Sáng 16/11, tại điểm cầu chính đặt tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 10 (TP.HCM) tiếp xúc cử tri hai huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn bằng hình thức trực tuyến, để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hồ Viết Dũng (huyện Hóc Môn) cho biết, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) có 90.000 dân nhưng biên chế cán bộ ban đầu chỉ có 56 người. Sau khi áp dụng Nghị định 34, biên chế giảm còn 34 người. Đội ngũ y tế xã có nơi chỉ có một bác sĩ, có nơi không có bác sĩ, không có trưởng trạm.
"Đợt dịch vừa qua nhân viên y tế cơ sở được giao nhiều công việc quan trọng, nhiệm vụ nặng nề nhưng mức lương rất thấp, không đủ sống. TP.HCM nên có chính sách luân chuyển bác sĩ từ bệnh viện về y tế cơ sở trong 2 - 3 năm để chăm sóc sức khỏe người dân", ông Dũng kiến nghị.
Đồng tình, các cử tri xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cũng cho biết, xã này đang đô thị hóa rất nhanh với dân số hiện nay lên tới trên 75.000 người nhưng biên chế rất thiếu.
Cán bộ xã thường phải kiêm nhiệm 2 - 3 chức danh, đầu việc… nên quá tải, khó làm tròn nhiệm vụ khi xảy ra những tình huống đặc biệt như đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Cử tri huyện Củ Chi trình bày ý kiến
Cử tri Trần Thị Cúc (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) thắc mắc: Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 từ sớm và đạt được nhiều kết quả nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép sản xuất. Bà kiến nghị các bộ ngành chức năng tiếp tục quan tâm để Việt Nam sớm sản xuất và sử dụng vắc xin nội địa nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự chia sẻ với nỗi đau, mất mát mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã trải qua.
Theo Chủ tịch nước, trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM bị thiệt hại quá nặng nề về kinh tế, xã hội. Việc giãn cách xã hội kéo dài đã làm nhiều trụ cột bị đứt gãy, gây sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Chủ tịch nước đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp TP.HCM, nhất là huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn đã làm tốt công tác hỗ trợ cho người dân, không để ai bị "đói cơm, lạt muối, đứt bữa" suốt thời gian qua. Đặc biệt, huyện Củ Chi không có trường hợp tử vong vì COVID-19 là một thành tích rất đáng khen.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các cử tri tại buổi tiếp xúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP.HCM đã tuyên bố từ rất sớm việc tiêm vắc xin cho người lao động trở lại thành phố, cùng với đó là xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Theo Chủ tịch nước, trọng tâm của nhiệm vụ phòng chống COVID-19 sắp tới là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh theo hướng hạn chế ca nặng và tử vong, song song với việc phục hồi kinh tế.
"Doanh nghiệp, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động hiệu quả hơn nữa trong giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của mình. Tinh thần là khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba để vượt qua", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho biết đã thống nhất với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc trao huân chương cho các tổ chức, cá nhân không tiếc sức, tiếc của đóng góp cho thành phố.
Theo Chủ tịch nước, hậu quả của đại dịch vẫn còn dai dẳng. TP.HCM cần quan tâm chăm lo cho trẻ mồ côi, người già neo đơn sau đại dịch. Trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó cần chia thành nhiều mục tiêu nhỏ, từng giai đoạn để thực thi hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần khôi phục các huyết mạch kinh tế, không để xảy ra ách tắc, đồng thời khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, TP.HCM cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để học sinh quay lại trường học.
"TP.HCM cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra. Không đặt vấn đề sớm thì chúng ta lại bị nặng. Cần tìm ra phương thức phù hợp để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh", Chủ tịch nước nêu rõ.