Gan là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ thải độc cho cơ thể. Tất cả các chất độc hại đều được xử lý và bài tiết qua cơ quan này, chính vì thế mà các chỉ số của gan chính là yếu tố quan trọng để đánh giá sức khỏe của con người. Ngoài chế độ sinh hoạt thì ăn uống cũng quyết định rất lớn tới lá gan. Vậy ăn gì để gan khỏe?
Trong y học cổ truyền có câu “xanh vào gan, vàng vào tỳ”, vì thế đậu xanh cũng nằm trong nhóm các thực phẩm dưỡng gan. Loại hạt này giàu protein, chất béo, vitamin, carotene, axit folic… Ước tính, cứ 100g đậu xanh sẽ bổ sung 24g protein, con số này cao hơn cả trứng (13g). Ăn đậu xanh thường xuyên tốt cho cổ họng, làm dịu cơn khát, cải thiện thị lực, hạ huyết áp. Đặc biệt, nó còn được ví như “Vua giải độc tự nhiên”, ăn thường xuyên bổ gan, thanh lọc cơ thể.
Có vô số các món ăn từ đậu xanh như: Chè đậu xanh, nấu xôi, nấu cháo, làm bánh… Dưới đây là một món ngon dễ làm mà cực kỳ bổ dưỡng từ loại hạt này bạn không thể bỏ qua.
Nguyên liệu
- Đậu xanh
- Trứng gà
- Thịt nạc băm
- Hành khô băm nhỏ
- Hành lá
- Muối, xì dầu, dầu hào, dầu ăn
Cách làm
1. Đậu xanh mua về vo với nước thật sạch rồi ngâm trong nước chừng 4 tiếng.
Đậu xanh khi ngâm đủ thời gian bạn xả sạch với nước rồi cho vào máy xay. Thêm vào đây 1 lượng nước thích hợp rồi xay cho tới khi đậu nhuyễn hòa vào nước.
2. Đổ hỗn hợp nước đậu xanh vừa xay vào trong chảo chống dính rồi bật bếp lên đun với ngọn lửa lớn.
Trong quá trình đun, bạn nhớ dùng thìa/đũa khuấy đều tay để đậu xanh chín và không bị dính đáy. Quan sát thấy nước đậu xanh bắt đầu sôi lăn tăn thì cho 2 thìa bột năng cùng đường trắng vào. Tiếp tục đảo đều cho tới khi hỗn hợp đậu xanh và bột năng sệt lại thì tắt bếp và múc ra bát to.
3. Đập 4 quả trứng gà vào bát to, thêm vào đây lượng nước gấp đôi lượng trứng rồi khuấy đều theo 1 chiều. Đổ trứng qua rây lọc để loại bỏ hết phần bọt. Cách làm này sẽ giúp trứng khi hấp chín sẽ mềm, mịn hơn.
4. Trút phần trứng vào bát bột đậu xanh và khuấy đều để cả hai quyền vào nhau tạo thành 1 hỗn hợp sánh mịn.
Dùng giấy bạc đậy kín miệng bát sau đó đặt lên xửng hấp. Để lửa to khoảng 8 phút là chín.
5. Đun nóng dầu ăn, cho thịt nạc băm cùng hành khô vào xào tới khi thịt có mùi thơm thì nêm muối, xì dầu, dầu hào. Đảo đều tay rồi thêm 1 chút nước. Đun tới khi thịt chín, nước sốt sệt lại thì tắt bếp.
6. Nhấc bát đậu xanh trứng đã hấp chín ra, rưới phần thịt băm cùng nước sốt đã xào và hành lá thái nhỏ lên trên là hoàn thành.
Món bánh đậu xanh thịt băm này thơm ngon, bùi béo lại đậm đà và giàu dinh dưỡng.
Đậu xanh được ví là “vua thải độc tự nhiên” giá rẻ, dễ mua, chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bạn nên ăn 2 lần/tuần để dưỡng gan, giải độc, nuôi dưỡng làn da và cơ thể. Đậu xanh nấu chè, nấu cháo thì đã quá quen, bạn có thể biến tấu theo công thức trên dù người lớn hay trẻ nhỏ đều mê tít.
Một số lưu ý khi chế biến các món từ đậu xanh
Trong quá trình chế biến các món ăn từ đậu xanh chắc hẳn bạn đã có không ít lần thấy hạt đậu bị chuyển màu đỏ nâu trông kém bắt mắt. Xét từ góc độ dinh dưỡng, việc đậu xanh bị đổi màu không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, về khía cạnh thẩm mỹ thì món ăn trông không được hấp dẫn.
Để giữ cho đậu xanh có màu đẹp mắt, bạn cần chú ý một vài điểm cơ bản sau:
1. Đậu xanh sau khi ngâm bạn rửa sạch, để ráo, cho vào tủ lạnh cấp đông rồi mới đem đi nấu.
2. Tuyệt đối không ninh, hầm đậu xanh bằng nồi sắt vì dễ sinh ra phản ứng hóa học khiến đậu chuyển màu đỏ. Nên sử dụng nồi inox, nồi nhôm hoặc nồi hầm điện chuyên dụng.
3. Trong quá trình nấu, bạn vắt thêm vài giọt nước cốt chanh vào như thế đậu xanh sẽ không bị chuyển màu đỏ. Bạn cũng có thể thêm baking soda, đậu xanh vừa có màu đẹp lại nhanh mềm, nhừ.