Bi kịch của chú vượn giống người nhất lịch sử: Bị cho là kết quả “lai” giữa vượn với người, không ai dám nuôi vì e sợ trí thông minh kỳ dị

Chú vượn Oliver có gương mặt đầy "nét" người, có thể đi lại 2 chân, pha chế đồ uống và chỉ thích giao tiếp với người mà hoàn toàn không cần huấn luyện.

Vượn Oliver sinh khoảng năm 1957 tại Congo được coi là con vượn giống người nhất từng được phát hiện, thậm chí còn được giới khoa học đặt biệt danh là "vượn người" và làm nảy sinh vô số tranh cãi về nguồn gốc của nó. Hầu hết những con vượn có thể làm hành động giống người là do được nuôi nấng, huấn luyện. Thế nhưng Oliver được bắt từ tự nhiên lại có những đặc điểm vô cùng giống loài người, gây kinh ngạc hơn cả những đồng loại được huấn luyện mà không cần ai dạy nó.

Chú vượn giống người đến kỳ lạ

Người đầu tiên sở hữu chú vượn nổi tiếng này là 2 nhà huấn luyện thú người Mỹ Frank và Janet Berger. Hai anh em nuôi một đàn vượn lớn nhưng Oliver không hề giống bất cứ chú vượn bình thường nào khác.

Bi kịch của chú vượn giống người nhất lịch sử: Bị cho là kết quả “lai” giữa vượn với người, không ai dám nuôi vì e sợ trí thông minh kỳ dị - Ảnh 1.

Chú "vượn người" Oliver - con vật từng gây tranh cãi lớn trong giới khoa học

Ngay từ đầu, Frank và Janet Berger nhận thấy Oliver có gương mặt mang nét "người" hơn đồng loại. Nó có khuôn mặt nhỏ, phẳng cùng đôi mắt sáng, tinh anh hơn nhiều so với loài vượn. Oliver cũng bị hói đầu và có tiếng kêu nhẹ nhàng khiến nó giống như một người đàn ông.

Nó không thích giao tiếp với vượn mà tỏ ra thân thiết hơn với con người. Những chú vượn khác trong đàn cũng xa lánh Oliver vì ngoại hình và hành vi khác biệt. Berger thậm chí còn ghi chép trong nghiên cứu về Oliver rằng nó "hứng thú" với phụ nữ hơn là với vượn cái.

"Oliver thích ở cạnh con người hơn là đồng loại. Nó cảm thấy thoải mái khi không sống chung với những con vượn khác. Nó giống một con người hơn là vượn", anh em Berger cho biết.

Những con vượn thông thường phải được huấn luyện mới có thể đi bằng 2 chân, nhưng dáng đi của chúng vẫn thuộc về loài đi 4 chân. Trong khi đó, Oliver bẩm sinh đã đi bằng 2 chân rất vững vàng, linh hoạt. Trí thông minh của nó vượt xa mọi con vượn được huấn luyện từ nhỏ. Oliver thường giúp người huấn luyện đem thức ăn cho lũ vượn nhốt trong chuồng. Nó cầm nắm, dùng được công cụ và máy móc đơn giản mà không phải học.

Càng trưởng thành, Oliver càng khiến mọi người kinh ngạc vì nhiều hành vi chẳng khác gì con người. Nó có thói quen uống cà phê mỗi sáng và thích uống cocktail. Oliver thậm chí còn có thể tự pha chế đồ uống theo sở thích.

Bi kịch của chú vượn giống người nhất lịch sử: Bị cho là kết quả “lai” giữa vượn với người, không ai dám nuôi vì e sợ trí thông minh kỳ dị - Ảnh 2.

Mọi hành vi giống người của Oliver đều hoàn toàn tự nhiên, không cần huấn luyện

Khả năng tư duy logic của Oliver cũng phát triển theo thời gian khi nó có thể ra quyết định tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Những gì Oliver làm được thực sự vượt xa khả năng bắt chước thông thường của loài vượn.

Vì sự đặc biệt của mình, Oliver nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng và báo đài. Trí thông minh ngày càng tăng theo thời gian của nó khiến hai anh em Berger cũng phải e sợ và họ tin rằng Oliver là một con lai giữa người và vượn. Anh em Berger đã bán Oliver đi cho người khác. Nhưng tất cả các người mua chỉ nuôi Oliver một thời gian là cũng nảy sinh lo ngại vì trí tuệ dị thường của nó. Chú "vượn người" bị truyền tay qua nhiều đời chủ, mỗi lần "chuyển nhà" đều ngắn ngủi. Cuối cùng, đến năm 1986 thì nó bị nhốt trong phòng thí nghiệm của công ty Buckshire (Mỹ).

Bi kịch của chú vượn giống người nhất lịch sử: Bị cho là kết quả “lai” giữa vượn với người, không ai dám nuôi vì e sợ trí thông minh kỳ dị - Ảnh 3.

Oliver thường xuyên xuất hiện trên tivi, báo đài vì sự khác biệt gây tò mò của nó

Ở đây, Oliver đã bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ 7 năm trời để phục vụ nghiên cứu. Nó không cam chịu bị giam cầm trong lồng nên đã phản kháng kịch liệt và đối xử tàn bạo. Kết quả là Oliver mắc chứng teo cơ và viêm khớp, suy giảm sức khỏe nhanh chóng.

Hành trình được giải thoát

Năm 1996, chú "vượn người" được giải cứu đến Trung tâm bảo tồn loài vượn Primarily Primates. Tại đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago đã tiến hành phân tích ADN để giải đáp tin đồn lâu nay rằng Oliver là "kết quả" lai giữa người với vượn. Xét nghiệm chỉ ra rằng bộ gene của Oliver có 47 nhiễm sắc thể, nhiều hơn một nhiễm sắc thể so với con người và ít hơn một so với loài vượn. Cấu tạo gene của Oliver có sự khác biệt so với loài vượn nên nó có nhiều đặc điểm sinh học của loài người hơn loài vượn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng Oliver có đột biến nhiễm sắc thể

Tuy nhiên, để cho rằng nó lai người thì hoàn toàn không có căn cứ. Sau tất cả, các nhà khoa học kết luận Oliver là một cá thể đột biến tự nhiên trong thế giới loài vượn. Một cá thể như vậy rất hiếm và có thể là độc nhất vô nhị.

Ngày 2/6/2012, Oliver qua đời trong giấc ngủ yên bình, thọ khoảng 55 tuổi. Xác nó được hỏa táng và rải tro khắp trung tâm bảo tồn để tưởng nhớ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nếu sống trong môi trường tự nhiên, tuổi thọ của nó có thể kéo dài hơn rất nhiều. Năm 2014, Primarily Primates đã khánh thành một khu vui chơi cho vượn mang tên Oliver như một cách tri ân tới con vượn giống người nhất lịch sử này.

Nguồn: Science Alert

https://ahadep.com/bi-kich-cua-chu-vuon-giong-nguoi-nhat-lich-su-bi-cho-la-ket-qua-lai-giua-vuon-voi-nguoi-khong-ai-dam-nuoi-vi-e-so-tri-thong-minh-ky-di-20211106213144962.chn