Nhót hay còn gọi là rau muối là cái tên quen thuộc với người dân Nghệ An. Đây là loại rau mọc dại có thân và lá như cây hoa mười giờ nhưng lại có thể chế biến thành món ăn ngon.
Trước đây, rau nhót chỉ là loại rau dại dùng để cứu đói nhưng nay đã được xếp vào hàng đặc sản. Mỗi một cân rau nhót, bà con có thể thu về từ 15.000đ - 25.000đ, muốn ăn phải đặt trước.
Không cần phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần có rau nhót luộc chín thêm chút gia vị, rắc ít lạc rang giã dập lên bên trên là thành món thanh mát, già trẻ, lớn bé ai cũng thích.
Ngoài dùng như một món ăn đưa cơm, rau nhót còn được ăn kèm với bánh mướt, bún lá hoặc xem như một món lai rai trong những dịp gặp mặt, hội ngộ.
Đĩa nộm với vị chua ngọt hài hòa, béo bùi của lạc rang, thanh mát của rau nhót khiến người ăn một lần nhớ mãi. Hãy cùng tham khảo cách làm nộm rau nhót siêu đơn giản mà Bếp Eva chia sẻ dưới đây.
Nguyên liệu cần có
- Rau nhót: 1 - 2 mớ (tùy vào số lượng thành viên trong gia đình)
- Lạc rang giã dập: ½ bát nước chấm
- Đường
- Lá chanh
- Ớt tươi: 2 - 3 quả (nếu không ăn được cay thì giảm bớt)
- Giá: 100g
- Cà rốt: 1 củ
- Chanh tươi: 2 quả
- Mì chính
Cách làm nộm rau nhót
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Rau nhót: Rau mua về bạn đem rửa thật sạch rồi để cho ráo nước.
Cà rốt: Gọt vỏ, bào thành sợi.
Lá chanh: Rửa sạch thái chỉ
Giá: Rửa sạch, chần sơ qua nước nóng. Lưu ý, không chần giá quá chín vì như thế giá sẽ mềm nhũn không ngon.
Bước 2: Luộc rau nhót
Phần rau nhót sau khi làm sạch bạn đem luộc chín rồi vớt ra ngâm ngay vào nước lạnh. Phương pháp này sẽ giúp giữ cho rau được xanh và giòn ngon.
Khi rau đã nguội, bạn dùng tay vắt rau nhót thật kỹ để loại bỏ bớt phần nước thừa.
Bước 3: Nộm rau nhót
Bạn cho rau nhót đã vắt nước vào bát tô. Lần lượt cho vào đây giá đã chần sơ, lá chanh thái chỉ, cà rốt bào sợi, nước cốt chanh, đường, mì chính cùng nước cốt chanh rồi trộn đều lên.
Dùng tay trộn sẽ giúp rau ngấm gia vị tốt hơn. Lưu ý, bạn cần thử rau nhót rồi mới nêm thêm muối. Bởi bản thân rau nhót đã có vị hơi mặn, nên nếu không thử qua rất dễ khiến món ăn trở nên “mặn đắng mặn cay”.
Bước 4: Hoàn thành
Rau nhót sau khi trộn xong để khoảng 20 phút cho ngấm thì gắp ra đĩa, rắc lạc rang lên trên. Món nộm giòn ngon, thanh mát khiến bạn khó có thể cưỡng lại. Phần rau nhót chín tới rất giòn, màu xanh đẹp mắt. Lạc rang bùi béo, lá chanh thơm đặc trưng, cà rốt, giá đỗ giòn sần sật ăn cực “cuốn”.
Yêu cầu thành phẩm
Rau nhót nộm phải có màu xanh đẹp mắt. Rau, giá và cà rốt vẫn giữ được độ giòn, mát. Gia vị nêm đậm đà có đủ vị chua - mặn - ngọt hòa quyện với nhau. Phần bùi béo của lạc rang sẽ trung hòa các vị cho món ăn của bạn trở nên xuất sắc hơn.
Rau nhót ăn với gì?
Đối với món nộm rau nhót, ngoài cách ăn thông thường, bạn còn có thể dùng kèm với bánh mướt, hoặc bún đều rất hợp.
Ngoài ra, bà con Nghệ An còn có món rau nhót xào cũng rất đưa cơm. Cách làm rau nhót xào không khó, bạn chỉ cần luộc sơ rau nhót lên rồi vắt cho bớt nước. Phi thơm tỏi băm sau đó trút rau nhót vào đảo chung. Nêm một vài giọt xì dầu để món ăn dậy vị.
Nếu có điều kiện thì mua thêm chút mực hay tôm để xào chung là điểm 10 cho chất lượng.