“Ma cà rồng” công sở: Không ai muốn quay lại văn phòng để bị hút cạn năng lượng

“Ma cà rồng” chốn văn phòng thường ngụy trang như những người hướng ngoại, luôn năng nổ trong các cuộc họp, tình nguyện tham gia cái này cái kia nhưng chẳng mấy khi làm gì cả mà luôn đùn đẩy cho người khác.

Bạn đang ngồi tại bàn làm việc, sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc. Từ xa, một người đồng nghiệp bước tới, hào hứng với những câu chuyện đầu ngày chưa biết kể ai. 20 phút trò chuyện không ngừng nghỉ, bạn thở phào khi cuối cùng “bà tám” đó cũng rời đi. 20 phút đầu ngày quý giá đó mất đi, bạn cảm thấy quá mệt mỏi để bắt đầu ngồi xuống và bắt đầu làm việc.

Bạn đã trở thành nạn nhân mới nhất của “ma cà rồng năng lượng” chốn văn phòng. Và bạn không cô đơn.

Những người như vậy có thể bắt gặp ở bất cứ văn phòng nào; “ma cà rồng” là những người sẵn sàng hút hết năng lượng trong ngày của bạn. Sau cuộc trò chuyện, trao đổi hay tiếp xúc với họ, bạn cảm thấy mệt mỏi về cảm xúc - dù họ là những cái tôi to bự, một kẻ thích kiểm soát người khác hay đơn giản chỉ là gã lắm mồm. “Khu vực săn mồi” yêu thích của họ là văn phòng, dù trong không gian lớn hay các phòng làm việc nhỏ. Không ít người e ngại trở lại văn phòng làm việc trực tiếp vì những người như vậy. Nghe tin công ty sắp yêu cầu trở lại làm việc 100%, Hoàng Ngân (27 tuổi, Hà Nội) thấy không còn cớ gì để thoái thác.

“Có những người mà chỉ gặp họ thôi tôi cũng thấy mệt”, đó là câu cửa miệng của cô gái trẻ khi biết đời sống văn phòng một lần nữa sắp quay trở lại. Cô không ghét bỏ công việc, yêu sếp, lương thưởng chế độ tốt nhưng có những người đồng nghiệp khiến cô mệt mỏi.

Nhận diện “ma cà rồng” chốn văn phòng

Vài người trong số họ không khó để nhận ra, vài người khác sẽ mất thời gian hơn để bạn xác định. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy do dự hoặc lo sợ trước khi tiếp xúc với một ai đó, đấy có thể là chỉ dấu cho bạn để nhận ra một “ma cà rồng”. Tim bạn đập nhanh hơn, tay ra mồ hôi, cảm giác lo lắng xuất hiện… “chúc mừng” bạn đã sắp chạm mặt với “ma cà rồng” văn phòng.

Ngoài ra, việc nói chuyện với ai đó quá nhiều ở văn phòng nhưng những cuộc thảo luận không mang lại lợi ích gì trong công việc cũng là điều bạn nên cân nhắc; bạn không chỉ mệt mỏi sau khi nói chuyện mà còn nhận ra công việc của mình không thể hoàn thành đúng hạn. Bận rộn cả ngày là vậy nhưng nói chuyện với họ nhiều thành ra bạn chẳng hoàn thành được công việc gì.

“Ma cà rồng” công sở: Không ai muốn quay lại văn phòng để bị hút cạn năng lượng - Ảnh 1.

“Ma cà rồng” chốn văn phòng thường ngụy trang như những người hướng ngoại, luôn năng nổ trong các cuộc họp, tình nguyện tham gia cái này cái kia nhưng chẳng mấy khi làm gì cả mà luôn đùn đẩy cho người khác. Những người như vậy, Nhân Mai (30 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) gặp nhiều lần từ văn phòng này qua văn phòng khác. Tưởng như hết thời sinh viên thì sẽ không còn gặp người như vậy, Nhân Mai tá hỏa khi đi làm còn đầy những người như vậy.

“Họ thường nói nhiều khi có sếp lớn tham gia họp cùng một cách năng nổ bất thường cho đến khi phải chia team làm việc thì biến mất luôn. Tất nhiên lúc đó sếp cũng không còn ở đấy nữa rồi”. Không ngoại lệ khi chính những người quản lý cũng có thể là “ma cà rồng” chốn văn phòng khi không những chỉ giỏi giao việc, họ còn giỏi trong việc tạo thêm vấn đề mới cho nhân viên của mình. Ở lâu với họ, không khí trong văn phòng lúc nào cũng tiêu cực, đôi khi “ngụy trang” dưới sự vui vẻ cười đùa không được việc gì.

Con mồi yêu thích của “ma cà rồng”

Những người hướng nội hay có vài điểm yếu nhất định thường dễ bị bắt thóp bởi “ma cà rồng” trong văn phòng. Hoàng Ngân nói rằng cô không hợp với việc tranh luận trước đám đông mà giỏi làm những nhiệm vụ cần sự tập trung, nghiền ngẫm. Vì vậy trong các cuộc họp, cô thường bị kéo vào các cuộc tranh luận hết sức mệt mỏi mà đôi khi không ra được kết quả gì. Chỉ đơn giản vì “ma cà rồng” cần một người làm bàn đạp để đẩy họ lên.

