Ngày ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ vô cùng quan trọng trong năm. Theo phong tục cổ truyền của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm các Táo sẽ cưỡi cá chép để bay lên Thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng về những điều tốt, xấu của gia chủ đã thực hiện trong năm vừa qua, từ đó mà Ngọc Hoàng sẽ ban phúc lành hay không cho các gia đình.
Chính vì thế, hàng năm, cứ đến dịp này, người người nhà nhà lại chuẩn bị những lễ vật cùng mâm cỗ tươm tất để thể hiện tấm lòng thành kính, tiễn ông Táo về trời.
Dưới đây là một số gợi ý về các món ăn nên cúng giúp gia chủ có thể "lấy lòng" ông Công ông Táo, để được may mắn cả năm. Thực chất các món cúng ông Táo đều là những món ăn ngày Tết, có cách làm đơn giản nhưng hương vị thơm ngon.
- 1 con gà trống luộc nguyên con, chéo cánh ngậm hoa (có thể thay thế bằng đĩa thịt lợn luộc nguyên miếng).
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa giò
- 1 cái bánh chưng đã bóc vỏ
- 1 bát canh măng (hoặc bát canh khác theo từng địa phương)
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa nem rán
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa thịt nấu đông
- 1 bát gạo
- 1 đĩa muối trắng
Tham khảo cách làm một số món để cúng ông Công ông Táo:
1. XÔI GẤC
Từ lâu, các món ăn từ gấc có màu đỏ đều có ý nghĩa mang lại may mắn cho những ai thưởng thức như bánh chưng gấc, xôi gấc, bánh nếp gấc, bánh phu thê gấc... trong đó xôi gấc rất phổ biến.
Nguyên liệu: - 2 chén nếp - 150gr thịt gấc (mình dùng gấc đông lạnh) - 70gr đường - 1/4 muỗng cà phê muối - 1 muỗng canh dầu ăn - 1 muỗng canh rượu - 100ml nước cốt dừa.
Cách làm:
Nếp vo sạch ngâm với nước ấm ít nhất 4 tiếng hay qua đêm. Gấc cho vào chén cùng với dầu và rượu dầm nhuyễn, lược qua rây cho mịn.
Nếp đổ ra rổ xả qua nước lạnh. Cho nếp vào xửng hay rổ hấp, trộn gấc đã lược nhuyễn vào cùng muối, mang bao tay trộn đều. Nấu 1 nồi nước sôi, cho xửng nếp vào hấp 10 phút. Qua 10 phút cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều và hấp tiếp 5-7 phút. Tiếp tục cho nước dừa còn lại vào trộn đều hấp 5 phút. Cuối cùng cho đường vào xới chung hấp 7-8 phút nữa là tắt bếp. Xôi gấc cốt dừa cho vào khuôn ấn mạnh, úp ra đĩa.
2. GÀ LUỘC
Chuẩn bị:
- Gà ta (trống hay mái tùy ý): Khoảng 1.5kg - 1.8kg
- Gừng, hành khô, mỡ gà đã rán chín, ít nghệ tươi
Cách làm:
- Sơ chế: Thông thường, để có một con gà cúng đẹp, dù là chặt miếng hay cúng nguyên con thì cũng nên mổ moi. Để gà không bị hôi mùi lông sau khi luộc, sau khi mổ, rửa kỹ lại gà kể cả ngoài hàng đã làm thịt sạch sẽ. Dùng vài muỗng muối hạt xoa nhẹ nhàng lên thân từ trên xuống dưới không nên chà xát quá mạnh sẽ khiến lớp da bị rách đến lúc luộc sẽ không còn đẹp nữa.
Cho gà nghỉ khoảng 5 phút rồi xả lại bằng nước lạnh, ngoài tác dụng khiến cho gà sạch hơn thì một phần muối sẽ thấm vào giúp da sau khi luộc sẽ trở nên giòn hơn. Sau đó để gà trên rổ ráo nước.
