* Quan điểm trong bài viết là quan điểm cá nhân, chỉ mang tính tham khảo
Loan lấy chồng được hơn một năm nhưng cô luôn cảm thấy may mắn vì mình không phải ở nhà chồng. Lý do rất đơn giản là bởi gia đình chồng không phải ở thành phố trong khi cô và chồng đều lập nghiệp tại nơi này. Sau khi cưới nhau được hơn 1 năm, cả hai dùng tiền tích cóp trong thời gian đi làm mua luôn 1 căn chung cư xinh xắn để an cư lạc nghiệp. Dù vẫn còn nợ ngân hàng một khoản nhưng với mức thu nhập của hai hai vợ chồng cô thì chỉ vài năm là có thể trả hết.
Trước đây nghe bạn bè, nhiều người xung quanh kể chuyện cảnh làm dâu khiến Loan rất lo lắng và dần dần trong lòng vô cùng bài xích việc sống chung với nhà chồng. Tuy nhiên, đến giờ, sau khi có nhà riêng, một tổ ấm nhỏ của chỉ hai vợ chồng, cô cảm thấy nhẹ nhõm biết bao. Mặc dù bản thân Loan cũng nhận thấy mẹ chồng mình tuy có hơi cổ hủ một chút xong bà cũng không có gì hà khắc.
Thỉnh thoảng rảnh rỗi hai vợ chồng lại bắt xe về thăm ông bà hai bên nội ngoại, cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng trôi đi vô cùng dễ chịu. Cho đến khi mẹ chồng cô ra ngoài này khám bệnh, ở chung với nhau 1 tuần, cô bắt đầu cảm thấy đúng là không ở chung thì thôi, ở gần nhau kiểu gì cũng phát sinh mâu thuẫn.
Chẳng là tuần trước, mẹ chồng gọi điện muốn đi khám tổng quát vì cảm thấy người mệt mỏi, không muốn ăn, thường xuyên chóng mặt. Vợ chồng cô cũng lo lắng đón bà lên đưa đi khám. Bác sĩ kết luận do bà bị rối loạn tiền đình, huyết áp lại tăng nên gây ra mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi. Vì thế, chồng cô giữ bà ở lại 1-2 tuần để chăm sóc. Khi nào sức khỏe ổn định hơn thì đưa bà về.
Trước đây chỉ có 2 vợ chồng, cứ bận bịu là Loan rủ chồng ra hàng hoặc mua đồ ăn sẵn về thưởng thức. Loan cũng không phải là người khéo léo nấu nướng nên cô cũng ít vào bếp. Nhưng giờ có mẹ chồng nên không thể ngày nào cũng đặt đồ ăn hoặc đưa bà ra hàng. Nếu muốn ăn quán bà cũng không thích. Chính vì thế, Loan tất bật hơn bao giờ hết nhưng dù cố gắng đến đâu cơm vẫn có bữa mặn, bữa nhạt. Hơn nữa, Loan không rõ sở thích ăn uống của mẹ chồng nên mỗi khi thấy bà ăn cơm mà không nói gì, lòng cô lại trùng xuống.
Không chỉ thế, mẹ chồng còn thỉnh thoảng góp ý cô không nên lãng phí, bày biện đồ đạc cần gọn gàng ngăn nắp, nấu ăn phải thế này thế kia... làm Loan rất nhức đầu.
Hôm trước, đến ngày đầu tháng Âm lịch, Loan cũng chuẩn bị một ít đồ thắp hương. Loan nghe một người bạn gợi ý, thời buổi này làm gì có thời gian sắm sữa, mua luôn bộ đồ hoa quả nhựa về thắp hương, vừa để được lâu lại tiện, lần sau đỡ phải mua. Thực sự Loan không bao giờ để ý chuyện thắp hương này. Từ nhỏ ở nhà đều do bố mẹ cô làm cả. Còn sau khi lấy chồng, hai vợ chồng cô đều bận bịu, ít khi để tâm. Nhưng vì mẹ chồng ra đây ở một thời gian, cô cũng không muốn bị bà nói thiếu trách nhiệm nên cũng cố mua đồ lễ về.
