Ở nhà thực hiện chủ trương "giãn cách xã hội" của chính phủ để tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan, mỗi ngày nấu đủ 3 bữa cơm nên chị Xuân Lê (Hà Nội, 44 tuổi) lại trở nên yêu thích công việc bếp núc hơn bao giờ hết. Chị chia sẻ, trước khi có dịch, chị chỉ nấu cơm 1 bữa/ngày là bữa tối vì chồng và con đều ăn ở chỗ làm, chỗ học.
"Từ ngày có dịch các con ở nhà mình phải chăm lo 3 bữa cho các con nên ngày nào cũng vào bếp. Nấu ăn là sở thích mới khám phá của mình. Trước mình thích chụp ảnh nên cũng thường nấu nướng nhanh gọn để có thời gian tranh thủ chụp. Khi hạn chế đi lại, mình nấu nướng nhiều hơn và từ đó thấy cũng khá yêu thích nấu nướng. Một ngày mình sẽ đảm bảo 3 bữa ăn đủ dinh dưỡng, nước cam, sữa và hoa quả cho các con", chị Xuân Lê tâm sự.
Chị Xuân Lê
Các con chị Xuân Lê khá kén ăn lại có sở thích không giống nhau nhưng người mẹ đảm đang này quan niệm, trẻ cũng cần được tôn trọng sở thích riêng. Do đó chị không ép con ăn theo ý mình mà hay làm các món ăn riêng cho mỗi người trong gia đình. Thành ra, đôi lúc trên mâm cơm nhà chị có tới 2 bát canh, 2 món rau.
Bà mẹ 44 tuổi vẫn luôn dạy các con "nhà có gì ăn nấy" nhưng chị vẫn làm thêm các món con thích để tăng niềm vui khi chúng ngồi vào bàn ăn. Các con không chỉ là "thực khách" mà còn là những nhà phê bình ẩm thực rất thẳng thắn. Món nào mẹ nấu ngon thì lũ trẻ sẽ xin thêm bát cơm nữa, nếu không ngon sẽ không ăn nhiều. Là người tinh ý nên chỉ cần nhìn qua là chị biết ngay. Những lần tiếp theo chị sẽ rút kinh nghiệm, nấu nướng sao cho phù hợp với khẩu vị và sở thích của các con. Bà mẹ đảm đang sẽ đổi món liên tục để bữa ăn luôn tươi ngon và mới lạ.
Riêng chồng chị, ngày thường anh đi làm ở khu công nghiệp tới 8 giờ tối mới về. Sau chuyến xe kéo dài 1 tiếng rưỡi mới tới nhà, anh rất mệt mỏi. Vì thế, chị luôn chuẩn bị cơm phần chồng sao cho bắt mắt. Nhờ có việc đổi món liên tục nên anh ăn cũng ngon miệng hơn. Chị thường cho các con ăn trước còn mình sẽ chờ anh về, hâm nóng thức ăn và cùng nhau thưởng thức cho ấm cúng, vui vẻ. Khi đăng những mâm cơm phần chồng lên mạng, hội chị em yêu bếp đã hết lời khen ngợi chị, nhiều người còn thốt lên, vợ đảm thế này "chồng nào chẳng yêu".
Chị tâm sự, mình ít bày vẽ khi nấu nướng, nếu nấu món gì mới thì thường chọn món đơn giản nhất có thể. "Mình hay tham khảo mạng hay youtube để xem cách nấu ăn nào tốn ít thời gian nhất cho món đó và áp dụng. Mình cũng thường tận dụng nguyên liệu bữa tối để chuẩn bị bữa sáng hôm sau. Ví dụ tối ăn tôm thì sáng hôm sau sẽ làm cho chồng bát bún tôm; ăn cá thì sẽ là bánh đa cá... Các con thì mình sẽ chuẩn bị bữa sáng riêng".
Khi nấu ăn, bà mẹ đảm thường để ý nhất đến việc nêm nếm gia vị. Chẳng hạn bé không ăn được cay nóng quá thì chị sẽ tránh các gia vị đó và để đồ cay cho bố mẹ ăn riêng. Chị cũng chú ý sự kết hợp các món ăn với nhau để không bị kỵ nhau, hay gây đau bụng.
Dù yêu thích nấu ăn nhưng có đôi lúc bà mẹ 7X cũng cảm thấy công việc này nhàm chán. Những lúc như thế, chị sẽ lên mạng tìm hiểu xem có món gì mới mình chưa làm để thực hiện nhằm tăng thêm cảm hứng. May mắn là hai con trai đã biết phụ mẹ việc nấu nướng nên chị thấy vào bếp vui hơn nhiều. "Sau đó, chuẩn bị xong 1 món lại bày ra để chụp ảnh, đăng facebook, chia sẻ với bạn bè, thế nên mình lại càng có động lực để nấu nướng", chị vui vẻ nói.
Theo chị Xuân Lê, mâm cơm đủ màu sắc là mâm cơm ngon và giàu dinh dưỡng. Nhiều khi bày mâm xong thấy thiếu màu đỏ hay màu vàng là chị lại tìm cách bổ sung ớt hay hoa quả để cho mâm cơm sặc sỡ, vui mắt. "Nấu ăn ở nhà có nhiều ưu điểm là mình nấu sạch sẽ và gia vị vừa miệng người trong nhà. Tất nhiên người nội trợ cũng cần biết mua và chọn đồ tươi ngon, biết bảo quản đồ trong tủ lạnh sao cho khi nấu ăn vẫn đủ chất dinh dưỡng và không bị biến chất. Và khi biết món nào là món ưa thích, món tủ của mình thì cứ trau dồi để cho món ăn ngày càng ngon hơn. Ngoài ra, mình cũng còn nấu chè, làm sữa hạt hay nước detox để cả nhà cùng thưởng thức cho đa dạng nữa", bà mẹ đảm cho biết.