Chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm... là những cụm từ mà từ thuở sơ khai người ta đã ghét cay ghét đắng, ghét như kẻ thù không đội trời chung bởi chúng gây ra quá nhiều tổn thương, đau đớn, mất mát và cả ám ảnh suốt cuộc đời.
Những người lớn chúng ta dù vật vã, đau đớn biết nhường nào vẫn phải cố gắng để chống chọi, vượt qua. Nhưng còn con trẻ, chúng có tội tình gì khi vừa chào đời đã phải xuống hầm trú ẩn, tâm hồn còn ngây ngơ, mỏng manh như tờ giấy trắng đã phải nhìn cảnh súng đạn nghiệt ngã, chết chóc thê lương và thậm chí còn phải dấn thân vào những chuyến chạy trốn không biết ngày mai ra sao.
Các em đã và đang là nạn nhân của những cuộc chiến vô nghĩa mà người lớn tạo ra. Lớp học rộn tiếng cười của các em bị phá hủy dưới những quả bom đạn tàn nhẫn. Mái ấm của các em cũng chẳng còn sau mỗi cuộc giao tranh.
Walla (5 tuổi) đến từ thành phố Aleppo (Syria). Cô bé khóc mỗi đêm trong trại tị nạn. “Cô bé ấy cảm thấy mỗi lần ngả đầu trên gối là điều kinh khủng, vì khoảng thời gian ban đêm rất đáng sợ. Đó là thời điểm các cuộc tấn công xảy ra", nhiếp ảnh gia Magnus Wennman viết.
Những bức ảnh dưới đây do các nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà hoạt động vì nhân quyền chụp lại trong các cuộc chiến tranh, các trại tị nạn của hàng triệu người trên thế giới và nhân vật chủ đạo là những đứa trẻ. Điều người ta muốn nhấn mạnh là nỗi thống khổ mà các em đã phải chịu. Có những em bé đã mãi mãi ra đi vì chiến tranh, loạn lạc, có em ở lại với đời nhưng trải qua muôn vàn đắng cay mà các em không đáng phải chịu.
Một cô bé ngủ trên tấm chăn trải tạm giữa khu rừng gần biên giới Syria. Người ta hy vọng rằng đêm ấy cô bé sẽ không phải thức giấc vì gặp ác mộng. Các chuyên gia cho biết cuộc nội chiến Syria đã khiến hơn 4 triệu người mất nhà cửa. Các vụ đánh bom và không kích diễn ra thường xuyên đã biến hàng nghìn trẻ em thành mồ côi. Hơn 2 triệu trẻ em đã phải tị nạn sang các quốc gia khác và sống ở đó mà không có tương lai xác định.
Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Magnus Wennman từng có cơ hội ghi lại những hình ảnh đầy ám ảnh về những đứa trẻ tị nạn ở Syria, những nạn nhân đáng thương nhất, chịu nhiều tổn thương nhất vì cuộc nội chiến Syria.
Cô bé Fara (2 tuổi) rất yêu bóng đá. Cha của cô bé đã cố gắng làm được một quả bóng bằng tất cả những chất liệu mà anh có thể tìm thấy. Mỗi đêm khi anh nói lời chúc ngủ ngon với Fara và con gái lớn Tisam (9 tuổi), anh hy vọng rằng sáng sớm mai khi thức dậy, các con anh sẽ được chơi một trận bóng thực sự.
Mohammed (13 tuổi) rất yêu những ngôi nhà và những công trình kiến trúc khổng lồ nhưng cậu bé không bao giờ có cơ hội được quay trở lại ngôi nhà của em vì nó đã bị bom đạn tàn phá. "Nằm trên giường bệnh, thằng bé tự hỏi liệu mình có bao giờ thực hiện được ước mơ trở thành kiến trúc sư hay không", Wennman viết.
Hôm ấy, cậu bé Moyad (5 tuổi) muốn cùng mẹ nướng một chiếc bánh. 2 mẹ con tay trong tay đi chợ ở Daraa để mua một ít bột mì. Họ bước vào một chiếc taxi, nơi kẻ nào đó đã cài bom. Mẹ của Moyad chết ngay tại chỗ. Cậu bé thì bị bị mảnh đạn găm vào đầu, lưng và xương chậu.
Ralia (7 tuổi) và Rahaf (13 tuổi) đến từ Damascus. Hai chị em được tìm thấy trên đường phố Beirut. Các em đi cùng với cha của mình sau khi mất mẹ và anh trai trong cuộc không kích. Wennman viết: "2 đứa trẻ luôn kề cạnh nhau. Rahaf nói rằng em sợ "những cậu bé hư hỏng (bad boy)". Khi cô bé nói điều đó, Ralia bắt đầu khóc".
Cô bé Maram (8 tuổi) đang nằm trên giường bệnh ở Amman (Jordan) với vết thương nặng ở đầu. Cô bé nhìn chằm chằm vào những bức tường trống với hy vọng sẽ vơi đi nỗi đau.