Nhìn thấy con dâu mang bộ đồ trái cây nhựa về lau rửa rồi định đặt lên ban thờ mẹ chồng cô vội giữ lại. Vì vốn là người rất để ý đến chuyện thờ cúng tổ tiên, thần linh thổ địa trong gia đình nên bà không giữ được bình tĩnh mà mắng cô.
"Sao con lại mua cái này về cúng thế. Làm thế này bị trách phạt có ngày đấy. Mau vứt bỏ ngay đi!".
"Con làm gì có thời gian. Mua đồ sẵn thế này vừa đẹp lại để được lâu. Thờ cúng cốt ở tấm lòng thành thôi mẹ!"
Thấy con dâu vẫn ngang bướng, bà liền lắc đầu nhưng vẫn cố gắng giảng giải:
"Mẹ không phải là người sùng bái. Thờ cúng quan trọng đúng là sự thành tâm, không cần mâm cao cỗ đầy nhưng không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng.
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ trong những ngày này vừa không tôn trọng thần linh, gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy. Vì thế mình nên chọn những loại hoa quả thật mang ý nghĩa tốt lành để thắp hương con ạ!".
Tuy không thích bị mẹ chồng lên lớp xong Loan cũng nghe lời không thắp hương hoa quả giả nữa. Cô vội chạy xuống siêu thị dưới nhà, mua ít hoa quả tươi và hộp bánh để bày lên ban thờ. Có lẽ sau này cô cần để ý hơn đến một vài lưu ý khi chuẩn bị hoa quả lễ thắp hương trong nhà.
Những điều cần tránh khi bày hoa quả thắp hương ngày Rằm, đầu tháng, ngày Tết:
1. Bày hoa quả giả
Ngày nay, hoa quả giả được bày bán rất nhiều lại đẹp mắt, nhìn thoáng qua trông giống thật vô cùng tuy nhiên tuyệt đối không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng.
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ trong những ngày này vừa không tôn trọng thần linh, gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy. Do đó, gia chủ nên chọn những loại hoa quả thật mang ý nghĩa tốt lành, đủ màu sắc để đặt lên mâm ngũ quả.
2. Bày hoa quả bị ướt
Do tính cẩn thận, nhiều người thường rửa sạch sẽ hoa quả rồi mới bày lên thắp hương. Tuy nhiên, nếu rửa xong mà hoa quả còn ướt sẽ khiến chúng nhanh bị thối, hỏng. Vì thế, rửa hoa quả xong cần thấm khô hoàn toàn rồi mới bày biện, chỉ cần một chỗ còn đọng nước cũng khiến quả hỏng.
Do đó, tốt nhất, hoa quả mua về có thể dùng khăn giấy mềm lau nhẹ nhàng hết lớp bụi bẩn bên ngoài là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hay mốc xanh, có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều sẽ cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.
3. Bày quả có gai, nặng mùi
Những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa... là những loại quả kiêng kỵ đặt trên ban thờ. Hơn thế, mít, sầu riêng lại rất nặng mùi. Theo quan niệm của người xưa, ban thờ là nơi thiêng liêng không nên để những gì quá nặng mùi, sắc nhọn. Vì vậy, khi chuẩn bị mâm quả thắp hương, bạn nên chọn những trái cây có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát là được.
4. Bày thêm các thực phẩm khác lên mâm quả
Theo quan niệm của người Việt, không nên bày hoa hay bánh kẹo chung lên mâm ngũ quả bởi như vậy được coi là phạm úy, đắc tội với bề trên, thánh thần. Hoa, bánh kẹo chỉ nên bày bên cạnh mâm ngũ quả hoặc bên đĩa hoa quả mà thôi.
5. Không bày quả quá chín
Những quả quá chín cũng không nên bày lên ban thờ. Những quả này tuy mùi thơm hơn bình thường xong nó lại nhanh hỏng. Nhiều nhà thắp hương xong để 2-3 hôm sau mới hạ lễ, khiến những quả này có thể thối bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến sự linh thiêng của ban thờ.