Châu Âu dùng chứng chỉ COVID-19 để bắt buộc tiêm mũi vaccine thứ ba

Nhiều nước châu Âu đang sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một công cụ thúc ép người dân phải đi tiêm mũi vaccine thứ ba.

Quy định chung của châu Âu là chứng chỉ COVID-19 chỉ có giá trị nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine trước đó không quá 3 tháng. Riêng tại Đức, chứng chỉ có đầy đủ giá trị khi người dân đã tiêm đủ 3 liều vaccine. Pháp, Áo, Hà Lan, Italy, Cộng hòa Czech… cũng đều bổ sung các biện pháp khắt khe hơn so với chuẩn chung trên toàn châu Âu.

Chứng chỉ COVID-19 châu Âu đang trở thành một công cụ cực kỳ hiệu quả giúp Chính phủ các nước ở "lục địa già" điều chỉnh chiến lược phòng dịch. Giống như tất cả các luật lệ của Liên minh châu Âu, mỗi nước thành viên buộc phải tuân thủ quy định chung, đồng thời nếu muốn vẫn có quyền bổ sung quy định riêng theo hướng ngặt nghèo hơn.

Đó là việc mà nước Đức đã quyết định cách đây 2 ngày. Liên minh châu Âu quy định, chỉ cần tiêm đủ 2 liều vaccine là chứng chỉ COVID-19 có hiệu lực tại tất cả các nước châu Âu. Chính phủ Đức đã ra quyết định, trong nội bộ nước này, chứng chỉ phải thể hiện đã tiêm 3 liều vaccine thì mới có giá trị để vào quán bar hoặc nhà hàng.

Châu Âu dùng chứng chỉ COVID-19 để bắt buộc tiêm mũi vaccine thứ ba - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Âu đã bổ sung các biện pháp khắt khe hơn so với chuẩn chung trên toàn châu lục này (Ảnh: AP)

Luật chung của Liên minh châu Âu quy định, việc tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính dưới 72 giờ đồng nghĩa chứng chỉ có hiệu lực. Ngày 6/1 vừa qua, Quốc hội Pháp đã sửa quy định ngặt nghèo hơn, theo đó trong nội bộ nước này, Pháp sẽ không gộp kết quả xét nghiệm PCR vào chứng chỉ. Muốn chứng chỉ có hiệu lực, chỉ có cách duy nhất là tiêm vaccine.

Điều chỉnh thuật toán để siết chặt thêm biện pháp phòng dịch theo cách này hay cách khác thông qua chứng chỉ COVID-19 là việc quá dễ dàng đối với Chính phủ mỗi nước châu Âu. Đó là một chứng chỉ điện tử, chỉ cần chỉnh sửa phần mềm đọc mã theo quy định mới. Việc điều chỉnh theo hướng siết thêm không vi phạm luật chung của Liên minh châu Âu, miễn là không nới lỏng hơn quy định chung. Vào thời điểm này, chứng chỉ COVID-19 đang là công cụ thúc ép người dân phải đi tiêm mũi vaccine thứ ba.