Tiểu thư lá ngọc cành vàng nức tiếng Hà thành
Giai nhân một thuở Đỗ Thị Bính (Phượng Hàng Đẫy) là một trong số Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa. Bà là người có cuộc đời may mắn hơn cả với xuất thân cao quý và tiếng tăm vang dội.
Đỗ Thị Bính sinh ra trong ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy (nay là 67 Nguyễn Thái Học), là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán lớn nhất Hà Nội trước 1930 và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Cụ Đỗ Lợi có tất cả 16 người con, Đỗ Thị Bính là con đầu của người vợ thứ hai. Cô Bính sinh ra da trắng như trứng gà bóc, sở hữu vẻ đẹp dịu dàng thanh tú, chỉ thích mặc áo dài màu đen để tôn làn da trắng sứ tinh khôi.
Đỗ Thị Bính- người đẹp Tràng An hiếm hoi thoát kiếp "hồng nhan bạc phận".
Cụ Đỗ Lợi vô cùng yêu quý người con gái này. Biết con có sở thích ngắm hoa nên cụ Lợi đã cho người trồng cả giàn hồng leo và treo những giỏ phong lan trước sân nhà.
Cô Bính kén ăn, cụ Lợi còn cho mời một đầu bếp từng nấu cho vua Bảo Đại về nhà trông coi việc bếp núc. Nhưng cô Bính vẫn chỉ ăn vài món mình ưa, còn lại không bao giờ động đũa. Đặc biệt, cô chẳng bao giờ chịu ăn thịt gà.
Cụ Lợi tuyên bố, cô ăn một miếng gà sẽ thưởng một nhẫn kim cương, nhưng Bính vẫn mỉm cười nhỏ nhẹ từ chối. Cho đến khi đầu bếp của gia đình nấu bún thang tuyệt phẩm của mình (trong nguyên liệu có thịt gà), tiểu thư họ Đỗ mới chịu thưởng thức.
Cũng nhờ trong nhà có đầu bếp nên cô Bính nấu ăn rất ngon. Không cần nếm thử, chỉ cần ngửi mùi vị của thức ăn đang nấu là cô có thể biết thức ăn mặn, nhạt, cay, ngọt, thế nào.
Mối tình câm lặng với nhà thơ vắn số
Là tiểu thư đài các bậc nhất Hà thành thời bấy giờ, hàng ngày cô Bính chỉ ngồi ở ghế mây đọc tiểu thuyết và ngắm hoa. Vẻ đẹp khuê các của cô đã sớm lọt vào mắt xanh của nhà thơ trẻ Nguyễn Nhược Pháp - con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Si tình trước dung nhan của cô Bính, Nhược Pháp ngày ngày đứng lại trước nhà cô để ngắm nhìn người thiếu nữ áo đen. Vì tương tư nàng tiểu thư mà chàng đã ra những vẫn thơ để tặng cô Bính: "Tóc xanh viền má hây hây đỏ/ Miệng nàng bé thắm như san hô/ Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ", hay "Ta lặng nhìn hơi lâu/ Nhưng thì giờ đi mau... Nàng chợt nghiêng thân ngà/ Thoáng bóng người xa xa.../ Ta mơ chưa lại hồn/ Nàng lẹ gót lầu son/ Vừa toan nhìn nét phượng/ Giấy thẹn bay thu tròn...".
Không chỉ vậy, đỏ trong các tác phẩm như "Tay ngà", "Chùa Hương"… của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp luôn thấp thoáng hình bóng của một giai nhân xinh đẹp dịu dàng với đôi môi đỏ. Ai cũng cho rằng, người đẹp Đỗ Thị Bính chính là người cảm hứng cho tất cả những hình ảnh đó.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Nhược Pháp - mối tình đầu của cô Bính.
Mặc dù nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mê đắm cô Bính nhưng ông lại chẳng dám tiến đến do sự cách biệt về thân phận. Nếu như cô Bính là tiểu thư con nhà giàu thì ông lại xuất thân từ gia đình có gia cảnh nghèo khó.
Mối tình đầu lặng lẽ ấy chẳng kéo dài bao lâu khi năm 1939, chàng thi sĩ mất khi tuổi đời vừa mới 24 do căn bệnh lao. Sự ra đi của ông đã khiến cho mối tình lặng câm dang dở, để lại sự nhớ nhung rất lớn cho giai nhân.
Cuộc hôn nhân trọn vẹn với người chồng tài hoa
Một năm sau sự ra đi của mối tình đầu, cha mẹ đã khuyên bảo cô Bính kết hôn với Bùi Tường Viên, chàng kỹ sư vừa du học ở Pháp về. Ông sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, có vị thế đáng kể trong xã hội lúc đó. Ông Viên là em trai của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu.
Sau này. ông Viên giữ chức Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).
Cô Bính bên cạnh chồng, kỹ sư Bùi Tường Viên
Khi lấy chồng, cô Bính còn chưa biết mặt chồng nên cũng chưa có thiện cảm nhiều. Chỉ khi về làm vợ, cô mới xiêu lòng và dần yêu người chồng rất mực nhẹ nhàng, quan tâm này.
Vợ chồng Đỗ Thị Bính có cuộc sống bình yên và hòa hợp với nhau suốt mấy chục năm. Ông Viên là người từng đi du học Pháp nên ảnh hưởng chút tư tưởng phương Tây, rất tôn trọng, nhường nhịn và chưa bao giờ to tiếng với vợ.
Là tiểu thư đài các được nuôi dạy chu đáo từ nhỏ, cô Bính trở thành dâu hiền, người mẹ chuẩn mực cho các con. Dù lấy chồng, cô Bính vẫn có niềm đam mê với tiểu thuyết, sách vở. Khi có thời gian rảnh rỗi, cô vẫn mang tiểu thuyết ra đọc. Chính vì vậy, giai nhân giữ được sự minh mẫn, trí tuệ đến tận khi già cả và luôn được con cháu khâm phục.
Năm 1976, ông Bùi Tường Viên mắc bệnh ung thư và được vợ chăm sóc ân cần suốt 10 năm đến khi ông qua đời. Năm 1992, giai nhân đất Tràng An tuyệt sắc qua đời ở tuổi 77, tại Hà Nội.