Hình ảnh một cậu bé được sơ cứu sau khi bị bắn vào chân bởi một tay súng bắn tỉa.
Trẻ em và phụ nữ Syria đi qua cánh đồng trong nỗ lực vượt biên sang tị nạn ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 7 năm 2012, ước tính có khoảng 1,5 triệu người ở Syria cần hỗ trợ nhân đạo. Đến năm 2020, gần 10 năm sau khi cuộc xung đột nổ ra, con số đó là 11,7 triệu - gần một nửa trong số đó là trẻ em.
Một lớp học bị phá hủy ở vùng nông thôn Damascus. Bạo lực đã tàn phá những nơi được cho là an toàn với trẻ em - những nơi đáng lẽ phải an toàn: trường học, bệnh viện, sân chơi, công viên công cộng và nhà riêng của các em.
"Một chiếc máy bay đã thả một quả bom thùng xuống trường học của chúng cháu. Cháu bị thương khi họ thả một quả bom khác. Cháu bị mảnh bom văng vào mặt và lưng", cậu Safi (9 tuổi) nói. "Một số bạn của cháu đã tỏ ra sợ cháu vì vết sẹo trên mặt. Các bạn không muốn chơi với cháu nữa".
Những chiếc áo phao chồng chất trên bờ biển gần thị trấn Mithymna, trên đảo Lesbos (Hy Lạp). Ước tính hơn 3.000 người tị nạn và di cư đã thiệt mạng khi vượt biển Địa Trung Hải vào năm 2015. Trong một khoảnh khắc, hình ảnh thi thể của cậu bé Alan Kurdi dạt vào một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả thế giới phải sững sờ.
Hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đã sang châu Âu vào năm 2015 để tìm kiếm sự an toàn, trong số đó có Shaimae. Hình ảnh cô bé chuẩn bị cho em trai Yusef của mình đi qua một trạm trung chuyển ở Serbia. "Cháu ở đây với tư cách là một người tị nạn Syria, đến Đức để chấm dứt sự thống khổ và đau đớn. Đủ rồi... đủ đau, đủ áp bức. Không còn niềm vui nào trong trái tim của chúng cháu nữa... Mọi thứ không còn nữa, đất nước của chúng cháu không còn nữa. Chúng cháu không cần bất cứ điều gì khác từ cuộc sống này, ngoài một mái nhà che nắng che mưa và một tấm chiếu để ngồi", Shaimae nói.
Cậu bé Hassan giơ bức tranh về một trại tị nạn Syria mà em nhìn thấy trên bản tin. "Cháu đã rất buồn khi nhìn thấy những người này trên TV, họ không còn bất cứ điều gì", Hassan nói.
Bức vẽ của một cậu bé 11 tuổi, người đã phải rời bỏ gia đình vào năm 2012 từ Damascus, Syria: "Cháu vẽ một người đàn ông có vũ trang đang bắn một người đàn ông vô tội vì cháu biết rất nhiều người đã chết vì chiến tranh".
Chú gấu bông của một đứa trẻ nằm trong đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Đông Ghouta, vùng nông thôn Damascus.
Trời cuối chiều se lạnh. Một gia đình tị nạn đốt rác - hầu hết là nhựa - để giữ ấm cơ thể. Khi nào thời tiết ấm lên, họ mới có thể làm việc trên các cánh đồng hoặc vườn cây ăn trái. Họ không có đủ lương thực để ăn.
Nhiều gia đình Syria sống trong các khu lều trại tạm bợ ở Lebanon. Thật khó để đảm bảo rằng chúng đủ ấm áp, khô ráo và sạch sẽ. Người phụ nữ này tên là Heven. Cô đang cố gắng trông chừng những đứa con khác của mình trong khi chăm sóc cho bé Hasan, được gần 2 tháng tuổi.
Những đứa trẻ vui đùa với bùn đất và nước bẩn trong khi lều trại tạm bợ.
Những bé trai leo lên nóc một chiếc ô tô bỏ hoang và nhảy xuống. Chúng không có sân bóng hoặc thậm chí không có bóng để chơi.
Vừa trốn khỏi quê nhà, bé gái tị nạn người Syria, Rahaff (5 tuổi) ôm búp bê của mình trong một khu lều trại ở Bekaa, Lebanon.
Cha và mẹ của Mohammed đã bị giết ở Syria. Vẫn còn bà nội, cô chú và anh chị em họ chăm sóc Mohammed, nhưng cậu bé vẫn sợ. Cậu bé chỉ chưa đầy 3 tuổi, cậu bé mong muốn có một chiếc xe đạp.
Những đứa trẻ lấy ngọn lửa đun bếp của mẹ làm niềm vui "giết thời gian" vì chẳng có gì để chơi.
Nguồn: Indianexpress, Unicef, Worldvision