Dưa cải muối là món ăn quốc dân, nó được sử dụng làm đồ ăn kèm hoặc nguyên liệu chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Thường dưa cải muối sẽ được ăn kèm với thịt kho, thịt luộc hoặc kho chung với cá, xào thịt, nấu canh…
Tùy vào thói quen ăn uống của mỗi gia đình mà lựa chọn mua sẵn hoặc tự muối dưa cải tại nhà. Tôi đã từng có không ít lần muối dưa cải bị khú, nổi váng trắng. Khi ấy cứ đổ lỗi do dùng nước máy hay rau chưa khô đã đem muối. Mãi sau này khi gặp cậu bạn đầu bếp mới biết hóa ra mình đang làm sai.
Cậu bạn này cho tôi biết, cách làm dưa cải muối chua thực ra rất đơn giản. Chỉ bằng việc sử dụng muối và thêm chút rượu gạo dưa sẽ vàng ươm và để cả năm cũng không hỏng.
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cách muối dưa cải lần nào cũng vàng ngon bạn đừng bỏ lỡ.
Nguyên liệu cần có:
- Rau cải: 5kg
- Muối ăn
- Rượu gạo
Cách muối dưa cải để lâu không hỏng
1. Rau cải nhặt bỏ phần lá sâu, vàng rồi rửa nhiều lần với nước cho sạch hết đất cùng cặn bẩn.
Ngâm rau cải trong nước muối loãng khoảng 5 phút thì vớt ra cho ráo nước. Cách làm này sẽ lấy đi toàn bộ cặn bẩn cùng thuốc trừ sâu còn sót lại trên rau.
Bạn có thể treo rau cải lên dây phơi cho nhanh ráo nước để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng phơi rau quá lâu vì như thế sẽ khiến mùi vị của rau cải bị biến đổi, mất đi vị giòn ngon vốn có.
2. Rau sau khi sơ chế xong bạn đem đi trộn cùng với muối. Lưu ý, không cho quá nhiều muối. Với lượng rau cải đã chuẩn bị bạn chỉ cần dùng khoảng 300g muối ăn là đủ.
Tỷ lệ muối sẽ quyết định đến độ ngon của dưa. Nếu bạn cho quá nhiều, dưa sẽ bị mặn. Trường hợp cho quá ít, dưa dễ bị khú, nhanh hỏng.
Với món dưa cải muối này bạn có thể thêm một chút hạt tiêu vào để tăng thêm hương vị.
3. Rắc muối lên bên trên lớp rau cải. Dùng tay xoa thật đều cho muối bám lên bề mặt rau. Thực hiện lần lượt cho tới khi hết nguyên liệu.
4. Hũ để đựng dưa nên làm từ sành hoặc bình thủy tinh. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nên trụng qua nước sôi và lau khô. Chờ tới khi bình khô hoàn toàn thì xếp từng cây cải vào. Mỗi lớp rau cải bạn cần nén thật chặt, tránh để quá nhiều khe hở.
5. Rót 1 chút rượu gạo vào hũ dưa. Loại đồ uống này sẽ giúp dưa thơm và bảo quản được lâu hơn.
6. Cuối cùng, trải 1 lớp màng bọc thực phẩm lên trên miệng hũ dưa rồi đậy nắp lại. Đặt bình dưa muối ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để bình dưa ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh ảnh hưởng đến quá trình lên men của món ăn. Dưa muối nguyên cây kiểu này để khoảng 20 ngày là có thể mang ra thưởng thức.
7. Khi ăn, bạn vớt dưa ra rửa qua nước sạch, thái nhỏ rồi đem xào hoặc nấu canh, kho cá…đều rất ngon.
Khi ăn, bạn vớt ra rửa lại bằng nước sạch, thái nhỏ rồi xào chín, rất thơm ngon.
Một số lưu ý khi ăn dưa cải muối
1. Những món đồ muối chua này không thực sự tốt cho sức khỏe vì thế bạn tránh ăn quá nhiều. Ngoài ra, phải muối đủ 20 ngày mới đem ra thưởng thức.
Bởi trong dưa cải muối có nồng độ nitrit rất cao. Thường chúng sẽ đạt đỉnh khi ngâm khoảng 7 ngày và bắt đầu giảm vào ngày thứ 9. Về cơ bản, sau 20 ngày muối chua thì nồng độ nitrit đã giảm đáng kể nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.
2. Dưa muối có thể ăn trực tiếp nhưng bạn nên rửa qua và đem xào chín với các loại thịt cá như thế sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
3. Dưa muối kiểu này để được rất lâu, tối đa là 1 năm. Tuy nhiên, bạn cũng cần bảo quản dưa đúng cách, tốt nhất là để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.