"Ai rồi cũng là F0", "Người âm (tính) chăm sóc người dương (tính)"
Tự test nhanh tại nhà dương tính với SARS-CoV-2, anh Phạm Đông, 28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội tiếp tục đến bệnh viện xét nghiệm PCR. Chiều 17/2, anh nhận kết quả khẳng định dương tính, chỉ số CT 18. Sau khi liên hệ trạm y tế phường để khai báo y tế, anh được hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà.
Anh Đông xuất hiện gần như mọi triệu chứng bệnh, từ mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, đến mất ngủ, khó thở (mức nhẹ). Sau 10 ngày điều trị, anh xét nghiệm PCR âm tính, được trạm y tế phường cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh.
Thời điểm đó, xung quanh anh, nhiều đồng nghiệp và người thân cũng lần lượt mắc Covid-19. Không ít người trong số họ hay nói đùa "ai rồi cũng là F0".
"Ngày nào cũng thấy bạn bè, người thân thông báo 'hai vạch'. Tâm lý bây giờ của nhiều người là chờ đến lượt mình", anh Đông nói.
Theo anh, tâm lý "ai rồi cũng là F0" mang 2 lớp nghĩa. Hoặc là khích lệ tinh thần lạc quan, tích cực, đón nhận Covid-19 như một bệnh đặc hữu thông thường. "Nếu mắc bệnh rồi thì chữa thôi", từ đó giúp tinh thần người bệnh nhẹ nhõm hơn. Đặc biệt, với Covid-19, tinh thần là liều thuốc quan trọng nhất.
"Nhưng cũng có những người quá chủ quan, xem đó là một loại xu hướng – 'trend khoe hai vạch dương tính' mà không chú trọng bảo vệ sức khỏe", anh Đông cho hay.
Mạng xã hội thời gian này xuất hiện trào lưu "khoe hai vạch dương tính với SARS-CoV-2"
Trên mạng xã hội có rất nhiều người đăng dòng trạng thái tự an ủi "rồi ai cũng đến lượt thành F0". Thậm chí có người nói vui "Sống bao năm trên đời, giờ mới được chứng kiến cảnh người âm (tính) đi chăm sóc người dương (tính)"; "Năm trước khoe tiêm vaccine. Năm nay đổi mốt, khoe mình F0". Người ta đùa cợt nhau, giờ chưa là F0 thì "thật lạc lõng" và F1 mới là bị kỳ thị.
Anh Đông cho hay, Covid-19 để lại nhiều hệ lụy mà những người chưa mắc phải, nên cố gắng giữ mình để không bị dương tính. "Khỏi bệnh, tôi thấy sức khỏe yếu hơn, hơi thở kém so với trước. Đừng sống bừa rồi thành F0. Với người khỏe mạnh, Covid-19 vẫn sẽ để lại những di chứng. Còn với người già, yếu, nhiều bệnh nền, sẽ phải đối mặt nguy cơ tử vong", anh nói.
Ngoài ra, tốn kém trong quá trình chữa trị Covid-19 cũng là một gánh nặng với nam nhân viên 28 tuổi. Từ tiền mua những bộ kit test nhanh hiện bị đẩy giá tăng gấp đôi, gấp ba; tiền xét nghiệm PCR; mua thuốc điều trị hay các loại bổ trợ như xịt mũi, xịt họng,… chi phí anh bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, thời gian ở nhà cách ly và điều trị, anh bị ảnh hưởng thu nhập, công việc và chất lượng lao động.
"Bình thường, bạn ăn uống như thế nào cũng được. Nhưng khi mắc Covid-19, vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Khoản tiền mua thực phẩm, hoa quả, vitamin hay thuốc bổ,… cũng ngốn của tôi rất nhiều", anh kể.
Thậm chí, nhiều người suy nghĩ "mắc Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng", anh Đông cho rằng hoàn toàn sai. Theo anh, đâu phải mắc Covid-19 một lần là xong, hiện nhiều người tái nhiễm với biến chủng mới hay những triệu chứng bệnh nặng hơn.
"Tôi vẫn khuyên bạn bè và người thân không cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng mắc bệnh, cố gắng tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch như quy định 5K của Bộ Y tế. Tránh được chừng nào thì tránh, mắc Covid-19 là một trong những trải nghiệm tồi tệ", anh nói.
Nữ bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ nhưng nguy kịch hậu Covid-19, được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội)
Gia đình chị Mỹ Linh, 35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội có 2 trên 4 thành viên mắc Covid-19. Trước đó, cả nhà vẫn sinh hoạt và ăn uống chung. Sau khi cách ly 2 F0, để phòng tránh lây nhiễm, chị Linh tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ quy định 5K, đặc biệt đeo khẩu trang mọi thời điểm, kể cả đi ngủ.
"Tôi cảm thấy may mắn vì dù tiếp xúc nhiều F0, nhưng chưa bị dương tính. Tuy nhiên không chủ quan, tôi sợ di chứng hậu Covid-19 hơn là Covid-19", chị nói.
