Theo chồng sang Pháp sinh sống, học tập và làm việc đã được 8 năm nhưng chưa khi nào chị Tăng Dung (32 tuổi) quên món ăn Việt chính vì thế, ngày nào 9X cũng vào bếp để tự nấu ăn.
Chị tâm sự, khi còn ở Việt Nam, bản thân chỉ dừng lại ở mực độ biết nấu chứ không có sử thích hay đam mê gì với bếp núc. 9X cũng học được vài món đơn giản từ mẹ. Thế nhưng từ ngày xa quê hương, tình yêu với bếp và các món ăn Việt Nam trong chị ngày càng lớn và giờ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
“Hồi mình mới sang Pháp, mình ăn đồ Tây không hợp nên buộc phải vào bếp hàng ngày để tự nấu nướng. Vợ chồng mình lúc đó vẫn còn ở một thành phố nhỏ, nguyên liệu hay các món châu Á không nhiều, mình có muốn ăn món gì cũng phải tự mày mò học nấu. Thêm nữa, bạn bè Việt Nam ở đây đến từ mọi miền Bắc - Trung - Nam nên mình biết thêm được nhiều món địa phương”, chị Dung chia sẻ.
Để biết nấu nhiều món hơn, chị Dung tham gia vào các nhóm yêu ẩm thực trên facebook. Qua đó, chị đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, mẹo nấu nướng, dùng nguyên liệu gì ở chợ Tây dể thay thế cho nguyên liệu Việt Nam.
9X xúc động nhớ lại, bản thân đã rất vui sướng khi lần đầu tự tay làm thành công giò lụa, chả quế… hay những món ăn vặt nhưng bánh rán lúc lắc, bánh gối, bánh giò… Có lẽ, chính cảm giác chinh phục được từng món ăn đã giúp chị yêu bếp núc hơn.
Theo chị Dung, những ngày còn ở Việt Nam, 9X không phải là người kén ăn nhưng cũng không ăn nhiều thứ đặc biệt là mắm tôm, mắm cáy, tương bần… Vậy mà khi sang Pháp, chị lại thèm những thứ ấy và ăn được hết.
“Giờ ăn bún đậu mà không có mắm tôm là thấy nhạt nhẽo lắm. Ẩm thực Pháp nổi tiếng và cũng ngon lắm nhưng mình vẫn thích ăn các món Việt hơn. Cảm giác như mỗi bữa cơm Việt lại giúp mình gần hơn với quê nhà”, chị Dung vui vẻ cho biết.
Hiện tại, gia đình nhỏ của chị Dung gồm 4 thành viên, hai vợ chồng cùng 2 con nhỏ (4 tuổi và 7 tuổi). Cả nhà chị chỉ ăn chung với nhau bữa tối nên 9X càng cố gắng chuẩn bị đầy đủ các bữa cơm này mỗi ngày.
Do không có nhiều thời gian nên bà mẹ 2 con thường làm các món đơn giản vì thế chỉ mất từ 45-60 phút cho mỗi lần vào bếp. Bên cạnh đó, việc sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý cũng giúp 9X tiết kiệm được rất nhiều thì giờ.
Chị kể, “Tan làm về nhà, mình cắm nồi cơm xong là quay ra nấu món ăn. Cứ nghe thấy tiếng ting ting báo hiệu cơm chín là các món cũng được dọn ra bàn. Ba bếp của mình lúc nào cũng hoạt động cùng lúc để tiết kiệm thời gian”.
Mỗi lần vào bếp, chị đều ưu tiên nấu những mâm cơm thuần Việt để căn bằng khẩu vị vì bữa trưa cả nhà đã ăn đồ Tây ở trường hoặc ở chỗ làm rồi. Không chỉ thế, chị Dung còn luôn muốn cho các con dù sinh tai tại Pháp nhưng vẫn có sự gắn kết, cảm thấy thân thuộc với nguồn cội hơn qua ẩm thực Việt Nam.
Hiện tại, khi đã quen cuộc sống tại đây, chị Dung đã có thể tìm được những nơi bán thực phẩm châu Á rất tiện lợi. Những gia vị, đồ khô, rau xanh, rau thơm chấu Á luôn đầy đủ, ít khi thiếu. Chị chia sẻ, bản thân vẫn hay đi đan xen giữa siêu thị Tây và siêu thị châu Á để đa dạng thực phẩm nấu nướng.
Tuy nhiên phần lớn bà mẹ đảm sẽ nấu những món thuần Việt từ những thực phẩm mua được từ chợ Tây. “Nhiều khi còn phải biến tấu đi chút, ví dụ như không mua được bầu, bí nên mình đã dùng phần cùi trắng của dưa hấu để nấu canh, vẫn ngon và vị thanh mát y chang luôn”.
Còn khi nào đi siêu thị châu Á, nếu mua được rau thơm như rau răm, tía tô không ăn hết ngay, 9X sẽ rửa sạch, cắt nhỏ và bỏ vào ngăn đá để dùng dần. Nhờ thế, các bữa ăn thuần Việt của chị phần lớn đều rất chuẩn vị. Với mỗi bữa ăn, chị Dung luôn đảm bảo đầy đủ món mặn, rau/canh và trái cây tráng miệng.
Khi nấu ăn mình luôn đảm bảo bữa nào cũng có đủ món mặn, rau/ canh và trái cây tráng miệng. Các món sẽ được chị thay đổi linh hoạt, đa dạng để các thành viên trong nhà luôn thấy ngon và đầy đủ chất nhất có thể.
Ngoài các bữa cơm, chị Dung còn thường nấu các món nước như bún, miến phở để cả nhà đổi món, tránh cảm giác chán ăn cho chồng con. “Do biết sức ăn của các thành viên trong nhà nên hàng ngày mình chỉ nấu vừa đủ ăn, hạn chế tối đa việc để thừa lại thức ăn sang hôm sau. Như thế ngày nào cũng được ăn món mới, không bị nhàm chán”, chị nói.
Bên cạnh những món ăn Việt, chị Dung cũng cố gắng tập tành nấu món Âu theo sở thích của con để chế biến đan xen như mì ý, Pizza. Xong chị cũng khẳng định, món Âu chưa phải là thế mạnh của mình.
Theo bà mẹ đảm, nhiều người nước ngoài rất thích món ăn châu Á, đặc biệt làm nem, gỏi cuốn, phở hay bún bò. Trong các bữa tiệc ở trường của con, nếu có thời gian chị đều làm nem đem tới trường hoặc tặng thầy cô. Những món ăn này chị làm được các thầy cô đặc biệt yêu thích. Họ đã truyền tai nhau nên mỗi năm con chị chuyển lớp, đổi cô giáo mới là về bé lại nói: “Cô giáo con bảo nghe kể nem mẹ làm ngon lắm!”.
Nhờ có sự đảm đang, khéo léo nên các món ăn chị nấu đều được chồng con yêu thích, ủng hộ. Chị quan niệm, món ăn nhìn ngon mắt thì sẽ kích thích sự ngon miệng. Vì thế, cứ mỗi lần sau khi nấu xong, thay vì chỉ cho thức ăn ra bát đĩa, 9X sẽ để ý thêm một chút trong việc trình bày món ăn, giúp mâm cơm bắt mắt hơn mà cũng không mất quá nhiều thời gian.
“Nhìn chồng con bữa nào bữa nấy vét sạch bát đĩa là mình hạnh phúc rồi. Mình luôn thấy hạnh phúc khi được tự tay nấu những mâm cơm cho gia đình. Với mình, nhà là tổ ấm, bếp là nơi “giữ lửa” yêu thương”, chị Dung vui vẻ tâm sự.