Giá đỗ là một loại rau mầm giá rẻ nhưng ngon và bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích. Giá đỗ có thể ăn sống, đem xào với các loại thực phẩm, hoặc làm nhân của một số món như nem rán, nhân bánh hay nấu canh cũng rấy hấp dẫn. Bình thường giá đỗ được bán rất nhiều ở các hàng rau ngoài chợ, tuy nhiên ngay tại nhà bạn cũng có tự làm giá đỗ cho cả nhà thưởng thức, vừa ngon vừa sạch không sợ bị sử dụng chất kích thích tăng trưởng.
Là một bà mẹ đảm đang, thường xuyên vào bếp nấu ăn, chị Trần Thu (Nam Định) thỉnh thoảng làm giá đỗ cho gia đình. Làm giá đỗ có nhiều cách khác nhau, chẳng hạn sử dụng hộp giấy, khăn, giấy, rá, nồi đất nung hay bằng cắt, bao tải dứa... Mỗi cách cũng có ưu nhược điểm khác nhau. Chỉ cần điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp sẽ cho những mẻ giá đỗ ngon. Riêng chị Trần Thu, chị lại tận dụng túi lưới, loại túi sử dụng để bọc bưởi da xanh hay bọc tỏi, hành.
Chị Trần Thu
Chị cho biết, khi ăn xong bưởi da xanh, hoặc hành tỏi thì không nên vứt túi lưới này đi. Trước tiên, đem giặt sạch túi này rồi cất đi, chắc chắn có lúc dùng đến. Đúng đợt dịch COVID-19, càng có lý do để hạn chế việc đi chợ, chị sử dụng túi lưới để làm giá đỗ, mà đỗ chị sử dụng là đỗ đen. Giá đỗ đen cũng rất ngon, tốt không kém gì giá đỗ xanh.
Nếu cũng phải thực hiện giãn cách xã hội và không thể đi chợ, bạn có thể tham khảo cách làm giá đỗ đen bằng túi lưới như của chị Trần Thu dưới đây:
Chuẩn bị:
- Túi lưới
- Đỗ đen (hoặc đỗ xanh)
- Chậu, rổ
Cách làm:
Bước 1: Ngâm đỗ đen
Đỗ đen to và cứng hơn đỗ xanh nên khâu ngâm nước cũng lâu hơn. Đem ngâm nước bình thường 20 tiếng đỗ mới nứt nanh.
Nếu dùng đỗ xanh chỉ cần ngâm khoảng 8-12 tiếng là được.
Bước 2: Chăm sóc
- Cho đỗ đen đã ngâm nước vào túi lưới, dùng nút cột chặt lại.
Ngâm nước vòi nhiệt độ phòng mùa nóng 20 tiếng. Bạn nào muốn rút ngắn thời gian ngâm thì pha nước 3 sôi 2 lạnh, tầm 5-8 tiếng.Cho đỗ vào túi lưới, cột chặt lại. Để vào chậu có lót bên dưới tránh đọng nước - Giá đỗ ngày 1
- Sau đó cho túi lưới chứa đỗ đen để vào 1 cái chậu có lót sẵn rổ cho khỏi đọng nước phía dưới. Nếu không lót rổ, nước đọng ở chậu sẽ làm đỗ bị thối. Cho chậu vào trong chỗ tối.
Giá ngày 2
- Hàng ngày ngâm túi đỗ vào chậu nước sạch 3 lần, mỗi lần 5-7 phút và kiểm tra độ nảy mầm để nới nút cột túi. Nếu làm giá đỗ xanh chỉ cần ngâm mỗi ngày 2 lần.
- Đến ngày thứ 3 thì không nới nút ra nữa để giá được mập hơn. Nếu thích giá ngắn thì cuối ngày thứ 3 là thu hoạch được.
Giá ngày 3
Còn nếu muốn giá dài hơn thì bạn có thể để sang ngày thứ 4 nhé!
Giá ngày 4
- Khi thu hoạch giá, xoa tay phía dưới túi giá (hoặc dùng kéo cắt) cho rễ giá rụng bớt đi rồi lộn ngược túi ra là lấy được giá một cách dễ dàng.
Giờ bạn chỉ việc sử dụng giá để chế biến thôi!
Món mì tôm nấu giá đỗ đen của chị Thu. Chúc các bạn thành công!