- Buộc chéo cánh: Buộc gà chéo cánh trước khi luộc. Cách buộc gà chéo cánh như sau: Dựng đứng phẩn cổ gà lên rồi ép nó về phía lưng gà. Đan chéo 2 cánh gà về phía trước sao cho phần khớp chạm nhau sau đó phải dùng dùng dây để buộc cố định lại cánh gà. Bạn có thể chọn dây dù hoặc dây len để buộc. Tiếp theo, bạn dùng dao khứa nhẹ 1 đường ở phần khuỷu chân gà rồi bẻ quặt vào bụng hoặc cho lên lưng. Như vậy, lúc này con gà đã có dáng rất đẹp và tự nhiên.
- Luộc gà: Chọn một chiếc nồi phù hợp với kích cỡ của gà. Không chọn nồi quá nhỏ làm nước dễ bị trào khi sôi và rất khó lật gà.
Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà. Lưu ý không dùng nước nóng để luộc gà vì làm như vậy gà sẽ bị nứt da, thịt khô không ngon.
Bên cạnh đó, nên úp phần bụng gà xuống dưới, phần lưng hướng lên trên, làm như vậy nước sẽ ngập hết phần đùi gà, làm gà chín nhanh và đều hơn. Nếu để con gà nằm ngửa, chân và đùi hướng lên trên, nước không ngập đến sẽ bị sống phần này. Hơn nữa, úp gà xuống dáng gà cúng cũng sẽ đều và cân đối hơn.
Cho nồi gà lên bếp, bật lửa, đun sôi lăn tăn thì để lửa nhỏ, không để sôi sùng sục làm gà bị nứt da. Thỉnh thoảng hớt bọt, để như vậy khoảng 7-8 phút.
Lúc này nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập dập rồi thả vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp 5 phút nếu là gà non để cúng, 10 phút với gà luộc để ăn. Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút (để kiểm tra xem gà chín chưa có thể dùng đầu đũa hoặc tăm nhọn chọc vào gà, nếu đũa/tăm đâm xuyên dễ dàng, nước ứa ra không có màu đỏ là đã chín). Thực tế, thời gian luộc gà tùy theo cân nặng, bạn sẽ phải ước lượng thời gian luộc phù hợp với con gà.
Muốn da gà vàng và bóng hơn, hãy giã nát củ nghệ rồi vắt lấy nước trộn mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp hỗn hợp này dàn đều lên phần da gà khi đã ráo nước. Làm như vậy, gà luộc sẽ trông thật vàng ươm, bóng bẩy và căng mượt nhìn thật hấp dẫn. Không nên cho quá nhiều nghệ sẽ làm ảnh hưởng tới hương vị của gà luộc.
Sau đó tháo dây buộc gà. Nếu cúng ván xôi với gà thì để nguyên con. Còn nếu làm mâm cỗ mặn thì có thể chặt miếng rồi bày ra đĩa nhé.
3. CANH MĂNG
Nguyên liệu:
- Măng: 500gr (tùy theo sở thích có thể chọn măng lá, măng lưỡi lợn…) - Móng giò: 1 cái - Xương: 300gr - Gia vị, muối, nước mắm - Hành củ
Thực hiện: Măng rửa sạch, ngâm qua đêm (có thể ngâm 2, 3 đêm, thay nước hàng ngày) cho măng nở hết. Măng sau khi đã ngâm nở, xé nhỏ hoặc thái miếng tùy ý. Luộc măng với nước lạnh, nước ngập mặt, luộc vài lần cho đến khi nước luộc măng trắng thì dừng, vớt ra xả với nước lạnh cho sạch. X
ào sơ măng với chút muối và nước mắm cho sợi măng ngấm gia vị. Móng giò, xương rửa sạch sẽ, xát muối cho hết mùi, sau đó đem trần sơ với nước lạnh để nước dùng được trong.
