Nhắc đến các món ăn trên mâm cỗ ngày Tết của người Việt chắc chắn không thể không nói tới giò thủ hay có nơi còn gọi là giò xào, giò mỡ. Đây là món ăn ngon, dễ làm mà người lớn hay trẻ nhỏ đều thích mê. Cách làm giò thủ không quá khó, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cùng vài thao tác cơ bản là bạn đã có ngay một khúc giò thủ dẻo ngon, giòn sần sật, đảm bảo ai ăn cũng tấm tắc khen.
Nguyên liệu làm giò thủ
Để làm giò thủ ngon, các chị em nên chọn những phần thịt ở đầu của con lợn như: Má, tai, thịt chân giò và lưỡi. Cụ thể:
- Tai lợn: 800g
- Má lợn: 400g
- Thịt chân giò: 800g
- Lưỡi lợn: 600g
- Mộc nhĩ: 200g
- Các loại gia vị: Hạt tiêu xay vỡ, nước mắm ngon, giấm ăn
- Lá chuối tươi
- Khuôn làm giò thủ
Hướng dẫn cách làm giò thủ đơn giản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Tai lợn, má lợn, lưỡi lợn cùng thịt chân rửa thật sạch.
- Đun nước sôi sau đó cho vào đây 1 thìa muối. Thả lưỡi lợn vào chần sơ, kiểm tra thấy lớp màng trắng bên trên bề mặt lưỡi bong ra, có thể cạo sạch là được. Nhấc lưỡi lợn ra cạo bỏ phần màng trắng rồi rửa lại với nước cho thật sạch.
- Thái lưỡi, tai, má lợn cùng thịt chân giò thành từng miếng vừa ăn. Chú ý, không nên thái quá dày khi bó giò sẽ không ngon. Ngoài ra, nên thái thành bản dài, mỏng, tránh thái vụn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của giò thủ.
- Dù áp dụng cách làm giò thủ nào bạn cũng không thể bỏ qua mộc nhĩ hay có nơi còn gọi là nấm tai mèo. Phần nấm này đã được phơi khô nên bạn hãy ngâm cho thật nở, cắt bỏ gốc, rửa sạch rồi thái mỏng.
Bước 2: Ướp nguyên liệu
Để giò thủ đậm đà, thơm ngon thì khâu ướp nguyên liệu là cực kỳ quan trọng. Lần lượt cho các loại thịt lợn đã chuẩn bị vào bát. Nêm vào đây nước mắm, hạt nêm và gia vị rồi đảo đều và ướp chừng 30 phút cho các nguyên liệu ngấm gia vị.
Bước 3: Xào chín nguyên liệu
- Bắc chảo lên bếp rồi thêm dầu ăn vào đun nóng.
- Trút phần nguyên liệu đã ướp vào đảo đều tay tới khi các phần thịt chín đều.
- Nêm nếm lại để đảm bảo thịt đậm đà, vừa miệng. Trong quá trình xào, bạn cần để lửa to, đảo đều tay để thịt chín săn lại, thơm ngon hơn.
- Cho mộc nhĩ đã thái nhỏ vào đảo cùng tới khi các nguyên liệu chín thì rắc hạt tiêu xay vỡ ra, đảo đều và tắt bếp.
Bước 4: Ép khuôn giò thủ
Ngoài khâu ướp gia vị thì trong cách làm giò thủ, kỹ thuật ép khuôn đóng vai trò quan trọng. Nếu không biết cách làm sẽ khiến cho giò trở nên rời rạc, không kết dính với nhau.
Thịt vừa xào xong, bạn khéo kéo lót lá chuối ở trong lòng khuôn và dùng thìa xúc thịt đã xào rồi cho vào đây. Chú ý, để giỏ thủ dẻo dền, mỗi lần thêm thịt bạn nhớ dùng thìa ấn chặt nguyên liệu xuống. Lần lượt thực hiện cho tới khi hết nguyên liệu.
Giò thủ sau khi ép khuôn xong bạn nên để cho thật nguội rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Khoảng 5 - 6 tiếng là giò dẻo dền có thể đem thái miếng và thưởng thức. Món giò thủ dẻo ngon, giòn sần sật, thơm mùi nước mắm, cay nồng của tiêu xay ăn cực kỳ ngon.
Nếu Tết này bạn muốn tự tay làm giò thủ chiêu đãi các thành viên trong gia đình thì hãy thử cách làm giò thủ mà Bếp Eva vừa chia sẻ nhé. Chúc bạn thành công!