Trong 30 năm nữa, dân số sẽ tăng lên rất nhiều. Thực tế, Liên Hợp Quốc dự đoán rằng ngành công nghiệp thực phẩm sẽ phải cung cấp cho gần 10 tỷ người vào năm 2050, tăng gần 20% so với dân số hiện tại. Tổ chức Action Against Hunger ước tính có 811 triệu người đang đói (mặc dù có tuyên bố rằng có quá nhiều thực phẩm).
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về 1/4 lượng phát thải khí nhà kính hàng năm, nhiều hơn so với toàn bộ ngành vận tải. Đặc biệt, ngành công nghiệp thịt sản xuất nhiều khí thải nhất.
Mặc dù vậy, mọi người vẫn không ngừng tiêu thụ thịt. Lượng thịt được tiêu thụ toàn cầu khoảng 350 triệu tấn một năm. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần tìm các protein thay thế.
Với ý nghĩ đó, hai nhà khoa học Lisa Dyson và John Reed đã nảy ra ý tưởng sản xuất loại thịt mới, nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu. Công ty khởi nghiệp của hai nhà khoa học có tên Air Protein, đang tạo ra thịt mới bằng cách biến đổi khí CO2 do con người thở ra thành loại protein có thể ăn được.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành, tiến sĩ Lisa Dyson hy vọng công nghệ của Air Protein sẽ "tạo ra loại thịt bền vững nhất hiện có và giảm đáng kể gánh nặng cho các nguồn tài nguyên của hành tinh".
Trong buổi trò chuyện trên TED năm 2016, Lisa Dyson đã yêu cầu khán giả: "Hãy tưởng tượng bạn là thành viên của phi hành đoàn du hành đến sao Hỏa hoặc một hành tinh xa xôi nào đó. Làm thế nào để cung cấp cho phi hành đoàn đó với nguồn tài nguyên hạn chế trong hệ thống khép kín của con tàu vũ trụ?".
Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học NASA đặt ra vào những năm 1960. Điều này dẫn họ đến việc khám phá ra rằng kết hợp vi khuẩn với khí carbon dioxide (CO2) mà các phi hành gia đang thở ra để tạo ra thức ăn.
Vì phi hành đoàn chưa đến được sao Hoả, ý tưởng này chưa thực hiện được. Lisa Dyson và John Reed quyết định lấy ý tưởng và thực hiện nghiên cứu này trong khi khám phá các cách thu giữ và tái chế carbon để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Họ nhận ra rằng họ có thể sử dụng những vi khuẩn này theo cách tương tự để làm thức ăn cho những người ở Trái đất.
Năm 2008, ý tưởng có tuổi đời hàng thập kỷ của NASA đã truyền cảm hứng cho bộ đôi nhà khoa học thành lập Kiverdi, công ty sử dụng carbon dioxide tái chế để tạo ra các sản phẩm như các chất thay thế dựa trên vi khuẩn cho dầu cọ và dầu cam quýt.
Năm 2019, họ tách ra và thành lập công ty khởi nghiệp Air Protein nhằm mục đích tạo ra thịt từ khí thải.
Lisa Dyson tập trung vào thịt bởi thịt là gánh nặng lớn nhất trên hành tinh trong sản xuất lương thực. Bằng cách sử dụng các thùng lên men, quy trình làm thịt từ khí thải có điểm tương đồng với quy trình làm sữa chua hoặc rượu vang. Air Protein kết hợp các yếu tố từ CO2 với oxy, nitơ và nước cùng các khoáng chất.
Năng lượng tái tạo cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất probiotic độc quyền của họ, nhờ đó vi khuẩn chuyển CO2 thành axit amin. Sản phẩm cuối cùng là loại bột giàu protein có thể được sử dụng giống như đậu nành hoặc bột đậu. Bột protein này sau đó có thể được sản xuất thành miếng bít tết ngon ngọt hoặc cá hồi phi lê tinh tế, thơm ngon và bổ dưỡng.
Làm thế nào để công ty biến thứ protein này thành miếng thịt mềm, đậm đà? "Chúng tôi chỉ thêm các kỹ thuật nấu nướng để mang đến cho bạn những kết cấu thịtt khác nhau mà bạn đang tìm kiếm", Lisa Dyson nói.
Nhiệm vụ về tính bền vững là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Air Protein và là điểm thu hút lớn cho các nhà đầu tư của công ty khởi nghiệp.
Qua vòng gọi vốn Series A, công ty khởi nghiệp của Lisa Dyson và John Reed huy động được hơn 680 tỷ đồng tiền tài trợ bởi các nhà đầu tư ADM Ventures, Barclays và GV (trước đây là Google Ventures) vào đầu năm 2021. Con số này giúp họ đảm bảo vị trí của mình trong lĩnh vực thịt thay thế đang mở rộng nhanh chóng.
Andrew Challis, đồng giám đốc đầu tư chính tại Barclays, cho biết: "Protein không khí là một giải pháp thuyết phục cho những thách thức ngày càng tăng trong việc cung cấp dinh dưỡng bền vững cho dân số thế giới trong khi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học".
Công nghệ lên men đang tạo ra làn sóng mới là các sản phẩm protein thay thế (thịt, trứng và sữa) ngon và được sản xuất bền vững và hiệu quả hơn so với các sản phẩm động vật.
Tiềm năng tiết kiệm khí hậu của công nghệ này là gấp đôi. Đầu tiên, bản thân quá trình này là âm carbon. Nó sử dụng CO2 để tạo ra protein và mục đích cuối cùng của Air Protein là hút CO2 từ khí quyển. Thứ hai, quy trình sử dụng đất ít hơn 1,5 triệu lần so với thịt bò và giảm lượng nước sử dụng 15.000 lần so với thịt bò.
Phần quan trọng nhất là làm cho quy trình cạnh tranh về chi phí với ngành công nghiệp thịt, cũng như với các lựa chọn thay thế thịt khác, như đậu nành và mycoprotein.
Lisa Dyson chỉ ra rằng công nghệ của công ty không đòi hỏi đất đai, sử dụng tài nguyên tối thiểu và dựa vào năng lượng tái tạo, vốn đang ngày càng rẻ.
Theo Wired