Cho móng và xương vào nước, ninh trong khoảng 30 phút, nếu có bọt thì hớt hết bọt để nước dùng được trong. Tiếp tục cho măng đã xào sơ vào nồi xương và móng để ninh đến khi măng mềm, móng chín nhừ là được. Nêm nếm lại gia vị để canh măng khô móng giò vừa miệng ăn và tắt bếp.
4. NEM RÁN
Trong mâm cỗ ngày Tết của hầu hết các gia đình đều có món nem rán (có nơi gọi là chả giò. Nó không chỉ là một món ăn đơn thuần mà là món ăn truyền thống, thể hiện sự đầm ấm, sum vầy trong mỗi gia đình. Cách làm nem rán không quá khó nhưng đòi hỏi nhiều bí quyết để khiến nem vàng, giòn, thơm nức và lâu ỉu.
Nguyên liệu:
- Thịt xay: 300g
- Miến rong: 30g
- Mộc nhĩ: 2 tai
- Trứng vịt: 2 quả
- Giá đỗ: 80g
- Su hào: 1 củ
- Cà rốt: 2 củ nhỏ
- Hành tây: 1 củ nhỏ
- Vỏ bánh đa nem: 2 thếp
- Hành lá, chanh, ớt, tỏi, rau xà lách, rau thơm các loại
- Muối, tiêu, bột nêm, đường, giấm, nước mắm, dầu ăn.
Cách làm:
- Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, thái sợi sau đó cắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra cho ráo nước rồi dùng kéo cắt khúc. Chú ý miến chỉ ngâm khoảng 2-3 phút cho sợi mềm, dễ cắt là được, không ngâm lâu quá miến bị nhũn, nem không ngon. Hành tây, bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó cắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, lấy 1 củ thái lát mỏng sau đó thái sợi. Giá đỗ rửa sạch, vớt ra để ráo, dùng tay bóp nát cho bớt nước để nhân nem không bị ra nước khi gói. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ.
Chú ý: để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không xắt nhỏ quá và độ dài của các loại nguyên liệu nên dài ngắn khác nhau.
Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với 1/2 thìa bột nêm, xíu tiêu để khoảng 10 phút cho nhân ngấm gia vị.
- Trong lúc chờ nhân nem ngấm gia vị, chuẩn bị rau sống và su hào chua ngọt để ăn cùng. Rau xà lách, rau thơm nhặt bỏ gốc, lá già, giập úa. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng 30 phút rồi vớt ra rổ, vẩy sạch nước.
- Su hào, gọt vỏ, thái khúc, sau đó thái miếng vuông nhỏ, có thể tỉa răng cưa cho đẹp. 1 củ cà rốt còn lại ở trên, gọt vỏ, thái lát mỏng. Bóp sơ cà rốt, su hào với chút muối, rửa lại cho sạch, để ráo nước rồi ngâm chua ngọt với xíu muối, đường, chanh, tỏi, ớt.
Cho trứng vào tô chứa nhân nem ở trên trộn đều. Mục đích của việc cho trứng muộn để nhân nem không bị chảy nước.
- Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa giấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán.
- Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước giấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn rán nem dễ bị bục.
- Thực hiện lần lượt cho đến khi hết nhân.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt.
Nem chín, vớt ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu.
Trong lúc rán nem trang thủ chuẩn bị nước chấm nem.
- Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch và cũng băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt.
- Bạn pha nước chấm nem theo tỷ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 nước cốt chanh và 4-5 nước tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm bạn dùng.
- Hòa tan hoàn toàn hỗn hợp trên, sau đó cho tỏi, ớt đã bằm nhỏ vào trộn đều. Để có một bát nước chấm ngon, tỏi ớt nổi đẹp mắt thì tỏi chỉ bằm nhỏ, không được đập giập, chanh trước khi vắt nên gọt vỏ.
