Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 26/11 thống kê, 10 ngày liên tiếp (từ 17 - 26/11) thành phố vượt mốc 200 ca Covid-19/ngày. Cao nhất là 286 ca, thấp nhất 217 ca. F0 ghi nhận trong cộng đồng vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Hà Nội hiện có 9 ổ dịch Covid-19 phức tạp, cụ thể:
- Ổ dịch La Thành, Giảng Võ: 221 ca.
- Ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm từ ngày 9/11: 348 ca.
- Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy từ ngày 2/11: 177 ca.
- Ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm từ ngày 31/10: 314 ca.
- Ổ dịch kho hàng Shopee, KCN Đài Tư từ ngày 5/11: 172 ca.
- Ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang từ ngày 14/11: 143 ca.
- Ổ dịch xóm Mới, Tốt Động, huyện Chương Mỹ từ ngày 17/11: 62 ca.
- Ổ dịch Xuân Dương, huyện Thanh Oai từ 18/11: 15 ca.
- Ổ dịch tổ 6, phường Mộ Lao từ ngày 17/11: 22 ca.
Ngày thứ 10 liên tiếp, Hà Nội vượt 200 ca mắc Covid-19 (Nguồn: CDC Hà Nội)
Đặc biệt, chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát liên tục gia tăng F0. Đến nay, Hà Nội ghi nhận 643 ca mắc Covid-19 được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng; 6.514 F0 thuộc ổ dịch cũ hoặc đã được kiểm soát. Thành phố rà soát 244 F0 về từ các tỉnh có dịch, từ đó lây nhiễm thứ phát cho 221 trường hợp khác.
Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 9.096 ca dương tính, trong đó 3.456 ca ngoài cộng đồng và 5.640 người đã được cách ly.
Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 19/11, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình. 4 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm: Hoàn Kiếm, Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa. 26 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2.
Có 3 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ), gồm phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); xã Phù Đổng và xã Yên Thường của huyện Gia Lâm. Đặc biệt, không có địa bàn cấp độ 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao).
Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn thành phố, trừ 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, bởi "mật độ dân cư cao và tập trung trụ sở của các cơ quan, tổ chức lớn".
Thành phố cũng hướng dẫn thu dung, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động của quận, huyện, thị xã.
Về việc giám sát người dân về từ các địa bàn có dịch, Hà Nội bỏ yêu cầu người về từ TP.HCM phải cách ly tại nhà 7 ngày, thay vào đó những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh, chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.
Đồng thời, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Từ ngày 23/11, Hà Nội chính thức tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi. Tính đến hết ngày 26/11, toàn thành phố đã tiêm được 266.281 mũi tiêm cho học sinh lớp 10, 11, 12, sử dụng 265.134 liều vaccine. Từ ngày mai (27/11), thành phố tiếp tục triển khai tiêm cho học sinh lớp 9.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 20/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục tăng với nhiều ổ dịch. Do đó, một số quận, huyện có các ổ dịch cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch, thần tốc truy vết các ca bệnh và trường hợp liên quan.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.
Theo Phó Bí thư Hà Nội, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, Thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, Bệnh viện Thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.