Ngày 16/11 vừa qua, truyền thông địa phương tỉnh Thiểm Tây, miền Bắc Trung Quốc đã cho phát sóng đoạn video ghi lại cảnh cha mẹ già đoàn tụ cậu con trai mất tích suốt 16 năm trong nước mắt, thu hút sự chú ý của dư luận khắp nơi vì câu chuyện khó tin ẩn đằng sau đó.
Trong các đoạn video được lan truyền, nhân vật chính là người đàn ông họ Wang năm nay đã 39 tuổi được nhìn thấy đang khóc, quỳ gối và xin lỗi cha mẹ sau khi bỏ đi không lý do từ năm 2005, khi anh mới chỉ 23 tuổi.
Chàng trai trở về, quỳ gối trước cha mẹ sau 16 năm bỏ nhà ra đi
Theo phần giải trình từ Cơ quan Hải quan Tây An, Wang có thành tích xuất sắc khi còn là học sinh cấp 3. Anh dễ dàng thi đỗ vào đại học danh tiếng sau đó. Đại học Trường An, nơi Wang theo học, được chỉ định là trường ĐH Dự án 211, thuật ngữ của chính phủ Trung Quốc cho 100 trường đại học xếp hạng cao trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, năm 2005, anh đột nhiên cắt đứt mọi liên lạc với gia đình mình ở tỉnh Sơn Đông rồi biệt tích như vậy suốt 16 năm, khiến cha mẹ già ở nhà khổ sở tìm kiếm trong tuyệt vọng. Nhưng nguyên nhân cho hành động của Wang, điều đã gây ra nỗi đau nhiều năm qua của cha mẹ - hoá ra lại chỉ vì khi đó - anh nghiện trò chơi điện tử, sức học giảm sút cuối cùng bị đuổi học. Quá xấu hổ và không dám đối diện với cha mẹ, anh bỏ đi biền biệt không cho họ một lý do.
16 năm lưu lạc xa nhà, Wang làm nhiều việc lặt vặt ở Tây An. Anh thường chọn những công việc không yêu cầu phải đăng ký chính thức với chính quyền địa phương. Tuy nhiên gần đây, khi anh tới Cơ quan Hải quan để làm mới giấy tờ tuỳ thân, nhân viên đã vô tình phát hiện anh chính là người được thân nhân báo tin tìm mất tích, liền liên lạc với gia đình của anh ở Sơn Đông. Trả lời trên kênh Bailu TV, Wang thú nhận đã kiếm tiền ăn bằng những công việc chân tay suốt 16 năm qua mà không dám quay trở về nhà gặp cha mẹ vì xấu hổ.
Anh Wang khóc, quỳ gối vì xấu hổ với cha mẹ
Trước sự việc hy hữu, nhiều ý kiến đưa ra quan điểm về giáo dục nói chung tại Trung Quốc. Nhiều người khẳng định cách hành xử của Wang thời điểm đó là cực đoan, nông nổi nhưng cũng không thể không bàn đến những áp lực quá lớn trong việc học tập mà học sinh/sinh viên Trung Quốc nhiều năm qua phải chịu đựng. Các bậc phụ huynh nước này còn hào hứng áp dụng phương pháp nuôi dạy nôm na là "gà chọi", nhằm mục đích khiến con cái học tập làm việc chăm chỉ hơn mong đợi.
Bản thân hệ thống giáo dục Trung Quốc cũng khiến người học tăng nỗi lo về kết quả học tập của mình. Đầu tiên có thể kể đến năm 2018, khi chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách, theo đó bỏ hình thức "thi lại" đối với sinh viên đại học đã thi trượt, mục đích gây áp lực, buộc sinh viên chưa tốt nghiệp phải đạt điểm cao trong lần thi đầu tiên.
Trên phóng sự của Bailu TV, cha của anh Wang nói rằng trong 16 năm qua, ông đã đến Tây An ít nhất hai lần mỗi năm để tìm kiếm con trai mình. "Mỗi lần đến, tôi đều ở lại khoảng một tuần. Tôi đã đi bộ trên mọi con phố ở Tây An và bước vào từng quán internet một. Chúng tôi đã tuyệt vọng khi không thể tìm thấy nó. Vợ chồng tôi dù không muốn tin nhưng cũng đã từng nghĩ đến chuyện con mình đã chết ở đâu đó mà không ai hay. Nhưng hôm nay, biết được mọi chuyện, biết được hành động nông nổi của con nhưng tôi không đổ lỗi cho nó. Tôi chỉ đang cảm thấy hạnh phúc", ông nghẹn ngào nói.
Nguồn: Bussiness Insider