Thời gian này, trang Facebook của chị Linh "ngập tràn" những dòng trạng thái, hình ảnh "hai vạch" với tâm lý "Ai rồi cũng là F0". Chị không khuyến khích điều này, nhưng xem đó là sự lạc quan của mọi người không sợ dịch bệnh.
"Cách đây hai năm, khi Covid-19 mới xuất hiện, mọi người đều sợ. Đến nay, khi chung sống an toàn và tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, tôi thấy mọi người thoải mái chia sẻ về Covid-19. Tôi vẫn khuyến cáo người thân và bạn bè cố gắng không bị nhiễm bệnh. Bởi chứng kiến người già, người có bệnh nền hay trẻ em mắc bệnh, là điều hết sức tồi tệ và xót xa", chị nói.
Anh Trần Nam, 29 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội phát ngán khi mỗi lần nghe ai đó nói "Ai rồi cũng là F0". Theo anh, tinh thần lạc quan để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh bất cứ lúc nào khác với tâm lý buông lỏng, coi nhẹ và không có ý thức phòng bị cho bản thân và người khác.
"Những ngày này ra đường, tôi gặp nhiều người đeo khẩu trang kiểu đối phó, hay khạc nhổ bừa bãi. Tâm lý chủ quan của mọi người đã đẩy virus từ mình sang người khác. Chuẩn bị tinh thần bản thân và gia đình có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào để tư tưởng thoải mái, chứ không nên chủ quan coi nhẹ bệnh", anh Nam chia sẻ.
Từng mắc Covid-19, với anh Nam, thật kinh khủng chứ không như mọi người vẫn nói giống "cảm cúm thông thường". Nam thanh niên đau đầu, chóng mặt, đau rát họng, ho "như muốn vỡ lồng ngực", nôn, mất ngủ trầm trọng. Anh nói rằng mọi người không nên đùa với sức khỏe của mình và cố gắng giữ cho bản thân hết sức có thể, trang bị kiến thức để chủ động trong mọi trường hợp.
"Nếu không may nhiễm bệnh, mọi người không hoảng loạn, mà bình tĩnh cách ly, uống thuốc theo triệu chứng kết hợp nghỉ ngơi. Không nên chủ quan để gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Tất cả mọi người đều nên có trách nhiệm và ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người", anh khuyên.
"Chúng ta không nên đánh cược sức khoẻ của bản thân"
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên giữ tâm lý "Ai rồi cũng là F0", vì điều này có thể gây quá tải y tế khiến các F0 nặng không được chăm sóc tốt nhất, có thể dẫn đến tử vong.
Theo ông Nga, khi là F0, người dân đăng lên Facebook, có thể xem đây là cảnh báo với những người khác nếu lỡ tiếp xúc cần có biện pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, tâm lý "Ai rồi cũng là F0" rất nguy hiểm.
"Chúng ta làm sao khẳng định được mình hoàn toàn khoẻ mạnh, tỷ lệ tử vong không rơi vào mình. Do đó? chúng ta không nên đánh cược sức khoẻ của bản thân", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông lưu ý người dân nên tuân thủ thật nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đặc biệt đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Ngoài tiêm chủng, người dân cũng cần tăng cường nâng cao sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin, tập thể dục.
"Hiện nay 90% người bệnh không có triệu chứng, do đó nhiều F0 có thể đi lại trong cộng đồng, người dân cần hạn chế đến những nơi đông người", ông Nga nói.
Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm khẳng định tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt chiều 22/2 (Ảnh: Đinh Huy)
Theo các chuyên gia, nửa tháng nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích, rất khó để tính toán số ca nhiễm thực sự khi lên đến đỉnh dịch sẽ có bao nhiêu ca bệnh/ngày. Hiện, thành phố công bố hơn 18.000 ca bệnh/ ngày, tuy nhiên con số thực tế có thể lên đến 50.000 - 60.000 ca khi nhiều người có triệu chứng không xét nghiệm hay những trường hợp mắc bệnh không khai báo y tế.
Ông Nga cho rằng, điều đáng lưu tâm là Hà Nội vẫn đang kiểm soát được ca bệnh nặng, tỉ lệ tử vong thấp. Trung bình mỗi ngày thành phố chỉ có từ 15-20 ca tử vong.
Trong giai đoạn đỉnh dịch, ông Nga cho rằng, thống kê F0 sẽ không còn ý nghĩa. Hà Nội cần tập trung cho những ca bệnh nặng, những ca thở máy và tử vong. Khi người dân tiêm đủ vaccine, không có triệu chứng thì không cần quan tâm thống kê ca nhiễm hàng ngày nữa.
"Người dân không nên hoang mang và lo lắng khi "đếm số ca" mỗi ngày. Trên thực tế, độ bao phủ vaccine của Hà Nội lớn, người dân thậm chí đã được tiêm mũi 4. Ngoài ra, chủng Omicron tuy lây lan nhanh, nhưng triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, cơ quan y tế vẫn phải quan tâm những người sức khoẻ yếu, người già, người có bệnh nền vì họ có thể chuyển nặng", ông Nga nói.
Cũng theo vị chuyên gia, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước. Trong trường hợp Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị.
Về vấn đề này, trong phiên họp thường kỳ tháng 2, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế đánh giá tình hình và nghiên cứu để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.