Lần đầu tiên, Tiếng Việt được dạy ở 2 trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới nằm trong khối Ivy Leauge. Theo đó, đại học Brown và Đại học Princeton sẽ cùng nhau hợp tác khóa học Tiếng Việt đầu tiên theo hình thức học trực tuyến qua Zoom.
Khóa học này sẽ do 1 giảng viên tại đại học Brown trực tiếp giảng dạy (cô Trang Trần), có sự trợ giảng từ 2 sinh viên đến từ đại học Princeton.
Theo THE Ranking 2022, Đại học Princeton đứng Top 7 những trường đại học tốt nhất thế giới
Trong khi đó, đại học Brown đứng thứ 64
Nguyễn Cẩm Ly (23 tuổi) là một trong những học viên đầu tiên của khóa học. Cô cho hay: "Khi tôi vào học ở Princeton, tôi nhận thấy sinh viên Đông Nam Á thường ít có tiếng nói đại diện trong cộng đồng sinh viên, ở cả trong lĩnh vực học thuật nữa". Cẩm Ly là người Mỹ gốc Việt, có cả bố và mẹ sinh ra ở Việt Nam nên cô luôn mong muốn hướng về cội nguồn của mình.
Nhận thấy điều đó nên Cẩm Ly đã từng nói chuyện với bà Rebekah Peeples (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Princeton) về việc mở các lớp học Tiếng Việt tại trường đại học này.
Trước đó, một số sinh viên đã liên hệ với Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ của đại học Princeton (viết tắt: PCLS) để ủng hộ cho việc mở các lớp học dạy Tiếng Việt. Vào tháng 5/2020, 9 sinh viên ở Princeton đã nhận được email từ PCLS thông báo rằng: "Sẽ bắt đầu trò chuyện với các đối tác về việc mở ra các chương trình giảng dạy cho môn Tiếng Việt".
Cuối cùng thành quả đã được đền đáp khi vào mùa hè năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ Princeton đã liên hệ với trường đại học Brown để mở các lớp học này.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Princeton cho hay: "Thật tình cờ khi trường đại học Brown cũng đang có những khóa học về Tiếng Việt và cũng hi vọng sinh viên trường chúng tôi tham gia các lớp học đó". Bà cũng khen ngợi cho các nỗ lực của sinh viên trong việc xúc tiến học các ngôn ngữ này.
Thông báo về khóa học trên website trường ĐH Brown
Giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Tiếng Việt, cô Trang Trần cho hay: "Các sinh viên trong khóa của tôi mong muốn có thể học được tiếng nói để hiểu hơn về cội nguồn, văn hóa ở Việt Nam; cũng như thoải mái trò chuyện với người thân trong gia đình.
Vậy nên đây không chỉ là lớp học ngôn ngữ thông thường. Tôi còn dạy về văn hóa, cách ứng xử, văn hóa của người Việt Nam. Lớp học cũng có thể tự tìm hiểu và trao đổi với nhau mọi thứ về Việt Nam".
Hiện tại, khóa học này thuộc khoa Nghiên cứu Đông Á (EAS). Chủ nhiệm khoa - GS. Anna Shields cho biết: "Hiện chúng tôi đang tập trung giảng dạy các ngôn ngữ như Tiếng Trung, Nhật, Hàn. Vậy nên để giảng dạy được nhiều khóa Tiếng Việt hơn còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm của sinh viên trong trường".
Nguồn: The Daily Princetonian