Chương trình lớp 10 mới: Học sinh không cần học Lịch sử, Vật lý nếu không thích

2023 tới đây, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THPT sẽ chính thức được triển khai trong chương trình lớp 10.

Với chương trình mới này, học sinh lớp 10 sẽ không phải học Lịch sử hay Hoá học, Sinh học, các em cũng có thể không cần học môn Lịch Sử hay Địa Lý nếu không muốn và các em hoàn toàn có thể chọn các môn như Âm nhạc hay Giáo dục kinh tế và pháp luật… tùy vào sở thích và định hướng tương lai của các em.

Điều này cũng được xem như đổi mới căn bản, học sinh được tự chọn nhiều môn học yêu thích để định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, những đổi mới này cũng mang đến nhiều băn khoăn cho học sinh và phụ huynh trong năm đầu triển khai.

Tại buổi "Tọa đàm trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông 2018 tư vấn và định hướng cho học sinh và cha mẹ học sinh" do trường THCS - THPT Lương Thế Vinh tổ chức, GS.TS Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán đã giải đáp các thắc mắc cho phụ huynh về chương trình mới.

GS.TS Đỗ Đức Thái cho biết: “Chương trình GDPT 2018 triển khai với học sinh THPT từ năm tới, với 3 môn Toán, Văn Ngoại ngữ có 3 tiết/tuần và 1 môn bắt buộc là Giáo dục quốc phòng 1 tiết/tuần, Giáo dục thể chất 2 tiết/tuần và môn hoạt động trải nghiệm (chào cờ, sinh hoạt, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp) với 3 tiết/tuần, môn giáo dục bắt buộc do địa phương quy định và tổng 15 tiết/tuần.

Chương trình mới Bộ cũng quy định học sinh chọn 5 trong 9 môn chia 3 loại: Lý, Hóa, Sinh gọi là cụm nhóm môn Khoa học Tự nhiên; Sử, Địa, Giáo dục kinh tế pháp luật cụm môn Khoa học Xã hội và Nhân văn; Môn đặc thù: Tin học, công nghệ, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật).

Và nhiệm vụ của học sinh là phải tự chọn 3 nhóm trên ra 5 môn và mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn để học suốt 3 năm cấp 3”.

Chương trình lớp 10 mới: Học sinh không cần học Lịch sử, Vật lý nếu không thích - Ảnh 1.

GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán.

GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán.Như vậy, học sinh lớp 10 trong năm học tới có thể không cần học Lý, Hóa, Sử, Địa... nếu các em không muốn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các em nên chọn môn học tự chọn thế nào để thuận tiện cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như thuận tiện cho nhà trường xếp thời khóa biểu vì sẽ có khoảng 108 tổ hợp chọn môn.

GS.TS Đỗ Đức Thái cho rằng trong quy định cho phép học sinh chọn lại, nếu chọn nhầm 1 trong 5 môn thì hết lớp 10 có quyền chọn lại.

“Ví như lớp 10 học sinh chọn môn Sử nhưng lớp 11 không muốn học môn Sử, muốn chuyển sang môn Địa Lý cũng được. Thế nhưng, trong thời gian nghỉ hè học sinh buộc phải học lại môn Địa lý lớp 10 để có đủ các đầu điểm phục vụ cho xét tốt nghiệp sau này.

Vấn đề đặt ra là làm gì có thời gian học vì kỳ nghỉ hè thì không đủ thời gian học lại 1 môn và nhà trường cũng khó có thể tổ chức được vì biết đâu 1 trường chỉ có 3-4 em học lại thì xếp lớp, xếp giáo viên thế nào?

Một môn học 1 năm 35 tuần có hệ thống bài kiểm tra, đánh giá dồn trong vài tuần hè thì tôi khẳng định là không thể tổ chức được.

Chính vì thế, tôi khuyên học sinh và phụ huynh phải vô cùng cẩn trọng trong việc lựa chọn các môn học tự chọn”, GS. Thái nói.

Cũng theo GS. Thái, chọn tổ hợp học liên quan cả đến việc định hướng vào đại học, nếu chọn nhầm môn tự chọn học sinh vừa phải lo “đối phó” học trên lớp vừa lo chạy thi vào đại học sẽ vô cùng mệt.

Trong tâm thế của một phụ huynh có con sắp tới sẽ vào lớp 10, anh Nguyễn Quang Hưng thắc mắc việc học sinh chọn môn học tự chọn sẽ phá vỡ lớp học cố định truyền thống. Vậy quản lý các con thế nào để việc học hiệu quả?.

Về vấn đề này, GS.TS Đỗ Đức Thái cho biết, với những môn bắt buộc thì học sinh sẽ học giống nhau, tất cả giờ học theo lớp, lớp học cố định, các con vẫn có tập thể gắn bó như lớp học truyền thống.

“Đúng là việc học tự chọn, các con học theo lựa chọn của mình sẽ phá vỡ cấu trúc lớp vì khi đó có học sinh chọn môn này, có bạn chọn môn khác sẽ giống như học theo tín chỉ tại trường đại học. Đây là khó khăn cho nhà trường khi quản lý học sinh nhất là học sinh lớp 10 và 11 đang tuổi các con chuyển đổi về tâm sinh lý rõ rệt.

Giả sử khối 10 có 160 học sinh đăng ký môn Vật lý thì nhà trường chia thành 4 lớp, nhà trường phải chia khung giờ khác nhau để học sinh không bị trùng khung giờ học.

Ngay cả lớp 10A có 20 học sinh đăng ký học tự chọn môn Vật lý thì không phải xếp 20 học sinh đó vào 1 lớp nên việc quản lý học sinh rất khó, phải quản lý đồng bộ của tất cả giáo viên trong nhà trường chứ không phải mỗi giáo viên chủ nhiệm, vì học Vật lý có thể học phòng này nhưng giờ Sinh học học phòng khác”, GS Thái nói.

Hiện nay nước Úc chỉ có 20 học sinh/ lớp và tỷ lệ giáo viên/học sinh là 2,3/1 nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này là 1/16. Và khi đó với một trường 4.000 học sinh chỉ được phép đối đa 140 giáo viên sẽ khó trong công tác quản lý, và đương nhiên khía cạnh này thì nhà trường phải khắc phục.

“Sẽ có những môn ít học sinh chọn nên khó xếp thời khóa biểu, nhiệm vụ nhà trường sắp tới là hiện thực hóa để ra một thời khóa biểu chấp nhận được để hướng phụ huynh, học sinh lựa chọn”, GS Thái khẳng định.

https://ahadep.com/chuong-trinh-lop-10-moi-hoc-sinh-khong-can-hoc-lich-su-vat-ly-neu-khong-thich-20220418180459137.chn