon phải đảm bảo chua ngọt vừa đủ, lẫn trong những tầng hương vị là mùi cay ấm của gừng.
Sấu bỏ vào miệng vẫn giòn mà róc hạt (ấy là do đã kỳ công từ lúc chọn sấu), không cứng cũng chẳng nhũn, khoái khẩu vô cùng. Uống một ly nước sấu không chỉ đơn giản là giải nhiệt, mà đôi khi còn là thưởng thức cả hương cây trái mùa hạ, là nắng tinh tươm ươm vàng và gió nhẹ mùa thu. Ai đến thủ đô cũng mua sấu, mua ô mai làm quà, nhưng chẳng thể nào đóng gói một cốc nước sấu để mà mang về miền Nam nắng ấm.
Cũng bởi vì thế, mà người đi xa lại thương nhớ thức uống ấy thêm một ngàn lần nữa.
Đặt để bên cạnh sấu, quả thật nhân trần đằm vị và cách chế biến cũng đơn giản hơn. Nhưng không vì lẽ đó mà nhân trần trở nên tầm thường và kém cỏi. Xuôi vào Nam, nhân trần thường dễ tìm thấy trong các tiệm dược liệu dưới hình thức sấy khô.
Nhân trần nấu lên, cũng là một thức uống lợi gan và giải nhiệt. Khác với sấu rộ theo thuở theo thời, nhân trần dễ mua hơn, nhất là ở các tỉnh miền Bắc như Nghệ An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Nếu ví nước sấu như một cô gái tinh nghịch và tươi trẻ, thì nhân trần lại tựa như thiếu nữ phương Bắc đằm thắm, ngọt ngào mà vẫn không giấu được vẻ sắc sảo bên trong.
Nhìn như trà nhưng lại chẳng phải trà, nhân trần ngọt nhẹ mà không gây mất ngủ, có vị hậu ngọt và hơi nhẫn nhẫn đọng lại ở đầu lưỡi sau khi thưởng thức. Nước nhân trần gần như phù hợp để dùng kèm với cả món mặn lẫn món ngọt, và lạ thay, lại sạch miệng cùng tôn vị thức ăn đến không ngờ.
Cách thưởng thức nhân trần cũng từ tốn và chậm rãi, người ta cứ nhẩn nha ăn cốm, ăn chè rồi hớp từng ngụm nhỏ. Uống nhân trần hay nhất là được ngồi trên một chiếc ghế nhựa nhỏ, giữa phố xá đầu ngày mát mẻ và yên vui, chợt nhận ra giữa những ngày vội vàng, vậy mà ta vẫn còn đây phút giây thong thả.
Mùa thu Hà Nội đến nhanh và rực rỡ, người ta cứ trông ngóng mãi đất trời vào thu để hít thở, để sống cho thoả những khoảnh khắc trời đất an hoà, lòng người an yên. Chúng ta không đặt tên cho những khoảnh khắc ấy, cũng như việc ta chẳng bao giờ nhớ được cụ thể hàng quán mình đã tấp vào để gọi một ly nước sấu hay nhân trần. Vậy mà khi nào nhớ đến cũng thấy ngon, cũng thấy thèm thuồng như một người đang trong cữ nghén vậy.
Chẳng biết là do các món uống giản đơn ấy ngon thật, hay là vì chúng đã đem những ký ức về thu Hà Nội trút đầy vào lòng người, nhất là những người như tôi - luôn tưởng nhớ về kỷ niệm lấp lánh nằm lại trong những ngày đã qua.