Những chiếc nem rán giòn, vàng đều, thơm phức chấm cùng bát nước mắm chua ngọt, ăn cùng chút rau xà lách, rau thơm và su hào, cà rốt chua ngọt thực sự ngon tuyệt và cũng là món ăn chống ngán cho những dịp Lễ Tết.
5. THỊT ĐÔNG
Nguyên liệu làm thịt đông:
- 500gr thịt chân giò (mình dùng nạc và da của chân giò trước) - 500gr tai heo - 3gr tiêu - 50gr nước mắm cốt ngon (35 độ đạm, nếu dùng nước mắm mặn hơn mình giảm nha) - 45gr dầu hào - 2gr mì chính - 10gr hành củ - 4gr bột nêm - 2gr muối hạt to - 20gr nấm hương khô (100ml nước ngâm) - 20gr mộc nhĩ khô - 1.2 lít nước - ½ củ cà rốt cắt hoa xinh
Cách làm thịt đông ngon:
- Chân giò mua về rửa sạch và ngâm 20 phút cùng nước muối loãng rửa sạch để ráo, tai heo mua về rửa thật kỹ làm sạch cùng muối, dấm, gừng hoặc chanh sơ chế xong để ráo.
- Chuẩn bị 1 nồi nước sôi cho thêm chút muối và hành tím đập dập lần lượt cho tai heo chân giò vào luộc qua để loại bỏ bọt bẩn, nước thạch sẽ trong ngon hơn.
- Cắt thịt từng miếng vừa ăn theo khẩu vị mỗi gia đình.
- Trộn tất cả các gia vị nêm nếm cùng nhau và chia đôi. ½ sẽ ướp cùng 1kg thịt đã thái ít nhất 30 phút đến 1 tiếng.
- Sau đủ thời gian ướp cho nồi chân giò lên bếp xào săn rồi thêm 1.2 lít nước vào, nấu ở nhiệt độ trung bình, hầm đến khi thịt mềm vừa.
- Mộc nhĩ rửa sạch ngâm nở, nấm hương rửa sạch ngâm cùng 100ml nước nóng (giữ lại nước ngâm).
- Cho hành vào chảo xào cùng chút dầu hay mỡ heo, mộc nhĩ và nấm hương vào cùng nêm chút gia vị tổng đã trộn xào săn.
- Hầm thịt được 50 phút thì cho mộc nhĩ. nấm hương đã xào vào cùng 100ml nước (nấm hương và mộc nhĩ không cho trước vì cho trước sẽ bị mềm nhũn quá).
- Nêm nếm sốt gia vị còn lại vào hầm thêm 30-40 phút tùy vào độ mềm mình mong muốn.
- Cắt tỉa hoa cà rốt cho vào các bát vừa ăn, xếp hoa xuống dưới đáy lần lượt cho thịt đông lên trên. Đợi thịt đông nguội thì bọc màng bọc thực phẩm, cho vào ngăn mát tủ lạnh, có thể để được 1 tuần trong thời tiết trời lạnh như thế này. Tốt nhất nên ăn từ 3-5 ngày là ngon nhất.
Khi ăn, dùng dao nhọn đầu và mỏng lách vào mép bát một vòng rồi nhẹ nhàng úp thịt đông xuống đĩa. Một bát thịt đông trong veo, đẹp mắt sẽ hiện ra vô cùng hấp dẫn và hút mắt. Thịt đông chỉ đơn giản là chấm với mắm ớt cũng đã thơm ngon hấp dẫn lắm rồi. Thịt đông ăn kèm các loại rau củ quả muối đều rất hợp, đỡ ngán ngấy.
Thực tế, trong mâm lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải có các món trên. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và khẩu vị của mỗi gia đình, gia chủ có thể lựa chọn các món phù hợp để nấu, chỉ cần tránh các món ăn kiêng kỵ không nên cúng ông Công ông Táo là được.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo