Kho báu trăm tỷ nhưng "ế chỏng chơ" trong chiếc container nằm bất động 3 năm ở Hà Nội

Kho báu trị giá hàng trăm tỷ đồng nằm trong container ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trải qua 4 lần đấu giá vẫn "ế".

Kho báu trăm tỷ nhưng ế chỏng chơ trong chiếc container nằm bất động 3 năm ở Hà Nội - Ảnh 1.

Nguồn gốc của "cụ sưa trăm tỷ" 

Trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa đỏ được định giá cả trăm tỷ đồng. Một cây cao hơn 7m, đường kính khoảng 50cm, cây còn lại cao khoảng 20m. Hai cây này được xác định khoảng 130 năm tuổi và 50 năm tuổi.

Năm 2010, nhân dân thôn Phụ Chính quyết định cắt một cành sưa và bán được 21 tỷ đồng để lấy chi phí xây dựng đình làng. Tuy nhiên, cành sưa vừa vận chuyển ra khỏi làng thì bị công an giữ lại.

Năm 2015, số sưa bị niêm phong này được chính quyền xã bán đấu giá thu về hơn 31 tỷ đồng. Cũng kể từ đó, cây sưa trăm tuổi này liên tục bị các đối tượng trộm cắp, kẻ gian nhòm ngó nên dân làng phải "mặc áo giáp sắt" chống trộm cho cây và cắt cử nhau canh giữ cẩn thận cả ngày lẫn đêm.

Cây sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính (Ảnh: Tiền Phong & GĐXH)

Sau nhiều lần xin phép chính quyền, tháng 1/2019, người dân làng Phụ Chính đã được đồng ý cho chặt hạ 2 cây sưa quý trong khuôn viên đình làng bởi 2 cây sưa bắt đầu bị mối mọt, nếu không chặt hạ sẽ hỏng cả cây.

Người dân sau đó kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container, bảo quản, trông giữ nghiêm ngặt chờ thời điểm đem ra bán đấu giá.

Kho báu trăm tỷ nhưng ế chỏng chơ trong chiếc container nằm bất động 3 năm ở Hà Nội - Ảnh 3.

Người dân chặt hạ cây sưa (Ảnh: Hoàng Đan)

Số gỗ sưa nói trên được chia làm 5 nhóm, trong đó, số gốc nhỏ, rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg; phần thân cây sưa, tuỳ theo chất lượng gỗ sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau: loại 32 triệu đồng/kg (nhóm đặc biệt); loại 28 triệu đồng/kg (nhóm 1); loại 22 triệu đồng/kg (nhóm 2); loại 15 triệu đồng/kg (nhóm 3). Tổng giá trị giá của cả 5 nhóm tạm tính theo khởi điểm là hơn 146 tỷ đồng.

Chật vật tìm khách mua

Kể từ khi được chặt hạ vào năm 2019, "cụ sưa" trăm tỷ đã trải qua 4 lần đấu giá nhưng vẫn vô cùng chật vật trong việc tìm khách mua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Lai, trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết tính đến nay, sau hơn 2 năm đã trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn chưa tìm được chủ nhân mới, giá trị của lô gỗ cũng mất 1/3.

"Giá từ 146 tỷ, giờ định lại chỉ còn 100 tỷ thôi, hụt mất 1/3 rồi. Đầu năm 2019 bắt đầu bán đấu giá, đến nay cũng qua 4 đợt, gần nhất là tháng 6/2020, đều do giá cao không ai mua", ông Lai nói.

Kho báu trăm tỷ nhưng ế chỏng chơ trong chiếc container nằm bất động 3 năm ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cận cảnh gỗ sưa đỏ nổi tiếng (Ảnh: GĐXH)

Ông Đinh Văn Lai còn cho báo Giao Thông hay, hầu như ngày nào cũng có người điện thoại hỏi về số gỗ sưa quý. Có người về tận thôn để xem. Tuy nhiên, các cuộc điện thoại chỉ để thăm dò giá cả, chưa có khách nào "chốt" mua hoặc tỏ ra thực sự muốn mua lô gỗ quý.

Chủ một xưởng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) phân tích trên báo Giao Thông về nguyên nhân "cụ sưa" mãi không có khách mua thành công vì thời gian qua thị trường này không thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước.

Việc buôn gỗ sưa đỏ - đen như chơi canh bạc, phụ thuộc nhiều vào người Trung Quốc. Nhiều thương lái gỗ ở Việt Nam trước đây kinh doanh gỗ sưa thì nay hầu hết đã bỏ mặt hàng này vì vốn lớn, lại khó bán.

Gỗ sưa được bảo vệ trong container (Ảnh: Hoàng Đan(

Khảo sát thị trường, giá gỗ quý nói chung như gỗ trắc, hương, cẩm... cũng trong tình trạng ế ẩm. "So với khoảng ba năm trước, giá nhiều loại gỗ quý giờ giảm trên dưới 30%. Mức giảm giá gỗ sưa như thôn Phụ Chính đưa ra ở thời điểm này cũng là thích hợp, tuy nhiên cũng không dễ tìm được người mua", ông Thông cho hay.

Các cụ cao niên thôn Phụ Chính cũng thừa nhận rằng số lượng gỗ sưa này khó mà bán được con số 100 tỷ đồng. Họ tâm sự, số tiền thu được dự kiến dùng để tu sửa và xây dựng một ngôi chùa khang trang, nhằm khép lại hành trình gian nan khai thác và bảo vệ cây sưa trăm tỷ…

Cập nhật mới nhất về container gỗ sưa trên, báo Dân Trí đưa tin hiện nay khu sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính nơi đặt thùng container đang được tôn tạo, nâng nền để mở rộng, xây dựng lại nhà văn hóa mới nên thùng container bị lọt thỏm, bốn bề bao quanh bởi đất nền.

Báo trên dẫn lời một người dân thôn Phụ Chính cho biết: "Nền sân nhà văn hóa sẽ được nâng lên rất cao, hiện giờ đơn vị thi công đang đổ đất san nền. Sau khi phần nền sân nhà văn hóa được đổ bê tông thì sẽ di chuyển thùng container gỗ sưa ra một địa điểm khác để san lấp, hoàn thiện sân nhà văn hóa".

Tổng hợp

https://soha.vn/kho-bau-tram-ty-nhung-e-chong-cho-trong-chiec-container-nam-bat-dong-3-nam-o-ha-noi-20211224124734058.htm