Nước dùng riêu cua thường để nấu bún, nấu lẩu ăn có vị chua chua, thơm nức mũi. Đặc biệt riêu cua béo ngậy, bổ dưỡng xuất hiện trong nồi nước dùng khiến món ăn ngon hơn bao giờ hết. Vào những ngày cuối tuần, chúng ta có thể nấu một nồi nước dùng riêu cua chất lượng để cả nhà ăn bún hay lẩu đều rất hấp dẫn.
Tuy nhiên để nấu được nước dùng riêu cua ngon và riêu đóng tảng lại không hề đơn giản. Nhiều người dù cố gắng vẫn khiến riêu bị tan ra, nát trong nồi.
Là một bà mẹ đảm đang, dù rất bận bịu công việc nhưng chị Trần Loan (Hòa Bình) vẫn dành thời gian để vào bếp 3 bữa trong ngày. Ngoài những bữa cơm chính, 9X còn chịu khó mày mò làm bánh, các món tráng miệng cho chồng con thưởng thức. Mới đây, chị chia sẻ cách nấu nước dùng riêu cua mà riêu đóng tảng không bị tan trong nồi khiến rất nhiều chị em thích thú, quan tâm. "Nồi bún riêu hay lẩu riêu cua mà từng cục thịt cua nổi bồng bềnh nhìn vừa đẹp mắt lại ngon miệng", chị Loan nói.
Chị Trần Loan
Dưới đây là bí quyết nấu nước dùng riêu cua của chị Trần Loan, các bạn có thể tham khảo:
Chuẩn bị:
- Cua đồng
- Hành khô, cà chua, nước mắm, giấm bỗng hoặc giấm táo, dầu màu điều (tạo màu cho đẹp), đậu phụ rán
- Rau thơm ăn kèm: hoa chuối, rau muống chẻ, tía tô, xà lách, hành lá...
Cách làm:
Bước 1: Xay và lọc cua
- Cua mua về làm sạch, bóc mai, khều riêng gạch ở mai rồi để riêng ra bát.
- Bỏ phần cua làm sạch vào máy xay, thêm xíu muối cùng chút nước rồi thật kỹ. Sau khi xay xong, cho cua đã xay vào một âu lớn, thêm khoảng 1 lít nước vào khuấy đều rồi đem lọc cua. Sau khi lọc xong bạn nên lọc thêm từ 2-3 lần để loại bỏ hoàn toàn cặn, bã cua.
Nếu cua giã tay được thì càng ngon nhưng nếu không có thời gian bạn có thể chọn cách xay cua như thế này. Nước cua lúc này thu được hoàn toàn rất sạch, không còn cặn sạn.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Phi thơm hành khô với chút dầu ăn rồi cho cà chua thái nhỏ cùng một chút nước mắm. Đảo một lúc thì cho thêm 1 muôi nước vào đun cho cả chua chín mềm, ngấm mắm. Sau đó cho riêng cà chua ra bát.
- Đổ nước cua đã lọc lên bếp, đun lửa nhỏ. Đây là công đoạn bạn cần lưu ý để riêu cua có thể đóng tảng, không nát. Vừa đun vừa khuấy nhẹ cho thịt cua nổi dần lên. Khi nồi nước cua bắt đầu sôi thì nhanh tay lấy muôi thủng hớt thịt cua ra một bát riêng. Phần thịt cua này để lúc sau cho vào nồi nước dùng sẽ nổi lên rất đẹp mắt. Bí quyết khiến riêu đóng tảng này bạn hãy ghi nhớ nhé.
- Tiếp tục, đổ phần cà chua đã xào vào nồi nước cua đun sôi, có thể cho thêm nước, đun sôi lại, thả đậu phụ rán vào, nêm nếm vừa ăn. Lúc này bạn có thể cho thêm 2 thìa giấm táo để nước dùng riêu cua có vị chua thanh. Hoặc đơn giản hơn là dùng giấm bỗng thay giấm táo, nói chung tùy khẩu vị mỗi người.
- Phi hành khô cho thơm, cho gạch cua vào xào thơm rồi cho bát gạch cua xào vào nồi nước dùng. Bước này quyết định vị thơm đặc trưng của nước dùng riêu cua.
- Để có màu đỏ đẹp cho nồi nước dùng, thêm 1 thìa dầu màu điều.
- Lúc này, thả thịt cua đã hớt lúc trước vào nồi nước dùng là xong.
Nếu ăn lẩu, thì cho nồi nước dùng ra nồi lẩu, vừa đun sôi vừa nhúng với các nguyên liệu.
Còn nếu ăn bún, thì chan nước dùng vào bát bún đã chần sẵn, rắc hành lá thái nhỏ, bạn có thể thêm giò tai, chả vào tùy sở thích. Lẩu riêu hay bún riêu đều ăn kèm các loại rau thơm như hoa chuối, xà lách, tía tô thái nhỏ...
Chúc các bạn thành công!