Mận là loại quả tươi ngon, có vị chua chua, ngọt ngọt rất được lòng các chị em thưởng thức. Mận có thể ăn trực tiếp với muối, lắc muối ớt hoặc đem làm mứt mận, ô mai mận, làm si rô... mà cách nào cũng đem lại hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
Tranh thủ mận vào mùa đang rẻ, nhiều chị em bắt tay vào làm món ô mai mận dẻo dẻo, dai dai, ngọt ngọt để thưởng thức hoặc biết người thân. Cách làm ô mai mận không khó. Thông thường, để làm ô mai mận, nhiều người phải sử dụng đến nước vôi trong để ngâm mận. Tuy nhiên nước vôi trong không phải lúc nào cũng mua được, vì vậy, dù bỏ qua nguyên liệu này, cô nàng Thúy Lương (28 tuổi) vẫn có thể làm được ô mai mận dẻo ngon, thơm nức.
Thúy Lương
Thúy Lương cho biết, cách làm mận này bản thân tham khảo trên hội nhóm Yêu Bếp và kết quả rất thành công, vì thế cô đã chia sẻ lại kinh nghiệm của mình. Dưới đây là cách làm ô mai mận của Thúy Lương, các bạn có thể tham khảo:
Nguyên liệu:
- 1.5kg mận
- Khoảng 1kg đường trắng (hoặc đường vàng)
- 1 thìa muối hạt
- Gừng tươi, 50ml nước lọc
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế mận
- Mận ngâm với nước muối cho sạch, rửa lại thêm vài lần rồi dùng dao sắc, bổ múi cau. Việc bổ múi cau như vậy giúp khi nào ngâm đường làm mận ngấm đường nhanh hơn và đều hơn.
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cho gừng vào cối giã cho tới khi nát thành sợi. Nói chung sợi gừng càng tơi, càng nhỏ càng tốt. Điều này giúp gừng không bị quá cay sau khi ăn. Đổ vào 50ml nước ấm. Sau đó gạn lấy nước cốt gừng. Bã gừng giữ lại.
Bước 2: Ngâm đường
Cho mận vào nồi, sau đó đổ đường vào, phủ kín mận.
Thông thường bạn nên ngâm mận khoảng 10 tiếng cho mận ra nước và đường tan hết. Trong quá trình ngâm đường, bạn có thể thêm một củ gừng đập dập vào cho thơm vào đảo mận 1-2 lần.
Bước 3: Đun mận
Sau 10 tiếng, khi đường tan hết, bắt đầu bắc nồi mận lên bếp để đun sôi. Sau khi nồi mận sôi to, hạ lửa xuống và đun liu riu trong 45 phút. Lúc này mận đã có màu đỏ đẹp, căng mọng và hơi trong là được.
Bước 4: Phơi ô mai mận
- Lúc này, vớt mận ra, nếu có giá thì vớt lên giá hoặc bạn tự chế dụng cụ để đựng mận. Lưu ý, dụng cụ phơi mận nên được vệ sinh sạch sẽ và phết chút dầu dừa lên cho bớt dính. Trong quá trình vớt mận, bạn có thể ép nhẹ để mận ra bớt nước đường, giúp mận nhanh khô hơn. Nước trong nồi còn lại chính là si rô mận, bạn cất riêng để dùng làm nước uống dần.
- Dùng cọ phết đều nước cốt gừng lên mận. Còn phần bã gừng, bạn trộn thêm với chút nước si rô mận, cho lên bếp đảo cho đến khi gừng keo lại. Gắp gừng đã sên với si rô mận lên trên từng quả mận.
- Lúc này, mang mận ra phơi nắng. Thông thường, với nắng to mùa hè, bạn chỉ cần phơi 3 nắng là ô mai mận khô ráo, có thể thưởng thức được. Nếu nắng nhẹ thì phơi khoảng 5 nắng. Lưu ý khi phơi, cẩn thận tránh côn trùng, bụi bặm để món ô mai mận luôn được ngon và sạch nhất có thể.
- Ô mai mận phơi nắng có mùi thơm đặc trưng riêng, màu đỏ đẹp, dai dai dẻo dẻo ngọt ngào, lại có chút cay cay của gừng vô cùng hấp dẫn.
- Sau khi ô mai mận phơi xong, đem cất vào lọ thủy tinh sạch và dùng dần.
Tất nhiên nếu trời mưa, bạn nào có máy sấy hoa quả hoặc lò nướng thì quá tiện, không cần phơi nắng nữa. Với lò nướng bánh, bạn có thể sấy ô mai mận khoảng 4-5 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C. Đợi ô mai mận nguội mới đem cất lọ thủy tinh nhé!
Chúc các bạn thành công!