Họ thường có xu hướng tìm đến những người không thoải mái trong giao tiếp, người mới hay những người chấp nhận cho họ nói không ngừng. Tuy nhiên, đám “ma cà rồng” công sở cũng né những người quảng giao, có quan hệ rộng.

Học cách kháng cự

Cách đầu tiên để tránh những gã “săn mồi” chốn văn phòng là việc bạn nhận ra mình đang là đối tượng được nhắm tới: những buổi trò chuyện quá dài, một vài lần công kích hay sai vặt, những sự tấn công bằng lời nói hay trở thành đối tượng bị nói xấu…

Một khi bạn đã nhìn ra những dấu hiệu, từ chối tham gia cuộc chơi này. Hãy luôn cố gắng tránh tiếp xúc với đám “ma cà rồng” nhiều nhất có thể. Nếu không thể né tránh, hãy tập giao tiếp một cách chừng mực với những giới hạn cụ thể. Hoàng Ngân luôn biết cách để dừng cuộc nói chuyện sau vài phút với những câu như: “Thôi cậu ngồi chơi nhé, mình quay lại làm việc xíu, bận quá”.

“Tip của mình là đừng ngồi quá lâu ở một chỗ nếu không bạn sẽ bị những người như vậy tiếp cận. Lúc nào thấy cuộc nói chuyện cần kết thúc, hãy đứng dậy, đi vệ sinh hay đi rót nước cũng không phải ý tồi. Đấy là cách để ngắt mạch nói chuyện của đám ma cà rồng. Khi bạn đứng dậy, một là bạn đang rất vội làm gì đó khác, hay là bạn thấy không thoải mái với cuộc trò chuyện này. Họ hiểu cách nào cũng được vì mục đích cuối cùng là dừng lại thôi”.

“Ma cà rồng” công sở: Không ai muốn quay lại văn phòng để bị hút cạn năng lượng - Ảnh 2.

Giống như ma cà rồng thực sự, “ma cà rồng công sở” cũng tránh “ánh sáng”. Họ thường né những đồng nghiệp luôn toát ra “vibe” tích cực, tràn năng lượng, tích cách hoạt bát vui vẻ. Nếu bạn là một người lạc quan đầy tự nhiên và không đồng thuận với những hành vi của họ, đám ma cà rồng sẽ bỏ đi tìm người khác yếu hơn và không có cơ chế phản ứng tương tự.

Nhỡ tôi chính là một con ma cà rồng thì sao?

Nhiều người lo sợ rằng chính mình cũng là một “ma cà rồng” công sở. Chỉ dấu ư, đơn giản. Bạn có thể là người lên lịch họp liên tục một cách không cần thiết, viết những chiếc email dài thườn thượt mà không nhận được phản hồi, luôn tìm cách nói chuyện với người khác dù họ không tha thiết… Đó có thể là khởi đầu cho những điều tiêu cực hơn bạn sẽ gây ra cho người khác, nếu không sớm nhận ra mình cũng là một “ma cà rồng” công sở.

Huy Hùng nhận ra điều đấy ngay khi bắt đầu quản lý một team nội dung nhỏ trong công ty. Vì mới làm việc, ngày nào cậu cũng bắt mọi người họp để báo cáo công việc, dù nhiều thứ quá nhỏ mà đáng nhẽ ra cậu không cần theo sát tới vậy. Dần dần, Hùng nhận ra năng lượng mệt mỏi của mọi người vì các cuộc họp quá tủn mủn.

“Cuối cùng, chính mình nhận ra không khí không thoải mái từ các cuộc họp đấy. Nhân viên không cảm giác được tin tưởng và mất thời gian vào những điều lặt vặt. Mình phải chỉnh sửa lại quy định cho bản thân: Chỉ họp vào cuối tuần, báo cáo theo email hoặc theo task, không gửi email sau 6 giờ tối nếu không thực sự gấp… Mọi người lúc đó làm việc thoải mái hơn, mà năng suất còn cao hơn trước đó”, Hùng chia sẻ.

Cũng như Hùng, phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng những điều mình làm là tốt, vì mục đích tốt cho mọi người. Suy nghĩ ấy đôi khi khiến chúng ta không nhận ra rằng mình cũng là một “ma cà rồng” năng lượng cho tới khi ai đó nói với mình. Điều bạn cần làm là tự nhận ra vấn đề vì đôi khi câu chuyện cũng khá nhạy cảm để ai đó nói với bạn.

“Ma cà rồng” công sở: Không ai muốn quay lại văn phòng để bị hút cạn năng lượng - Ảnh 3.

Nếu một lần bạn bắt gặp đồng nghiệp né đi chung thang máy với bạn, quay mặt đi khi tình cờ đi ngang qua sảnh hay giả vờ không nhìn thấy bạn dù hai người đang ở khá gần nhau, đấy có thể là những điều nho nhỏ giúp bạn nhận ra rằng: mình cũng là một “ma cà rồng công sở”.

https://ahadep.com/ma-ca-rong-cong-so-khong-ai-muon-quay-lai-van-phong-de-bi-hut-can-nang-luong-20220406162903382.chn