Đáng sợ hơn "Tuesday" chính là... đi làm vào thứ Hai: Không ghét sếp hay đồng nghiệp nhưng lúc nào cũng uể oải, muốn xin nghỉ ngay và luôn

Trên đời này có một thứ đáng sợ hơn “Tuesday” rất nhiều. Đó chính là Monday…

Nếu bạn đang đọc những dòng này vào sáng thứ Hai, khai thật đi - có phải chính bạn cũng đang chán ghét, mỏi mệt và mong trời đừng sáng vội, đừng tới giờ phải đi làm không? Điều này quá đỗi bình thường, bởi lẽ, thứ Hai chính là "kẻ thù chung" của cả nhân loại cơ mà.

Theo số liệu khảo sát trên 2000 người trẻ của Talkwalker, thứ Hai chính là ngày bị căm thù bậc nhất với số phiếu 53.8% - nhiều hơn tất cả những ngày còn lại trong tuần gộp chung.

Bởi lẽ, cứ đúng vào sáng thứ Hai dân tình lại trở nên uể oải như bị rút cạn sức sống, cảm thấy lười biếng và buồn ngủ chẳng muốn đi học hay đi làm. Có người cứ đến thứ Hai là lại muốn viết ngay một chiếc email xin nghỉ việc đột ngột để trốn tránh nữa cơ. Sự lo âu, căng thẳng và mong ước "thứ Hai ơi, đừng bao giờ đến" này còn diễn ra từ suốt tối Chủ nhật, làm nhiều người bỏ lỡ mất một tối cuối tuần yên bình và căm ghét thứ Hai hơn hẳn.

Thế nhưng, có lý do gì cho hội chứng ghét cay ghét đắng thứ Hai này không? Là vì ghét sếp, chán công ty/ trường học, không muốn đi làm hay còn nguyên nhân sâu xa nào đó nữa?

Đáng sợ hơn Tuesday chính là... đi làm vào thứ Hai: Không ghét sếp hay đồng nghiệp nhưng lúc nào cũng uể oải, muốn xin nghỉ ngay và luôn  - Ảnh 1.

1001 lý do thứ Hai trở thành "kẻ thù chung" của toàn nhân loại

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta ghét thứ Hai. Nó có thể đến từ khía cạnh tâm lý lẫn sinh lý của mỗi con người. Thế nhưng, đa phần những nguyên nhân khiến thứ Hai đáng ghét trên diện rộng đều được tập hợp ở đây.

Thứ Hai = thứ Haizzzzzzzzz

Trước thứ Hai, đa phần dân tình ai nấy đều có 48 giờ tuyệt vời, tha hồ được làm điều mình muốn, không một nỗi lo công việc nào vướng mắc khiến ăn cũng thấy ngon hơn, đi ngủ cũng yên giấc hẳn.

Thế nhưng, thứ Hai bắt đầu đồng nghĩa với sự tự do của bạn đã chấm dứt và phải đợi thêm 5 ngày nữa mới được xả hơi, ăn chơi thoải mái tiếp.

Thứ Hai đánh dấu sự bắt đầu của vòng lặp nhàm chán trong cuộc đời mỗi người: Tiếp tục đi học, đi làm, tiếp tục bị nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên tấm thân. Thứ Hai là khởi nguồn của một cuộc tra tấn kéo dài suốt 5 ngày trong những nỗi lo, sợ hãi và áp lực từ đủ mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Tất cả những thứ này cộng thêm 48 giờ cuối tuần ngọt như mật càng khiến hương vị của thứ Hai đắng chát, chẳng ai muốn thử chút nào.

Đáng sợ hơn Tuesday chính là... đi làm vào thứ Hai: Không ghét sếp hay đồng nghiệp nhưng lúc nào cũng uể oải, muốn xin nghỉ ngay và luôn  - Ảnh 2.

Những món nợ phải trả vào thứ Hai: Deadline chưa hoàn thành hết, công việc chất đống ngày càng nhiều

Đầu tuần luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất. Vừa phải giải quyết công việc tồn đọng của tuần trước đã bị trì hoãn suốt những ngày cuối tuần, vừa đối diện với nỗi lo không biết tuần này sẽ phải làm gì tiếp theo. Liệu sếp có email giao thêm việc không, KPI tuần này ra sao, khách hàng có bắt chỉnh sửa gì thêm không… Những sự sợ hãi về một núi công việc còn đang "mơ hồ" ấy khiến bao nhiêu người luôn mong thứ Hai đừng bao giờ đến.

Cảm giác mệt mỏi chán chường do giờ sinh học bị đảo lộn

Trong tuần, do công việc bận rộn và nhiều thứ phải lo nghĩ, dân tình thường khó được ngủ sớm hay ngủ đủ giấc. Thế nhưng cuối tuần, rất hiếm người dành thời gian cho việc ngủ nghỉ. Họ quan niệm mai không phải đi làm nên có thể đi chill thả ga, thức khuya cày thêm phim rồi ngủ nướng vào hôm sau cũng được.

Song, thứ Hai trở lại, giờ giấc của dân tình lại phải thay đổi thêm 1 lần nữa để phù hợp. Việc đã quen ngủ nướng sẽ khiến mọi người khó dậy sớm vào thứ Hai cũng như thấy uể oải, mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vì không đủ giấc. Điều này khiến nhiều người luôn đến công ty bằng gương mặt bí xị, chẳng có chút động lực làm việc nào vào đầu tuần. Tình trạng sức khỏe này rất khó để giải quyết trong tuần làm những mệt mỏi tích tụ ngày càng nhiều, giới trẻ lại càng thêm "ám ảnh" thứ Hai nhiều lần hơn.

Đáng sợ hơn Tuesday chính là... đi làm vào thứ Hai: Không ghét sếp hay đồng nghiệp nhưng lúc nào cũng uể oải, muốn xin nghỉ ngay và luôn  - Ảnh 3.

Đơn giản là ghét sếp, ghét công việc và muốn trốn tránh

Có một câu nói như thế này: "People who hate Mondays don’t hate Mondays, they hate their jobs" (Tạm dịch: Những người bị ám ảnh bởi thứ Hai không thật sự ghét thứ Hai, họ chỉ ghét công việc của mình thôi) và câu nói trên hoàn toàn đúng với một số người.

Thật ra, có những người chỉ là họ đã quá chán chường công việc, quá ghét sếp khó tính hay bắt bẻ, chửi mắng và quá ghét những người đồng nghiệp luôn tỏ ra tốt bụng nhưng thích đâm sau lưng, dành quyền lợi cho mình. Việc bắt đầu một chuỗi ngày đi làm sau khi đã xa lánh được những điều tiêu cực ấy trong thời gian ngắn ngủi làm họ stress, mệt mỏi vô cùng và muốn trốn tránh. Đấy cũng là một phần lý do vì sao tỷ lệ đơn xin nghỉ việc ở một công ty chứng khoán cao hơn những ngày bình thường đến 6% (Số liệu của Care Builder).

Ai cũng ghét thứ Hai, tại sao tôi không được ghét thứ Hai?

Không biết từ bao giờ, thứ Hai "ám ảnh" đã là đề tài quen mặt trên MXH và trong câu chuyện của những người xung quanh. Điều này tạo nên hiệu ứng bầy đàn (Thuật ngữ mô tả một hiện tượng nhiều người cùng tin tưởng hoặc làm một việc gì đó đã được nhiều người làm theo) khiến bạn cũng bắt đầu ác cảm dần với thứ Hai dù từ đầu họ chẳng quan tâm lắm.

Đáng sợ hơn Tuesday chính là... đi làm vào thứ Hai: Không ghét sếp hay đồng nghiệp nhưng lúc nào cũng uể oải, muốn xin nghỉ ngay và luôn  - Ảnh 4.

***

Tất cả chúng ta đều coi thứ Hai là "kẻ khó ưa" và là ngày tồi tệ nhất trong tuần. Song, thực tế nếu bạn không yêu mến công việc của mình, không có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, những ngày còn lại cũng đáng ghét không kém gì.

Thứ Hai không phải lúc nào cũng xấu, chỉ là đôi khi những bóng ma tâm lý và hiệu ứng của MXH, những người xung quanh quá lớn khiến bạn không nhận ra được các giá trị khác. Chẳng hạn như một người mới được nhận việc, thứ Hai đánh dấu khởi đầu chặng đường mới của họ, mang đầy hy vọng. Đổ lỗi cho thứ Hai không giúp ích được gì cho việc cân bằng lại cảm xúc hay giải quyết những hỗn độn trong công việc và cuộc sống của bạn. Thay vào đó, bạn có thể tự mình sắp xếp lại những mớ bòng bong ấy, phân nhỏ những vấn đề của mình vào các ngày khác trong tuần để giảm bớt áp lực lên thứ Hai. Bằng cách đó, mỗi ngày với bạn đều sẽ là Chủ nhật bình yên, vui vẻ.

Ảnh: Tổng hợp